Defense News hôm qua đưa tin, Hải quân Mỹ đã đưa ra một viễn cảnh mới về nhiệm vụ mà những chiếc tàu công nghệ cao khổng lồ của họ sẽ đảm trách: Đó là tiêu diệt tàu chiến đối phương ở khoảng cách xa hơn.
Theo các tài liệu ngân sách được công bố hôm 12/2, Hải quân Mỹ đang đề nghị Quốc hội cấp chi phí cho chương trình chuyển đổi các tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt, từ nhiệm vụ cơ bản là tấn công mặt đất, sang tấn công và chống tàu mặt nước.
Chương trình này dự kiến tiêu tốn 89,7 USD. Trong đó, các tàu Zumwalt sẽ được tích hợp tên lửa tầm xa SM-6 (có thể đảm đương 2 chức năng phòng không và chống tàu mặt nước) và phiên bản tấn công hải quân của tên lửa Tomahawk.
Việc chuyển đổi DDG-1000 sang "sát thủ diệt tàu" là một thắng lợi lớn dành cho lực lượng tác chiến mặt nước của Mỹ, sau nhiều năm khao khát được củng cố năng lực tấn công.
Đây cũng là lời hồi đáp dành cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, sau khi đã tích cực kêu gọi Hải quân bổ sung thêm vũ khí tầm xa để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ công nghệ tên lửa tầm xa của Trung Quốc.
Tàu khu trục USS Zumwalt. Ảnh: AP
Tên lửa SM-6 rất được Hải quân Mỹ mong đợi. Tháng 8 năm ngoái, họ đã bắn hạ một mục tiêu đạn đạo tầm trung bằng tên lửa SM-6 trong đợt thử nghiệm.
Khác với phương thức tấn công trực tiếp của tên lửa SM-3 Block IIA, SM-6 sử dụng cơ chế nổ phá mảnh gần các mục tiêu để tiêu diệt chúng. Nó cũng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên mặt đất, từ khoảng cách hàng trăm dặm. Hải quân Mỹ dự kiến mua 625 tên lửa SM-6 trong vòng 5 năm tới.
Đối với phiên bản hải quân của Tomahawk, tập đoàn Raytheon đang tiến hành tích hợp đầu dò mới để tên lửa có thể tấn công đối hạm tầm xa.
Quyết định chuyển đổi Zumwalt từ vai trò tấn công mặt đất sang vai trò chống tàu mặt nước được Hải quân Mỹ đưa ra vào tháng 11 năm ngoái, sau khi đánh giá lại các yêu cầu đối với lớp tàu này.
"Sau khi đánh giá toàn diện các yêu cầu đối với lớp tàu Zumwalt, tháng 11/2017, Hải quân Mỹ đã quyết định tái định hướng nhiệm vụ cơ bản của chúng, chuyển từ tấn công mặt đất sang tấn công mặt nước" - Các tài liệu công bố hôm 12/2 cho hay.
"Nguồn ngân sách được đề xuất trong năm 2019 sẽ tạo điều kiện cho thay đổi này, đồng thời bổ sung các loại hỏa lực tấn công cho con tàu để chống lại các mục tiêu nổi và cận bờ".
Tháng 12 năm ngoái, USNI News là tờ đầu tiên đưa tin Hải quân Mỹ đang có ý định chuyển đổi Zumwalt thành tàu tấn công mặt nước.
Tàu khu trục USS Michael Monsoor thử nghiệm trên biển. Ảnh: AP
USS Zumwalt - chiếc đầu tiên thuộc lớp này, hiện đang được đại tu và lắp đặt các hệ thống chiến đấu tại San Diego. Trong khi đó, Michael Monsoor, chiếc tàu thứ hai, đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm đánh giá trong tháng này.
Trước đó, Phó Đô đốc Thomas Rowden, cựu chỉ huy lực lượng tác chiến mặt nước Thái Bình Dương cho rằng các tàu chiến mặt nước có thể và nên được sử dụng để tấn công, chứ không chỉ bó hẹp trong vai trò bảo vệ tàu sân bay.
Bằng cách tăng cường các hệ thống tầm xa cho mọi loại tàu, ông Rowden cho rằng, các đối thủ tiềm năng của Mỹ sẽ buộc phải tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, không chỉ cho tàu khu trục, tàu tuần dương, mà còn cả các tàu tác chiến cận bờ và thậm chí, cả những chiếc tàu tấn công đổ bộ không có vai trò tấn công trong quá khứ.
Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ - Đô đốc Harry Harris cho biết, năng lực tăng tiến của Trung Quốc khiến việc đầu tư vào các hệ thống tầm xa trở thành nhu cầu cấp thiết đối với Hải quân Mỹ. Các tàu khu trục lớp Zumwalt sẽ được Mỹ bố trí tại châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 2 năm ngoái, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối đề xuất triển khai tàu khu trục USS Zumwalt của Mỹ ngoài khơi bờ biển phía Đông Triều Tiên.
Chính quyền Bắc Kinh cảnh báo Mỹ rằng nước này sẽ theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Washington liên quan đến USS Zumwalt.
Các nâng cấp khác
Khoản ngân sách được đề xuất trong năm 2019 còn dùng để nâng cấp hệ thống chiến đấu, hệ thống liên kết dữ liệu và bổ sung một số thiết bị thu thập tín hiệu tình báo mới cho các tàu lớp Zumwalt. Bên cạnh đó, các con tàu sẽ được củng cố khả năng an ninh mạng và thay thế một số bộ phận lỗi thời trên hệ thống máy tính.
Tuy nhiên, kế hoạch trang bị loại đạn mới cho hệ thống pháo AGS trên tàu sẽ chưa được cấp chi phí. Cuối năm 2016, Hải quân Mỹ đã hủy bỏ chương trình Đạn tấn công mặt đất tầm xa (Long Range Land Attack Projectile) trị giá khoảng 1 triệu USD một quả, và đến nay vẫn chưa tìm được loại đạn thay thế mới cho mẫu pháo này.
No comments:
Post a Comment