Truyền thông địa phương Syria đưa tin, tuần trước quân cảnh Nga được cho là đã thực hiện một chiến dịch trấn áp nhằm vào các tay súng do Iran hậu thuẫn đóng tại sân bay quốc tế Aleppo của Syria.
Một số chỉ huy dân quân Iran sau đó đã bị bắt giữ và sự kiện được ghi nhận như dấu mốc căng thẳng mới nhất giữa các lực lượng Iran và Nga ở Syria.
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng phát năm 2011, Nga và Iran đã thiết lập tại đây một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cho các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cũng từ thời điểm đó, Iran đã triển khai hàng ngàn chiến binh thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và các tay súng đồng minh dòng Shiite tới Syria, còn Nga thì chính thức can dự vào cuộc xung đột ở Syria từ tháng 9/2015 để giúp đỡ chính quyền của ông Assad.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến dần khép lại với việc Quân đội Syria đã lấy lại phần lớn diện tích lãnh thổ từng bị rơi vào tay phiến quân thì Nga và Iran dường như đang tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau ở đất nước vốn đã kiệt quệ bởi chiến tranh này.
Các chỉ huy cấp cao của IRGC: Ali Fadavi (Trái) và Mohammadreza Naqdi. Ảnh: Iranian Press
Tranh phần miếng bánh
Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến tranh kéo dài ở Syria đang tạo ra một mối rạn nứt giữa hai đồng minh Nga - Iran.
"Chắc chắn đang tồn tại những căng thẳng nhất định giữa Nga và Iran ở Syria", Phillip Smyth, chuyên gia Viện nghiên cứu Washington về Chính sách Cận Đông, người đã có quá trình theo dõi sát sao hoạt động của các lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Syria nhận xét.
Nguyên nhân của tình trạng này là giữa giới lãnh đạo quân sự Syria đang có sự phân hóa khá rõ nét, giữa một bên trung thành với Nga còn bên kia thì trung thành với Iran.
"Vấn đề nằm ở chỗ: Ai sẽ kiểm soát cái gì và họ sẽ được chia chác những miếng bánh nào? Điều này không hẳn đã dẫn tới xung đột lớn giữa các lực lượng Nga và Iran ở Syria", Smyth phân tích.
Iran ký thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự với Syria
Khác biệt về chiến thuật
Đương nhiên, quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Iran tại Syria vượt ra khỏi những bất đồng như vậy, đặc biệt vì Nga vẫn đang phải dựa vào các lực lượng Iran trong nhiệm vụ gìn giữ lãnh thổ và tiếp viện nhân lực cho Quân đội Syria.
"Tôi không bao giờ tin rằng Nga sẽ tách khỏi Iran", Anna Borshchevskaya, nhà nghiên cứu tại Quỹ Dân chủ Châu Âu, chuyên gia về chính sách của Nga ở Trung Đông cho biết.
"Những bất đồng nảy sinh giữa hai nước là họ đang cố gắng tạo ra các phạm vi ảnh hưởng ở Syria - điều mà Nga hiểu rất rõ. Mối quan hệ của họ chắc chắn là một vấn đề phức tạp nhưng điều giữa hai bên ở lại với nhau là chủ nghĩa chống Mỹ và mong muốn giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực".
Borshchevskaya nói thêm rằng, ở cấp độ chiến thuật, Nga và Iran đôi khi sẽ có sự khác biệt nhưng về cơ bản, họ nhất trí với nhau về đại cục".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Hassan Rouhani bắt tay nhau trước cuộc hội đàm tại khu nghỉ dưỡng Soch ngày 14/2/2019
Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến chống các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ năm 2014 khi nhóm này tuyên bố thành lập cái gọi là "Đế chế Hồi giáo" ở Syria và Iraq.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã tuyên bố chiến thắng IS vào tháng 3/2019 và hiện đang kiểm soát hơn một phần ba lãnh thổ Syria.
Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh sĩ hoạt động trong các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của SDF do người Kurd lãnh đạo. Tuy nhiên, Washington tuyên bố sẽ chỉ giữ lại khoảng 400 binh sĩ sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc. Nga và Iran đã liên tục phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria.
Cạnh tranh khốc liệt về kinh tế
Một số nhà phân tích tin rằng, không giống như khi họ tham gia vào cuộc chiến ở Syria, các lực lượng Nga và Iran hiện nay đang kiểm soát lãnh thổ Syria nhiều hơn và cả hai nước đang tìm kiếm cơ hội kinh tế ở quốc gia Trung Đông này.
"Thời điểm hiện nay mới đang chứng kiến nhiều điểm xích mích giữa hai nước hơn bao giờ hết", Jowan Hemo, nhà kinh tế người Syria cho biết.
"Vì vậy, một cách hiển nhiên, họ sẽ cạnh tranh để giành được càng nhiều hợp đồng với chính phủ Syria càng tốt, gồm cả các lĩnh vực năng lượng, nhà máy phát điện và các loại hình đầu tư khác".
Năm 2018, Nga đã được độc quyền sản xuất dầu và khí đốt ở Syria. Nga cũng đã ký một hợp đồng sử dụng cảng Tartus của Syria với thời gian 49 năm, còn Iran thì cũng thắng thầu sử dụng một phần cảng Latakia.
Cả hai nước đều muốn độc quyền thao túng nền kinh tế Syria trong dài hạn, bởi mỗi bên đều đã dành cho chính phủ Syria những khoản vay rất lớn trong suốt cuộc nội chiến.
"Tôi tin rằng kiểu cạnh tranh này sẽ tiếp tục diễn ra ở Syria nhưng cuối cùng sự thống trị kinh tế của Nga sẽ thắng thế", nhà kinh tế Hemo nhận định.
Đặc nhiệm Quds - Đế chế quân sự bí mật của Iran
No comments:
Post a Comment