Trên mạng xã hội vừa xuất hiện các hình ảnh và video chưa được kiểm chứng ghi lại cảnh hai chiếc tiêm kích Su-57 của Nga (hay còn biết đến với các tên gọi khác là PAK FA và T-50) đang hạ cánh xuống Căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia, Syria.
Cần thấy rằng, Kremlin đã từng thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới, tiên tiến trên chiến trường Syria nên nếu thậm chí đoạn video nói trên không phải là những hình ảnh phản ánh các hoạt động ở Syria thì việc Su-57 đáp xuống quốc gia Trung Đông này cũng sẽ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Trong một đoạn video xuất hiện trên mạng ngày 21/2/2018, người xem có thể nhìn rõ một chiếc Su-35, loại tiêm kích mà Nga đã triển khai tới Syria, bay ngay bên cạnh chiếc Su-57.
Nhiều bản tin khác cũng chưa được xác nhận cho biết, bộ đôi Su-57 nằm trong đội hình các máy bay chiến đấu mà Nga vừa điều động thêm tới Syria, trong đó có 4 chiếc Su-35, 4 chiếc Su-25 và một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50U. Tất cả các máy bay này đều đã được Nga triển khai tới Syria trước đây.
Động cơ nào khiến Nga điều Su-57 tới Syria?
Việc triển khai thêm số máy bay chiến đấu trên tới Syria có thể được xem là một động thái rất đáng chú ý của Nga, nhất là sau khi Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố giành thắng lợi hoàn toàn trước các lực lượng khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS), đồng thời yêu cầu rút phần lớn quân đội Nga khỏi Syria trong chuyến thăm tới đây ngày 11/12/2017.
Nếu những thông tin trên là đúng thì cũng chưa rõ động cơ nào đã khiến Nga quyết định triển khai các tiêm kích tàng hình tới Syria vì chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Tính tới tháng 1/2018, Quân đội Nga mới tiếp nhận chưa tới 12 nguyên mẫu Su-57 và phần thiết kế cũng còn gặp phải một số vấn đề.
Một điểm rất đáng chú ý là sự xuất hiện của Su-57 diễn ra sau khi một chiếc cường kích Su-25 của Nga bị tên lửa phòng không vác vai của phiến quân bắn rơi tại Idlib ngày 3/2/2018 và trước nữa là cuộc tập kích ồ ạ chưa từng có tiền lệ bằng máy bay không người lái vào cả căn cứ Không quân Khmeimim và căn cứ Hải quân Tartus.
Động thái cũng diễn ra sau nhiều vụ động độ ngày một gia tăng giữa các máy bay chiến đấu của Nga và tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ trên không phận phía Đông Syria.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga
Nếu Nga thực sự đã điều các máy bay Su-57 tới Syria thì động cơ ẩn sau đó không thể chỉ mang tính chiến thuật.
Kể từ khi Nga bắt đầu tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria năm 2015, nước này đã triệt để tận dụng chiến trường này như một địa bàn để thử nghiệm cũng như phô diễn các vũ khí tiên tiến chưa từng được kiểm nghiệm thực tiễn mà nhiều trong số đó không nhất thiết phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Các lực lượng Nga từng tấn công nhiều mục tiêu ở Syria bằng tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không và trên biển mà trước đó chưa có cơ hội triển khai trong môi trường chiến đấu thực thụ.
Moscow đã triển khai tới đây những biến thể Su-35, Su-34 mới nhất cũng như các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160M cho các sứ mệnh tấn công tầm xa. Nga còn triển khai tới Syria nhiều loại máy bay chuyên dụng khác, gồm cả máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50U và máy bay trinh sát Tu-214R mới.
Trên mặt đất, Nga điều tới đây các hệ thống tên lửa đất đối không S-400, các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất cùng nhiều hệ thống tác chiến điện tử khác mà Nga có rất ít cơ hội sử dụng theo các điều kiện tác chiến thực tế.
Kremlin cũng không hề giấu giếm các mục tiêu của mình khi triển khai tới Syria những phương tiện chiến đấu hiện đại nhất. Nhiều quan chức cấp cao ở Moscow liên tục lên tiếng ca ngợi những khả năng mà vũ khí Nga đã thể hiện tại chiến trường Trung Đông này.
"Theo Bộ Quốc phòng, 215 loại vũ khí tân tiến nhất, hiện đại nhất đã được sử dụng tại Syria, trong đó nhiều thiết bị mới lần đầu tiên được đưa ra thử nghiệm", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu hồi tháng 1/2018.
"Việc sử dụng các vũ khí ở Syria đã chứng tỏ một cách thuyết phục, Quân đội Nga là một trong những lực lượng quân sự hàng đầu thế giới".
Một nguyên mẫu Su-57
Su-57 tới Syria: Chỉ là vấn đề thời gian
Nếu Kremlin thực sự điều Su-57 tới Syria, động thái này có thể sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại đây vì các phi công Mỹ, ngoài những đánh giá tình báo và mô phỏng, thì chưa hề có kinh nghiệm thực tiễn về các máy bay Nga sẽ xuất hiện trước cảm biến của họ như thế nào, khả năng chiến đấu thực sự của những tiêm kích này là gì và chúng có thể bộc lộ những mối đe dọa nào.
Tất nhiên, đó cũng sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho Mỹ trong việc thu thập những thông tin mới nhất về chiến đấu cơ tàng hình tân tiến của Nga, đặc biệt dựa trên loại cảm biến mà chúng kích hoạt hoặc nếu chúng bay theo chế độ tàng hình hoàn toàn khi thực hiện nhiệm vụ.
Việc điều động Su-57 tới Syria còn mang lại cho Nga cơ hội chứng tỏ Moscow đã sở hữu một tiêm kích tàng hình thế hệ 5 có khả năng hoạt động thực tế, nhất là sau nhiều năm bị trì hoãn. Nó cũng giúp Nga khẳng định vị thế tàng hình "ngang cơ" với Mỹ, nước đã triển khai F-22 thực thi nhiệm vụ tại phía Đông Syria.
Dựa vào tất cả các phân tích nêu trên và ngay cả những thông tin về sự xuất hiện của Su-57 ở Syria chưa được khẳng định, thật khó có thể hình dung Nga lại không cân nhắc điều động Su-57 tới Syria vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Video ghi lại hình ảnh 2 chiếc Su-57 của Nga xuất hiện tại Syria
No comments:
Post a Comment