Mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng do những bất đồng liên quan tới cuộc chiến thương mại, vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Cụ thể, sau khi các cuộc đàm phán giữa phái đoàn quan chức thương mại Mỹ - Trung thất bại trong tháng này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng mức thuế đối với số hàng hóa xuất khẩu trị giá 200 tỷ của Trung Quốc . Đáp trả, Bắc Kinh tuyên bố tăng thuế suất với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ.
Không dừng lại vào việc tăng mức đánh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn đưa Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen bị cấm mua công nghệ của Mỹ.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã có sẵn phương án đối phó với "một cuộc chiến thương mại kéo dài" đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ phải đối mặt với "những đối thủ khó nhằn nhất kể từ năm 1776".
Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest, chuyên gia nghiên cứu các mối quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Chính sách xã hội châu Á, ông Nathan Levine nhận định, căng thẳng Mỹ - Trung chính là hậu quả từ việc Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc.
Thay vì thi hành chính sách "hòa hợp chiến lược" với Trung Quốc suốt 40 năm qua, chính quyền của Tổng thống Trump chuyển sang kỷ nguyên "cạnh tranh chiến lược" với Trung Quốc.
Nói cách khác, ông Trump tin rằng không có chuyện vì chịu sức ép từ Mỹ mà Trung Quốc sẽ mở cửa tự do và trở thành "một người có trách nhiệm" trong thế giới được xây dựng bằng luật lệ do Mỹ đứng đầu.
Cũng theo ông Levine, chính sách cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc còn nhằm giành lấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng trong chính phủ Mỹ giữa lúc ngày càng nhiều báo cáo khẳng định, Trung Quốc sẽ là đối thủ địa chiến lược đáng gờm nhất mà Mỹ từng phải đối mặt.
Nhưng giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, Lầu Năm Góc lại đưa ra một quyết định khác nhằm ngăn chặn cái gọi là mối đe dọa từ Iran đối với các lực lượng quân sự Mỹ ở Trung Đông.
Từ đầu tháng Năm, Mỹ đã tăng cường sự hiện quân sự tới Trung Đông bằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng dàn oanh tạc cơ B-52, các tên lửa Patriot và chiến đấu cơ F-15. Thậm chí, Mỹ còn có kế hoạch điều động thêm 120.000 binh sĩ tới khu vực này.
Dù điều động hàng loạt vũ khí chiến lược tới Trung Đông, nhưng giới chức quân sự Mỹ vẫn khẳng định không muốn phải tham chiến với Iran.
Trên thực tế, nếu Mỹ tấn công Iran , cuộc chiến này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một số đồng minh của Washington ở Trung Đông như Ả Rập Xê-út chứ không thể giúp Mỹ đạt được mục tiêu nắm giữ vị trí bá chủ thế giới lâu dài.
Khi Mỹ tham chiến ở Iraq vào năm 2003, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu công khai nói về thời kỳ "cơ hội chiến lược" kéo dài 20 năm đầy bất ngờ.
Nói cách khác, thuật ngữ này nhằm ám chỉ Trung Quốc có thể tập trung cải thiện sức mạnh quốc gia giữa lúc Mỹ đang tự làm hao tổn sức mạnh của mình. Và giờ Mỹ có thể lại một lần nữa phạm phải sai lầm tương tự nhưng ở mức độ trầm trọng hơn.
Bởi Iran là quốc gia có diện tích và dân số lớn gấp 3 lần so với Iraq. Bên cạnh đó, quân đội Iran cũng "không phải là đối thủ dễ nhằn" với Mỹ. Cuộc chiến với Iran còn có nguy cơ nhanh chóng đẩy Washington vào cảnh sa lầy quân sự như ở Iraq và Afghanistan.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga có thể dễ dàng hỗ trợ cho Iran trong bất cứ cuộc xung đột nào của Cộng hòa Hồi giáo với Mỹ thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang xây dựng dọc vùng Trung Á vốn nằm trong "Sáng kiến Vành đai và Con đường".
Trong hoàn cảnh này, nếu Mỹ tham chiến ở Trung Đông, cuộc chiến này sẽ nhanh chóng làm suy giảm vị thế địa chiến lược của Mỹ so với Trung Quốc do Mỹ buộc phải tăng ngân sách quân sự, dẫn tới làm tổn hại nền kinh tế quốc gia.
Trong khi đó, theo ông Levine, mỗi bước đi của Mỹ tại thời điểm này cần phải tính toán vô cùng thận trọng để đảm bảo duy trì năng lực cân bằng với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Nói tóm lại, nếu Mỹ tấn công quân sự Iran, Trung Quốc sẽ nhanh chóng chớp lấy cơ hội kéo dài "thời kỳ cơ hội chiến lược" bằng việc hiện thực hóa những tham vọng tưởng chừng như xa vời nhất cũng như rộng mở cánh cửa để Bắc Kinh vượt Washington trên cả mặt trận kinh tế, thống trị quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương và tiên phong trong cuộc cách mạng thay đổi hệ thống toàn cầu.
Dù giới chính trị gia Mỹ vẫn đang tranh luận để tìm ra phương án tốt nhất đối phó với Trung Quốc, nhưng cả những người theo phe hiếu chiến hay chủ nghĩa hòa bình đều đồng thuận với quan điểm nếu Mỹ tiến hành chiến tranh với Iran, đây chính là khởi đầu cho kỷ nguyên của Trung Quốc.
Ngay cả bản Chiến lược Quốc phòng quốc gia của Mỹ hồi năm 2018 cũng đưa ra kết luận rằng, "sự cạnh tranh chiến lược lâu dài với Nga và Trung Quốc là những ưu tiên hàng đầu đối với quốc phòng Mỹ".
No comments:
Post a Comment