Quân đội Israel tuy quy mô không lớn, nhưng được tổ chức tốt, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại. Binh sỹ Quân đội Israel được huấn luyện tốt, có kỹ năng tác chiến thuần thục, đội ngũ sỹ quan chỉ huy có trình độ tác chiến cao.
Đặc biệt, Israel có nghành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh, có khả năng tự sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự công nghệ cao. Đây là lý do chính mà Israel vẫn tồn tại được ở vùng "đất dữ" Trung Đông suốt 70 năm qua.
Lực lượng tên lửa chiến lược
Tên lửa đạn đạo Jericho III là thế hệ tên lửa thứ ba do Israel tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Đây là loại tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 4.800 đến 6.000 km; có khả năng mang theo một đầu đạn nặng 1.000 kg.
Tầm bắn này cho phép Israel tấn công các mục tiêu từ Maroco đến khu vực phía Đông Ấn Độ, thậm chí là các mục tiêu ở phía Tây Trung Quốc. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép nó nhanh chóng thực hiện các cuộc tiến công mà ít cần thời gian chuẩn bị. Đây là vũ khí răn đe tầm xa của Israel.
Lực lượng Lục quân Israel (IDF)
Lục quân Israel khởi đầu bằng các nhóm du kích vũ trang của người Do Thái, trong cuộc đấu tranh sinh tồn, lực lượng Lục quân Israel đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ kể từ khi lập quốc (năm 1948).
Lục quân Israel đã tham gia vào tất cả các cuộc chiến tranh của Israel với các quốc gia Hồi giáo. Do bất lợi về quân số, do vậy Israel đã lấy "chất" bù "lượng"; bên cạnh việc nâng cao trình độ binh sĩ thì họ hết sức chú trọng phát triển và mua sắm những loại vũ khí công nghệ cao để trang bị cho IDF.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava
Đây là sản phẩm trí tuệ của người Israel, xe tăng Merkava là loại xe tăng do người Israel phát triển theo học thuyết quân sự của mình để đối phó với những mối nguy hiểm đến từ mặt đất. Xe tăng Merkava có hình dáng thấp, được trang bị hỏa lực mạnh; điểm đặc biệt của loại xe tăng này là động cơ được đặt ở phía trước, do vậy đã tăng khả năng bảo vệ cho kíp xe.
Cùng với hệ thống phòng hộ chủ động và thụ động hàng đầu thế giới; xe tăng Merkava đủ sức đương đầu với tất cả các loại xe tăng của các quốc gia như Ai Cập, Jordan, Sirya hay Iran.
Hiện nay Lục quân Israel đã được trang bị hơn 2000 xe tăng Merkavas trong tất cả các phiên bản, trong đó có 660 chiếc phiên bản mới nhất Mark IV.
Tên lửa chống tăng Spike
Tên lửa Spike là một trong hai loại tên lửa chống tăng có điều khiển thế hệ 3 duy nhất trên thế giới (cùng với tên lửa Javelin của Mỹ) thực hiện theo nguyên lý "bắn và quên". Tên lửa Spike được gắn trên tất cả các phương tiện từ mang vác đến cơ giới.
Với quỹ đạo bay kiểu cầu vồng, tên lửa chống tăng Spike có thể tiến công mục tiêu theo kiểu "đột nóc" vào những nơi hiểm yếu, không được bảo vệ tốt như nóc xe, động cơ…
Khác với tên lửa Javelin của Mỹ, tên lửa Spike có 3 phiên bản với các tầm bắn khác nhau, cự ly bắn từ 2.500m đến 25km (Spike ER). Đây là những vũ khí để tiến công những mục tiêu có giá trị, đòi hỏi mức chính xác cao.
Xe chiến đấu bộ binh Namer Armored
Tư duy của người Israel khác hẳn các trường phái phát triển xe chiến đấu bộ binh trên thế giới, khi họ phát triển chiếc xe chiến đấu bộ binh Namer của mình dựa trên khung gầm của những chiếc xe tăng Merkava Mk.1.
Chiếc xe tăng này được tháo bỏ tháp pháo tăng và biến thành xe chiến đấu bộ binh, xe được tăng cường giáp trước và hai bên sườn. Một chiếc Namer nặng gần bằng chiếc xe tăng Merkava nguyên bản, do vậy khả năng bảo vệ thuộc loại tốt nhất.
Khoảng 120 chiếc xe tăng Merkavas đã được cải tạo thành những chiếc xe chiến đấu Namers, đủ để trang bị cho ba tiểu đoàn bộ binh. Namer có kíp xe 3 người (gồm trưởng xe, lái xe và pháo thủ); ngoài ra nó có thể mang theo 9 binh lính bộ binh.
Súng trường tấn công Tavor
Súng trường Tavor là vũ khí nội địa của Israel thế hệ thứ hai, đồng thời cũng là vũ khí bộ binh tiêu chuẩn của IDF. Đây là mẫu thiết kế của súng trường tương lai với hình dáng bullpup (chiếc tẩu); thiết kế này giúp súng có chiều dài chỉ 70cm nhưng có nòng súng dài đến 46cm.
Súng trường tấn công Tavor phiên bản mới nhất.
Khẩu Tavor được đánh giá là một mẫu súng hiện đại, sử dụng tiện lợi và tin cậy. Súng sử dụng đạn 5,56mm với hộp tiếp đạn 30 viên theo chuẩn NATO.
Pháo phản lực phóng loạt
Israel không phát triển các loại pháo phản lực phóng loạt (MRLS) mà họ nhập khẩu vũ khí này từ đồng minh Mỹ. Loại MRLS duy nhất mà Lục quân Israel đang trang bị là hệ thống MRLS M270 do Mỹ chế tạo.
M270 được xem là MRLS mạnh nhất, hiện đại nhất của Quân đội Mỹ. M270 đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley. Mỗi xe phóng mang được 2 container, mỗi container chứa 6 quả đạn rocket cỡ 240 mm.
Một xe M270 khai hỏa sẽ phóng 7.728 đầu đạn (nhỏ) trong 60 giây với tầm bắn khoảng 32 km. Một trung đội với 3 xe phóng có thể bắn 23.184 bom, đạn chùm xuống mục tiêu trong một phút, phá hủy mục tiêu có diện tích 1 km2.
Không chỉ giới hạn ở đó, người Israel đang phát triển những loại đạn tầm xa, có điều khiển và tầm bắn đến 150km; nếu những khẩu đội pháo này đặt tại Haifa của Israel, có thể tấn công Thủ đô Damascus của Sirya.
Lực lượng không quân Israel (IAF)
Không quân Israel được thành lập vào ngày 28/5/1948, tức là chỉ hai tuần sau ngày tuyên bố thành lập quốc gia Israel. Ban đầu chỉ với một ít máy bay lạc hậu với đội ngũ phi công chắp vá; IAF đã phát triển trở thành một trong những lực lượng không quân mạnh nhất trên thế giới.
Không quân Israel là công cụ phòng thủ chủ yếu của Israel, nhằm chiếm ưu thế trên không và yểm trợ các lực lượng mặt đất; tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Tiêm kích tàng hình F-35I của Không quân Israel.
Trong ba thập niên vừa qua, IAF có vai trò quan trọng trọng cuộc chiến chống khủng bố của nhà nước Do Thái, sử dụng các cuộc không kích để ám sát các nhà lãnh đạo khủng bố và phá hủy các kho vũ khí từ Tunisia đến Sudan.
Hiện nay IAF có khoảng 648 máy bay các loại, với quân số 35.000 người. Trong đó 5 loại máy bay giúp người Israel thống trị bầu trời Trung Đông đó là:
Máy bay chiến đấu hạng nặng F-15A/C Baz
Israel đã nhận được từ Mỹ những chiếc máy bay tiêm kích Eagle F-15 đầu tiên của mình như là một phần của chương trình "Peace Fox". Bốn chiếc F-15A, phiên bản tiền thân của loại F-15C sau này, được chuyển giao vào ngày 10/12/1976. Hiện nay IAF được trang bị tới 58 chiếc F-15 ở tất cả các phiên bản.
Rất nhiều phi công Israel lái F-15 đã lập được chiến công; đơn giản vì khi đó Israel là quốc gia duy nhất tại khu vực Trung Đông được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ 4, trong khi đó các quốc gia thù địch với Israel chỉ được trang bị máy bay chiến đấu thế hệ 3.
Trong cuộc chiến tranh Lebanon từ năm 1976 đến cuối năm 1982, F-15 của Israel đã bắn rơi tổng cộng 58 máy bay của đối phương mà không chịu bất kỳ tổn thất nào.
Hiện nay, các máy bay F-15A của Israel đã được nâng cấp lên phiên bản F-15C. Máy bay F-15 Baz còn tiếp tục tạo ra ưu thế áp đảo về không quân cho Israel so với các đối thủ còn lại trong khu vực.
F-15I Ra'am (Thunder - Sấm sét)
F-15I Ra'am, phiên bản của máy bay tấn công tầm xa F-15E Strike Eagle (Đại bàng tấn công) giành cho Israel; đây là loại máy bay chiến đấu đa năng có thể tạo ra ưu thế áp đảo trong không chiến cũng như tấn công mặt đất.
Tổng cộng Israel đã mua 25 chiếc F-15I Ra'am và việc chuyển giao được hoàn tất vào năm 1998.
Trong trường hợp phải tiến hành một cuộc không kích của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran, 25 chiếc máy bay chiến đấu Ra'am sẽ được giao nhiệm vụ tiến công với các mục tiêu xa nhất và bảo vệ tốt nhất của Iran.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16I Sufa (Storm - Bão táp)
Máy bay chiến đấu F-16I Sufa là biến thể của máy bay chiến đấu đa năng F-16 Block 52, đồng thời cũng có thể tiến hành tiến công các mục tiêu mặt đất.
Công nghệ của Israel tích hợp trong chiếc Sufa bao gồm công nghệ hiển thị kính lái, liên lạc qua vệ tinh, thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu Litening II. Vũ khí trang bị trên máy bay bao gồm tên lửa không đối không tầm ngắn Python 5, bom điều khiển bằng laser và bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM.
Israel hiện có khoảng 100 chiếc Sufa; ngoài ra, Israel cũng đã đặt mua 243 chiếc F-16A/B/C, đưa phi đội máy bay F-16 của Israel trở thành lực lượng F-16 lớn thứ hai thế giới, sau Không quân Mỹ.
Trong bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào của Israel nhằm vào Iran, máy bay F-16I nhiều khả năng sẽ đóng hai vai trò: đập tan hệ thống phòng không của Iran và sau đó là hỗ trợ các máy bay F-15I tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
Trực thăng vũ trang AH-64 Seraph
Quân đội Israel được trang bị 42 trực thăng tấn công AH-64A Apache. Những chiếc AH-64A được mua vào cuối những năm 1980. Hiện nay Israel bắt đầu nâng cấp các máy bay này để tương thích với tiêu chuẩn của các trực thăng AH-64D hiện đại hơn. Phiên bản Apache AH-64D (Seraph) được biên chế trong Không quân Israel vào năm 2004.
Trực thăng vũ trang AH-64
Những chiếc AH-64D đã được sử dụng trong các chiến dịch chống khủng bố và các cuộc xung đột trong thời gian gần đây, phát huy khả năng trinh sát và tiến hành các cuộc tấn công ám sát. Israel đã sử dụng AH-64D để tiến hành các cuộc không kích ở khu vực đô thị, nhằm vào các mục tiêu khủng bố ẩn náu trong khu vực dân cư.
Các trực thăng AH-64D đã giúp tiêu diệt một số thủ lĩnh của Hamas và Hezbollah, yểm trợ hỏa lực cho các lực lượng mặt đất trong các cuộc chiến chống Hezbollah vào năm 2006, Hamas vào các năm 2008 và 2014.
No comments:
Post a Comment