Cuộc đối đầu nảy lửa
Như đã biết, 10/02 vừa qua là một trong những cuộc đối đấu khốc liệt nhất giữa lực lượng phòng không Syria với Không quân Israel. Cả hai bên đều tung vào trận lực lượng mạnh, trong đó phía Syria là sự hiệp đồng của nhiều loại vũ khí phòng không cùng lúc, từ tên lửa cổ lỗ như S-75, S-125, S-200 cho tới những loại cơ động, hiện đại như Kub, Buk-M2E, Pantsir-S1.
Các bên đều tuyên bố đã đạt được mục tiêu trong đó Israel cho rằng đã diệt được một nửa số bệ phóng tên lửa phòng không của Syria cũng như trung tâm chỉ huy điều khiển máy bay không người lái của Iran, còn ở phía ngược lại, Syria lần đầu tiên bắn hạ được tiêm kích F-16 của Israel, đồng thời tiêu diệt được 13 trên tổng số 18 quả tên lửa hành trình không đối đất.
F-16 bị bắn rơi là một cú sốc mạnh đối với Không quân Israel, lực lượng vốn được coi là thiện chiến bậc nhất trong khu vực với những chiến tích oanh liệt và khiến họ phải tiến hành ngay lập tức một cuộc điều tra cặn kẽ về việc tại sao lại xảy ra vụ việc này.
Vị trí chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Israel đâm xuống đất sau khi trúng tên lửa phòng không Syria.
Đã rõ nguyên nhân tiêm kích F-16 Israel bị bắn rơi?
Hôm qua, 25/02, Hãng thông tấn RT của Nga dẫn báo cáo của Israel cho biết Không quân nước này thừa nhận chiếc tiêm kích F-16 của họ đã bị một tên lửa đất đối không (có thể là loại S-200 được NATO định danh là SA-5) do Liên Xô sản xuất của phòng không Syria bắn trúng khi đang tiến hành oanh kích các mục tiêu của Iran trong lãnh thổ Syria.
Vụ việc xảy ra khiến 2 phi công trên tiêm kích F-16 buộc phải nhảy dù và may mắn sống sót.
Sau khi phân tích kỹ càng các yếu tố cả khách quan và chủ quan về diễn biến của đòn tiến công mà không quân Israel tiến hành cũng như phản ứng đáp trả của phòng không Syria, các chuyên gia Israel cho rằng dường như các phi công điều khiển chiếc F-16 này có lỗi và phải chịu trách nhiệm cá nhân khi để máy bay bị tên lửa bắn trúng.
"Khi thực hiện nhiệm vụ oanh kích, các phi công phải cân bằng giữa hoàn thành nhiệm vụ với việc tự bảo vệ mình... và họ đã thất bại trong việc tự bảo vệ mình khi bỏ qua ưu tiên cao nhất là giữ an toàn trước mối đe dọa trước mật độ dày đặc của tên lửa phòng không đối phương", theo tờ Haaretz (Israel).
Thêm nữa, các phi công này đã được cảnh báo nghiêm túc về những nguy cơ phải đối mặt nhất là khả năng đáp trả mạnh mẽ của phòng không Syria từ trước khi xuất kích tiêu diệt trung tâm chỉ huy điều khiển máy bay không người lái Iran.
"Trên thực tế hoạt động, hầu hết các chiến đấu cơ đã thực hiện tốt việc tự bảo vệ mình trước các tên lửa phòng không Syria được phóng lên từ mặt đất trong khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, có 1 trong số các máy bay tham chiến đã không tự bảo vệ mình, nó đã bị trúng đạn", một sĩ quan cấp cao Không quân Israel nói với các phóng viên.
Mặc dù vậy, Không quân Israel tuyên bố rằng các phi công đã làm một việc đúng đắn là nhảy dù kịp thời khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy để giữ được mạng sống của mình.
Kết luận điều tra của Không quân Israel công bố hôm Chủ Nhật hé lộ rằng các phi công đã hăng hái quá mức khi làm nhiệm vụ mà bỏ qua các nguồn tin trinh sát cảnh báo về nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi bay vào "tọa độ lửa".
Ngoài ra, kết luận cũng cho biết các hệ thống cảnh báo nguy hiểm của chiếc F-16 vẫn hoạt động bình thường tại thời điểm bị trúng đạn.
Tiêm kích F-16 Israel bị tên lửa phòng không Syria bắn rơi.
No comments:
Post a Comment