Bất cứ thành công mang ý nghĩa nào trong chiến tranh, trước tiên đó là kết quả của cả một tập thể phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn, thống nhất và một cơ chế triển khai được vận hành trơn tru.
Triết lý cổ xưa "một cây làm chẳng lên non" không phải không có hàm ý - những người lính đơn độc trên chiến trường sẽ hi sinh một cách vô nghĩa và "lãng xẹt". Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng cũng chứng minh cho triết lý trên là đúng.
Hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) liệt kê những hành động anh hùng điển hình nhất của một cá nhân và sự hi sinh thân mình của các binh lính Nga trong những cuộc chiến tranh xảy ra ở thế kỷ XX và XXI.
Hậu đội 1 người
Chiến lược chiến tranh chớp nhoáng - Blitzkrieg - đã mang lại chiến thắng cho Đức Quốc xã trước phần lớn các nước châu Âu. Tuy nhiên, tại Liên Xô, miếng đánh thương hiệu này đã gặp trục trặc.
Mặc dù một rừng xe tăng Đức uy hiếp Hồng quân, nhưng những người lính Nga đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, phản công và làm chậm bước tiến của địch. Ví dụ điển hình cho hành động dũng cảm trong những ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Vệ Quốc - đó là tấm gương dũng cảm của thượng sĩ pháo binh Nikolai Sirotinin.
Cùng với sĩ quan chỉ huy đơn vị pháo binh chống tăng của mình, chiến sĩ này đã ở lại để yểm trợ cho các đơn vị của Quân đoàn 13 (Liên Xô) rút quân dưới sự truy đuổi của sư đoàn tăng thiết giáp số 4 của Đức phát xít.
Trận đánh tại Belorusia. 1941. Chiến tranh Vệ quốc 1941-1945 (nguồn: RIA Novosti/Petr Bernstein)
Thượng sĩ Sirotinin tham gia vào trận đánh cuối cùng của mình ở gần chiếc cầu bắc qua sông Dobrost, các không xa thị trấn Kricheva (Công hòa Belorusia) ngày 17/7/1941. Theo kế hoạch, một đoàn xe tăng của địch sẽ đi qua vị trí này. Sirotinin cùng với sĩ quan chỉ huy đã ngụy trang khẩu pháo trên đồi, trong đám lúa mạch rậm rạp.
Từ vị trí này có thể quan sát tốt xung quanh và che dấu vũ khí mà không bị phát hiện. Khi bình minh vừa lên, đoàn tăng thiết giáp của Đức xuất hiện, Nikolai đã bắn hạ chiếc xe tăng đi đầu ngay trong loạt đạn thứ nhất, còn loạt đạn thứ hai - chiếc xe vận tại bóc thép đi cuối đoàn khiến đoàn xe chịu chung số phận.
Chỉ huy đơn vị pháo đã bị thương do mảnh đạn và phải rút về phía cứ điểm của Liên Xô. Còn một mình Sirotinin ở lại. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, chiến sĩ này đã tiêu diệt được 11 chiếc xe tăng, 8 xe vận tải bọc thép, 57 binh lính và sĩ quan địch. Quân Đức mất khá nhiều công sức để phát hiện và tiêu diệt được ụ pháo.
Khi Sirotinin hi sinh, trong hộp chỉ còn 3 quả đạn pháo. Công trạng của thượng sĩ Sirotinin đã được Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.
Pháo đài nhân
Đạo diễn Fedor Bondarchuk, khi quay bộ phim "Đại đội 9" vào năm 2005, đã không lột tả được cho khán giả 1/10 hành động anh dũng của các lính dù Trung đoàn lính dù vệ binh 345 tại cao điểm 3234 thuộc tỉnh Host (Afganistan) vào ngày 7-8/1/1988.
Toàn bộ trận đánh này là một hành động đầy quả cảm: 39 chiến sĩ và sĩ quan quân đội Liên Xô đã đẩy lui các cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm Commandos Pakistan và 400 lính nổi dậy Hồi giáo cực đoan (Dushman) mà chỉ mất 6 người.
Tại nơi xảy ra trận đánh của Đại đội 9 sư đoàn 345 ở Afganistan đã lập nên một đài tưởng niệm (Nguồn: RIA Novosti/Andrei Greshnov)
Chỉ huy ụ súng đại liên "Utes", hạ sĩ Vyacheslav Alexandrov là người đầu tiên phát hiện kẻ địch leo lên sườn núi, báo động cho những đồng đội của mình và khai hỏa. Các phiến quân định bất ngờ chiếm cao điểm 3234 đã phải nằm rạp xuống: Khẩu Utes 12,7mm với ống ngắm quang đã biến tuyến phòng thủ của đơn vị lính dù trở thành pháo đài không thể xâm phạm.
Tấn công trực diện là hành động tự sát, bởi vậy địch đã thay đổi chiến thuật và bắt đầu tấn công thọc thẳng vào vị trí của hạ sĩ Alexandrov bằng súng phóng lựu từ 3 phía. Hạ sĩ hiểu rằng mình không còn sống được bao lâu nên đã quyết định cho các chiến sĩ trong ụ súng lui về nơi ẩn náu.
Còn tự mình tiếp tục giữ cò súng giữa làn đạn bắn rát. Khi khẩu Utes bị hỏng do dính mảnh đạn, hạ sĩ Alexandrov đã kịp ném chính xác vài quả lựu đạn về phía địch và hi sinh dưới họng súng của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Một mình hạ sĩ Alexandrov gần như đã chặn được bước tiến của địch với lợi thế vượt trội về số lượng.
Điều này đã giúp cho các đồng đội của Alexandrov kịp thời chuẩn bị phòng thủ các hướng. Hạ sĩ Vyacheslav Alexandrov đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Mệnh lệnh cuối cùng
Trận đánh ở cao độ 776 xảy ra hôm 29/2 - 1/3/2000 tại hẻm núi Argunsk là một trong những trang bi thảm nhất của cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai. 90 chiến sĩ đại đội số 6 thuộc Trung đoàn lính dù số 104 của Sư đoàn lính dù vệ binh số 76 Nga đã chặn đứng bước tiến của 2,5 nghìn phiến quân dưới sự chỉ huy của tên khủng bố nổi danh Khattab.
Trong trận chiến không cân sức đó, chỉ có 6 chiến sĩ may mắn sống sót, tuy nhiên đại đội này đã kịp tiêu diệt gần 500 quân khủng bố.
Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov tại lễ khánh thành đài tưởng niệm các lính dù đại đội 6 ở Chechnya. Ngày 2/3/2017 (nguồn: trang điện tử các cơ quan hành chính tỉnh Pskov, Nga)
Mệnh lệnh cuối cùng trong trận đánh này được đại úy Victor Romanov đưa ra sau khi tiếp nhận quyền chỉ huy toàn bộ các chiến sĩ còn lại của đại đội vì không còn sĩ quan cấp cao hơn nào sống sót.
Khi các phần tử khủng bố xông thẳng vào những vị trí của các lính dù và chiến đấu giáp lá cà, đại úy đầy kinh nghiệm từng tham gia cuộc tấn công vào Grozny (thủ đô của nước cộng hòa Chechnya) trong chiến dịch lần thứ nhất, đã hiểu rằng mọi thứ sẽ xảy ra trong chớp mắt.
Sĩ quan này đã làm điều được coi là hợp lý duy nhất trong tình huống đó: Liên lạc với trung đoàn pháo binh qua điện đàm và gọi hỏa lực thẳng vào vị trí của mình. Theo những hồi tưởng của các đồng đội, những lời cuối cùng của đại úy Romanov: "Sang trái 50, sang trái 50! Vĩnh biệt, các anh em!".
Victor Romanov và 21 người đồng chí của mình được truy tặng danh hiệu Anh hùng Nga. Những lính dù còn lại của đại đội số 6 được tặng thưởng huân chương Dũng cảm.
Lấy thân mình che chở người khác
Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia ở Nam Osetia hồi tháng 8/2008 kéo dài chỉ trong vòng 5 ngày. Một trong những người hùng chính của cuộc chiến ngắn ngủi này là phó chính ủy Trung đoàn bộ binh cơ giới 135 thuộc Sư đoàn bộ binh cơ giới số 19, thiếu tá Denis Vetchinov.
Ngày 9/8, sĩ quan này tham gia hành quân tới Tzkhinval trong hàng ngũ tiểu đoàn chiến thuật thuộc Quân đoàn 58, dưới sự chỉ huy của tướng Anatoly Khrulev. Khi tiến vào thành phố, tiểu đoàn bị rơi vào ổ phục kích, một màn cận chiến ác liệt đã xảy ra.
Thiếu tá Vetchinov lấy được súng của một lính đặc nhiệm Gruzia đã chết và tổ chức vòng tuyến phòng thủ. Khi sĩ quan này định vượt vòng vây để tiếp cận chiếc xe vận tải bọc thép đi đầu thì bị bắn thương cả hai chân. Tuy nhiên thiếu tá Vetchinov tiếp tục chiến đấu để bảo vệ một đoàn dài các chiến sĩ của mình và những phóng viên chiến trường đang cố gắng tìm nơi ẩn nấp.
Một trong số các phóng viên này, nhà báo tờ "Sự thật thanh niên" (Nga) đã bị thương nặng. Chính Denis Vetchinov đã cứu anh thoát chết đúng vào lúc một lính Gruzia định vớ lấy khẩu súng tiểu liên để bắn phóng viên này. Thiếu tá Vetchinov được truy tặng danh hiệu Anh hùng Nga.
Còn sống quyết không đầu hàng
Một trong những tấm gương anh dũng trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đó là trung úy Alexandr Prokhorenko, sĩ quan Lực lượng các chiến dịch đặc biệt (SSO). Anh hi sinh hôm 17/3/2016 trong lúc thực hiện trách nhiệm của một người lính khi chiến đấu để giải phóng thành phố Palmyra.
Lễ khánh thành đài tưởng niệm sĩ quan Alexandr Prokhorenko hi sinh tại Syria ở thành phố Orenburg. Ngày 4/11/2017 (nguồn: Natalya Ershova)
Được biết, Alexandr Prokhorenko là lính dẫn hướng mục tiêu cho không quân trong lực lượng SSO. Tại Syria, sĩ quan này bắt đầu tham gia chiến đấu từ tháng 1/2016 - chuyên dẫn hướng các mục tiêu quan trọng của phe khủng bố cho các máy bay ném bom và cường kích.
Thông thường các sĩ quan kiểu này phải hoạt động rất sâu trong lòng địch. Và một trong những lần thực hiện nhiệm vụ như thế, Prokhorenko đã bị một nhóm quân khủng bố IS bao vây. Prokhorenko hiểu rất rõ rằng mình sẽ phải chết, và đã quyết định gọi hỏa lực không quân tới vị trí của mình. Alexandr Prokhorenko được truy tặng danh hiệu Anh hùng Nga.
No comments:
Post a Comment