Tuần qua đã xuất hiện thêm một số diễn biến mới rất đáng chú ý liên quan đến hợp đồng S-400 Triumf giữa Moskva và Ankara. Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố đây là đơn hàng đã chốt nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy chưa chắc thương vụ này sẽ suôn sẻ.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang gặp nhiều khó khăn, nếu hứng phải các đòn trừng phạt của Mỹ thay vì những gói viện trợ thì nguy cơ sụp đổ là rất cao, đây là điều mà Ankara phải tránh bằng mọi giá.
Hơn nữa thiệt hại về quốc phòng mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh đổi sẽ cao gấp rất nhiều lần lợi ích khi có được S-400, trong đó nghiêm trọng nhất chính là việc họ bị từ chối bàn giao 100 tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II cũng như bị gạt ra khỏi dây chuyền sản xuất, đồng thời vướng phải vô vàn khó khăn khác do chủ yếu vũ khí của nước này có nguồn gốc từ Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc thật kỹ giữa lợi ích của việc có được S-400 hay F-35
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, một lý do không kém phần quan trọng khác được nhận định đang làm lung lay quan điểm của giới chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đó chính là màn thể hiện thực tế của F-35 và S-400 trên chiến trường Syria.
Trong khi đã có bằng chứng tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel tham chiến thông qua mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB được tìm thấy trong các đống đổ nát thì tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM của Syria lại chưa thể hiện được bất cứ điều gì.
Cần đặc biệt chú ý thêm đó là hệ thống S-300PM của Syria thực chất có tính năng kỹ chiến thuật chẳng kém gì (thậm chí còn hơn cả S-400 xuất khẩu) nhờ được trang bị đạn đánh chặn 48N6E3 tầm xa 250 km cùng các thành phần mà Nga chưa bao giờ bán ra nước ngoài, ví dụ như tổ hợp quản lý bầu trời Polyana D4M.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-2 của Iran sẽ bị Mỹ mang ra làm "vật đối chứng" để Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400?
Trong hoàn cảnh xuất hiện nhiều tin đồn cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang tìm đối tác nhượng lại S-400, hoặc tìm ra một lời giải thích hợp lý để từ bỏ hợp đồng mua sắm này mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ đối tác với Nga thì có lẽ Ankara sẽ cần thêm "chất xúc tác" từ Mỹ.
Viễn cảnh dễ dàng nhất cho Ankara chính là một cuộc đối đầu thực chiến giữa tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ và tổ hợp phòng không tối tân S-300 Nga sản xuất đang được Quân đội Syria hoặc Iran vận hành, trong đó phần thắng thuộc về F-35 sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ có đầy đủ lý do xem xét lại hợp đồng.
Nhưng điều khó khăn nhất với Washington lại nằm ở việc hiện nay Israel chưa muốn tấn công trực tiếp vào S-300PM của Syria, cũng như họ chẳng muốn làm điều tương tự với S-300PMU-2 vừa được Iran triển khai ra sát eo biển Hormuz nhằm tránh để căng thẳng leo thang.
Nếu vậy, Mỹ có thể học tập Israel bằng cách nhờ đồng minh chia sẻ bí quyết giúp F-35I qua mặt S-300PMU-2 và lượn nhiều vòng trên đầu các cơ sở hạt nhân của Iran mà không bị phát hiện như những gì mà truyền thông khu vực đã đăng tải hồi tháng 3/2018.
Phương án này được đánh giá là tối ưu, vừa chứng minh được ưu thế vượt trội của F-35 trước tổ hợp phòng không Nga lại không đẩy căng thẳng đi quá mức kiểm soát, kịch bản trên hoàn toàn có thể xảy ra trong những ngày sắp tới, nhất là khi mốc thời gian đầu tháng 6 đã cận kề.
Tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chuyến bay trên đất Mỹ
No comments:
Post a Comment