Theo tài khoản chính thức của đơn vị đồn trú Quân đội Trung Quốc tại Đặc khu Hong Kong trên mạng Weibo, hôm 23/5 lực lượng này đã tổ chức buổi lễ "chia tay" 5 tàu chiến gồm 3 tàu đổ bộ Type 074 cũng như 2 tàu vận tải lớp Nanjiao.
Đáng chú ý, cũng trong tháng 5 có tin Hải quân Trung Quốc đã loại biên chế một lúc 4 tàu khu trục tên lửa Type 051.
Động thái "sa thải" ồ ạt các tàu chiến khiến thế giới quân sự châu Á không khỏi sửng sốt. Dù hai đợt thải loại thuộc về hai lực lượng khác nhau, nhưng vốn dĩ thực ra là đơn vị ở Hong Kong cũng có mối liên hệ mật thiết với Hải quân Trung Quốc.
Việc thải loại ồ ạt này liệu bình thường hay bất thường, phải chăng Hải quân Trung Quốc đang che giấu điều gì đó?
Thừa tàu nên thay!
Có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Trung Quốc cho nghỉ hưu hàng loạt tàu chiến vì chúng đã cũ, lỗi thời và họ có thừa tàu + tiền để thay thế trong "một nốt nhạc".
Cũ và lỗi thời thì rõ ràng so với các thế hệ tàu khu trục Type 052B/C hay Type 055, Type 051 đã thua xa cả về kích thước và tính năng. Thuộc thế hệ lớp tàu khu trục đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế, Type 051 có lượng giãn nước 3.670 tấn, dài 132m.
Con tàu được xem là hiện đại nhất giai đoạn 1970-1990 của Trung Quốc được trang bị hệ thống vũ khí trung bình, thiếu tính tự động hóa với nhiều tháp pháo phải dùng con người vận hành khiến hiệu suất tác chiến chung bị ảnh hưởng.
So với tàu chiến Mỹ - Liên Xô cùng thời, Type 051 thua xa mọi thứ, và nếu so với lớp tàu mới của Trung Quốc hiện nay như Type 052, Type 054 thì chúng càng không thể so sánh.
Cho nên nếu lấy lý do cũ thì là hợp lý, nhưng nếu là thừa tàu mới để lấp chỗ trống thì không hẳn. Trong 4 tàu khu trục bị loại biên chế, có ba chiếc thuộc Hạm đội Bắc Hải (109 Kaifeng, 110 Dalian, 164 Guilin).
4 tàu khu trục Type 051 Trung Quốc vừa loại biên.
Với việc loại bỏ 109 và 110, Bắc Hải chỉ còn 2 tàu khu trục Type 052 đời đầu, 2 Type 051C và một chiếc Type 052D hiện đại nhất.
Trong khi đó, Hạm đội Đông Hải thì đỡ bi đát hơn, sau khi loại bỏ chiếc 134 Zunyi, hiện họ còn 2 tàu Type 052D; 4 Type 052C; 4 tàu Đề án 956 mua của Nga.
Ai sẽ lấp chỗ khuyết cho Type 051 khi hiện tiến độ đóng tàu Type 052D và Type 055 sẽ không thể như "vũ bão" bởi tính phức tạp của chúng, trong khi Type 052C đã dừng hẳn. Hoặc hay là Trung Quốc định dùng lớp tàu hộ vệ Type 054A có kích cỡ tương đương chám chỗ tạm, đó vẫn là dấu hỏi lớn?
Vậy điều gì khiến Trung Quốc phải loại biên chế 4 tàu khu trục cùng lúc, phải chăng do chất lượng chế tạo tồi ảnh hưởng tới tuổi thọ con tàu, buộc người ta phải sa thải sớm.
Nghỉ hưu sớm vì rởm quá?
Nhìn vào "làng" tàu chiến thế giới, hiện có không ít con tàu được chế tạo cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn chạy tốt.
Ngay cả lớp tàu khu trục Arleigh Burke, nhiều tàu được đóng từ những năm 1980 cùng thời với Type 051 vẫn ngon.
Tất nhiên là không thể so sánh được về mặt công nghệ giữa tàu Trung Quốc với Mỹ.
Hay ví dụ như lớp tàu hộ vệ Oliver Hazard Perry (OHP) của Hải quân Mỹ, đóng từ những năm 1970 mà tới nay khi đã bị cho nghỉ hưu, các quốc gia vẫn xếp hàng dài mua về dùng tiếp.
Thế nên, không thể loại trừ nguyên nhân chất lượng đóng tàu kém khiến các tàu chiến Trung Quốc có tuổi thọ thấp, phải nghỉ hưu sớm hơn thường lệ.
Còn nếu lấy lý do vũ khí tồi thì có thể nâng cấp, mà thực tế hai trong 4 tàu Type 051 vừa rồi đã được hiện đại hóa năm 2004 trang bị thêm tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm YJ-83 loại mới nhưng vẫn không giữ chúng được lâu hơn.
3 tàu đổ bộ Type 074 cũng vừa bị sa thải.
Đó là chưa kể 3 tàu đổ bộ Type 074 vừa ra khỏi biên chế tại Hong Kong, các tàu 800 tấn này được đóng trong giai đoạn 1995-2000, nhìn chung là vẫn còn mới và cũng chưa quá lạc hậu nhưng cũng nhanh chóng bị loại bỏ.
Có lẽ việc "ép tiến độ" khi 5 năm đóng xong 12 chiếc ít nhiều cũng ảnh hưởng tới việc này nếu không phải là "kế hoạch khác" của Trung Quốc.
Khách hàng ngồi run - thôi xong, tiền đâu để "thay như thay áo"
Dẫu vậy, với ngân sách quốc phòng khổng lồ thì việc thay thế tàu mới chỉ là vấn đề thời gian với Trung Quốc. Thế nhưng, với những khách hàng mua tàu chiến của quốc gia này thì không thế.
Đa số các nước mua tàu chiến Trung Quốc đếu có ngân sách quốc phòng vừa hoặc yếu, việc dùng một tàu chiến đôi khi kéo dài 30-40 năm hoặc thậm chí lâu hơn thế với việc nâng cấp tăng hạn sử dụng.
Chẳng lẽ tốn vài trăm triệu USD mua một con tàu mới tinh về chỉ rồi 15-20 năm sau phải thay mới, đó thực sự là quá lãng phí. Và Thái Lan là một trong những "bài học đau lòng" về việc "tin dùng tàu chiến Trung Quốc".
Theo mạng An ninh Toàn cầu, đầu những năm 1990, trong chương trình hiện đại hóa hải quân, Thái Lan đã quyết định chọn Tổng Công ty đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) đóng cặp tàu hộ vệ cỡ lớn lớp Naresuan Type 25T.
Chiến hạm Type 25T "nguyên bản" trước năm 2011 của Thái Lan.
Các nguồn tin cho biết, dù là một quốc gia có truyền thống sử dụng vũ khí Mỹ và châu Âu, thế nhưng sở dĩ Thái Lan chọn Trung Quốc khi đó là do giá rẻ không tưởng.
Trong khi nếu mua một chiếc tàu phương Tây phải mất chừng 8 tỷ bath (thời giá hiện nay là 252 triệu USD), thì Trung Quốc chào hàng Thái Lan giá 2 tỷ bath (khoảng 60 triệu USD) cho tàu 2.900 tấn
Thế nhưng, nhận tàu về không lâu, Bangkok đã nhận ngay bài học "tiền nào của ấy". Cặp tàu được cho là có chất lượng kém khủng khiếp.
Hệ thống kiểm soát thiệt hại cặp tàu là rất hạn chế với các phương tiện ứng phó hầu như không tồn tại, hệ thống chữa cháy vô cùng thô sơ. Thậm chí chất lượng thân tàu rất tồi tệ.
Hải quân Thái Lan khi đó mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để giúp các tàu này đạt được tiêu chuẩn chấp nhận được.
Đó là chưa tính tới vũ khí không tương xứng với chiến hạm gần 3.000 tấn.Hỏa lực phòng không chỉ có hai bệ pháo 37mm nòng kép, không có tên lửa.
May sao hỏa lực tác chiến mặt biển còn có 8 tên lửa Harpoon, pháo hạm 127mm Mk 45 và ngư lôi săn ngầm 324mm.
Bệ phóng Mk41 trên tàu HTMS Naresuan.
Sau 17 năm phục vụ, từ 2011 Thái Lan bắt đầu chi hàng triệu USD đặt hàng các nhà thầu châu Âu nâng cấp sâu rộng hai con tàu gồm: HTMS Naresuan và HTMS Taksin.
Sau nâng cấp, lớp tàu trang bị toàn bộ radar và khí tài điện tử mới gồm: hệ thống radar thám sát đường không Sea Giraffe; radar điều khiển hỏa lực CEROS 200; hệ thống quang - điện tử EOS 500 và hệ thống quản lý tác chiến Saab 9LV MK4...
Về vũ khí, Thái Lan vứt bỏ không thương tiếc các bệ pháo 37mm cổ lỗ và thay bằng hai bệ pháo tự động MSI-DSL DS30R và nhất là hệ thống phóng thẳng đứng MK41 cho phép triển khai 32 tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 ESSM.
Bộ khí tài này mới khiến cặp tàu chiến Type 25T có giá trị hơn trong mắt người dân Thái Lan.
Còn với tàu chiến Trung Quốc, thực ra sự cố với Thái Lan không khiến họ bán chậm lại khi mà vốn dĩ các chiến hạm "made in China" không phải bán quá chạy.
Các khách hàng sau này của tàu Trung Quốc như Pakistan, Algeria, Nigeria hay Bangladesh chọn các thiết kế xuất khẩu từ phiên bản nội địa hiện chưa gặp vấn đề gì lớn, hay nói đúng hơn là còn quá sớm để đánh giá.
Tuy vậy, trong 4 vị khách sộp này, Bangladesh và Nigeria nên cẩn trọng khi họ đang sử dụng các tàu chiến được Trung Quốc đóng với tốc độ "không nước nào sánh bằng" - Type 056.
Chỉ mất 7-8 năm, 4 nhà máy Trung Quốc đóng xong 60 tàu chiến cỡ 1.500 tấn Type 056 (biên chế 41, đang thử nghiệm số còn lại), đó là chưa tính tới 4 chiếc phiên bản C13B cho Bangladesh và 2 P18N cho Nigeria.
Mong rằng "scandal Type 25T" sẽ không xảy ra với hai quốc gia có nền kinh tế trung bình này, nếu có thì đó sẽ là bài học cho họ.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Chiến hạm Type 25T của Thái Lan "khoe cơ bắp" sau nâng cấp.
No comments:
Post a Comment