Tên lửa chống tăng trên chiến trường Syria: "Trăm hoa đua nở"
Trong cuộc xung đột ở Syria, tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) đã được sử dụng một cách rộng rãi bởi tất cả các bên tham chiến.
ATGM chủ yếu được phát triển để tấn công và phá hủy các phương tiện bọc thép quân sự nhưng thời gian gần đây nó đã được chuyển đổi thành loại vũ khí có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu khác nhau.
Chiếc ATGM đầu tiên được phát triển và thử nghiệm ở Đức vào năm 1943 và 1944 dựa trên mẫu tên lửa không đối không Ruhrstahl X-4. Sau chiến tranh Thế giới lần thứ II, tên lửa chống tăng SS.10 do Pháp chế tạo đã trở thành ATGM đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel lần 2 năm 1956.
Kể từ thời điểm đó trở đi, đã có 3 thế hệ ATGM riêng biệt được phát triển và mỗi thế hệ đều ghi nhận những tiến bộ mới về cách thức điều khiển cũng như tính năng của tên lửa.
Thế hệ ATGM thứ nhất hoạt động theo nguyên lý điều khiển thủ công (MCLOS), người điều khiển buộc phải dẫn hướng tên lửa tới mục tiêu thông qua một sợi dây kết nối tên lửa với đơn vị hỏa lực. ATGM nổi tiếng nhất thuộc thế hệ này phải kể đến SS.10 và 9M14 Malyutka do Liên Xô phát triển.
ATGM thế hệ thứ hai hoạt động theo nguyên lý bán tự động (SACLOS). Mặc dù vẫn cần tới vai trò của người điều khiển theo dõi tên lửa tấn công mục tiêu nhưng đường bay của tên lửa đã được điều khiển tự động bởi đơn vị hỏa lực. Tùy thuộc vào biến thể ATGM, lệnh dẫn hướng được chuyển tới tên lửa thông qua dây dẫn, radio hay chùm tia laser.
Các tên lửa BGM-71 TOW của Mỹ, 9M133 Kornet do Liên Xô/Nga chế tạo và MILAN của liên doanh Pháp - Đức nằm trong số những ATGM thế hệ 2 được biết tới rộng rãi nhất.
Thế hệ ATGM thứ 3 ứng dụng nguyên lý dẫn đường bắn và quên (FaF). Sau khi xác định được mục tiêu, tên lửa sẽ được phóng đi và không cần thêm bất cứ hành động nào nữa để dẫn hướng tên lửa. Người điều khiển có thể tự do thay đổi vị trí ngay sau khi bắn. FGM-148 Javelin của Mỹ và Spike của Israel nổi tiếng nhất trong dòng ATGM thế hệ 3 này.
Tên lửa 9M133 Kornet
ATGM không chỉ được lực lượng bộ binh sử dụng mà nó còn được trang bị cho rất nhiều phương tiện mang phóng trên không, dưới đất khác. Tên lửa chống tăng có điều khiển đã trở thành một trong những vũ khí chính mà trực thăng tấn công dùng để phá hủy các công sự kiên cố và xe chiến đấu bọc thép hạng nặng.
Phần lớn các ATGM có tầm bắn dao động từ 2.000m - 5.000m. Tuy nhiên, những hệ thống hiện đại hơn như Spike-ER của Israel còn có khả năng tấn công hiệu quả mục tiêu ở khoảng cách lên tới 8.000m.
Giá của các loại tên lửa chống tác khác nhau cũng rất dao động tùy thuộc vào độ chính xác và hiệu quả tác chiến của chúng.
Một tên lửa Fagot SACLOS do Liên Xô chế tạo có giá xấp xỉ 4.000 USD nhưng phiên bản Konkurs hiện đại hơn thì lên tới 13.000 USD. Trong khi đó, một tên lửa TOW 2 được cho là có giá gần 60.000 USD còn một quả FGM-148 Javelin phải lên tới 174.000 USD.
Do mức giá khác biệt như vậy nên các hệ thống ATGM thuộc thế hệ thứ hai, thậm chí là thế hệ thứ nhất vẫn được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc xung đột cục bộ.
Chẳng hạn như ở Syria, tất cả các bên tham chiến đều triển khai các ATGM thuộc thế hệ thứ hai và thứ nhất: Malyutka, Fogot, Metis, Kornet và TOW cũng như các phiên bản do bên thứ ba sao chép chế tạo.
Một tay súng của Quân đội Syria tự do vác tên lửa TOW
Tăng T-90 thần thánh gục ngã ỏ Syria
Trong những năm đầu tiên của cuộc xung đột, Quân đội Chính phủ Syria (SAA) chủ động triển khai rộng rãi các xe tăng chiến đấu chủ lực và phương tiện bọc thép nên họ đã bị các đơn vị bộ binh của phiến quân kết hợp sử dụng pháo binh và ATGM chống trả khá hiệu quả.
Do các kíp lái xe tăng của Quân đội Syria có trình độ đào tạo tương đối thấp, cộng với khả năng hiệp đồng kém cỏi lại liên tục phải triển khai chiến đấu ở môi trường đô thị nên họ đã phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng về xe tăng và phương tiện bọc giáp. Sau này, các xe tăng chiến đấu chủ lực chỉ được SAA triển khai cho các chiến dịch lớn hoặc cơ động.
Đến thời điểm hiện tại, các cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng có điều khiển vẫn giữ những vai trò nhất định trong cuộc nội chiến ở Syria, ngay cả khi phần lớn các giai đoạn khốc liệt nhất đã hoàn thành.
Trong điều kiện tác chiến hầm hào cường độ thấp gần khu vực giảm leo thang căng thẳng Idlib cả các nhóm phiến quân và SAA đều sử dụng vũ khí chống tăng có điều khiển để công phá các pháo đài kiên cố cũng như nhiều loại mục tiêu cá nhân khác.
Xe tăng T-90 do Nga chế tạo
Năm 2015, khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria lực lượng tăng thiết giáp của quân đội Syria đã bị thiệt hại nặng nề sau 4 năm nội chiến. Đặc biệt, sau khi phiến quân nhận được tên lửa chống tăng TOW-2A của Mỹ vào năm 2014 thì số lượng xe tăng, xe bọc thép của quân đội chính phủ Syria bị bắn cháy ngày càng nhiều.
Để trợ giúp đồng minh của mình có thể trụ vững, Nga đã cấp tốc viện trợ một số lượng lớn xe tăng các loại, trong đó phần lớn là T-62 (phiên bản cải tiến), T-72 và thậm chí cả phiên bản T-90.
Thế nhưng, những chiếc T-90 mà Nga viện trợ cho Quân đội Syria cũng không phải là mẫu xe tăng bất bại trước các đòn tấn công của ATGM.
Ngày 26/2/2016, phe đối lập Syria công bố bức ảnh cho thấy xe tăng T-90 của Nga đã bị tên lửa chống tăng có điều khiển TOW do Mỹ sản xuất bắn trúng.
Hay như trong đoạn video xuất hiện trên mạng ngày 23/1/2017, chiếc xe tăng T-90 do một nhánh của lực lượng vũ trang Hezbollah thân Chính phủ Syria điều khiển đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phục kích và bắn cháy tại địa điểm gần thành phố Aleppo. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới phân tích kỹ thuật quân sự.
Theo số liệu thống kê, đã có 5 hoặc 6 trong số 30 chiếc T-90A thuộc biên chế chính thức của Quân đội chính phủ Syria bị thiệt hại trong hai năm 2016 và 2017 và hầu hết trong số chúng đều là nạn nhân của tên lửa chống tăng TOW-2A.
Xe tăng T-90 của Nga bị phiến quân tấn công phá hủy bằng tên lửa Tow ở Aleppo, Syria
No comments:
Post a Comment