Sunday, May 12, 2019

Tấm ảnh Đặc công đánh thủng “dạ dày” quân đội Mỹ

Tấm ảnh Đặc công đánh thủng "dạ dày" quân đội Mỹ
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn giữ hình ảnh được in từ phim gốc có số đăng ký P.9632, với chú thích: "Bộ đội Đặc công đốt cháy kho xăng Long Bình trong chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1972". Đây là hình ảnh ghi dấu thành tích của bộ đội Đặc công trong trận đánh kho 53 thuộc tổng kho Long Bình ngày 13/8/1972 làm thiệt hại nặng cho quân địch.

Chiến dịch Nguyễn Huệ (diễn ra từ ngày 1/4/1972 đến ngày 19/1/1973) là chiến dịch tiến công trên hướng phối hợp quan trọng của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch trên hướng Bắc Sài Gòn, giải phóng khu vực có ý nghĩa chiến lược ở miền Đông Nam bộ, tạo thế đứng chân, đưa chủ lực Miền từ ngoài biên giới về Nam Bộ, phối hợp với hướng tiến công thứ yếu ở Trị Thiên, thu hút ghìm chân chủ lực quân đội ngụy, tạo điều kiện cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long nổi dậy đánh phá "bình định".

Địa bàn chiến dịch diễn ra trong khu vực 4 tỉnh: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương phía Bắc Sài Gòn. Toàn bộ khu vực này nằm trên hướng phòng thủ chủ yếu của địch ở miền Đông Nam Bộ, là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch trong suốt cuộc kháng chiến.

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ tư lệnh chiến dịch hạ quyết tâm, mục tiêu đề ra: tiêu diệt từ 3 đến 4 chiến đoàn bộ binh, đánh thiệt hại nặng loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2 sư đoàn, giải phóng 2 tỉnh Bình Long, Phước Long và một phần phía bắc Tây Ninh. Trong quyết tâm thư, Bộ tư lệnh chiến dịch chọn hướng tiến công chủ yếu là đường 13, hướng thứ yếu là đường 22, hướng phối hợp ở đường 1, Biên Hòa khu vực Bắc Sài Gòn.

Ở khu vực Biên Hòa, Đoàn 113 Đặc công được giao nhiệm vụ đánh sân bay Biên Hòa và kho 53, tổng kho Long Bình - nơi đặt căn cứ hậu cần chiến lược của Mỹ trong chiến lược chiến tranh Việt Nam, nơi đây được xem là "dạ dày" của quân đội Mỹ giúp họ duy trì cỗ máy chiến tranh trên toàn miền Nam Việt Nam.

Tổng kho Long Bình được quân đội Mỹ xây dựng từ giữa năm 1965, đặt tại Biên Hòa, Đồng Nai cách Sài Gòn khoảng 20 km về phía đông và cách Biên Hòa 7km, có diện tích khoảng 24 km2, đây chính là kho bom đạn và hậu cần lớn nhất của quân đội Mỹ đặt tại Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.

Tổng kho Long Bình bao gồm rất nhiều khu kho riêng biệt và được bảo vệ hết sức cẩn mật. Tổng kho Long Bình được xây dựng như một công trình phòng thủ quy mô và rất kiên cố, xung quanh tổng kho có từ 7 đến 12 lớp hàng rào kết hợp gài mìn, bên trong là đường tuần tra với nhiều tháp canh, lô cốt có đèn pha chiếu sáng.

Các lô cốt tiền duyên cách nhau 30 – 40 mét nằm cách lớp rào cuối cùng từ 40 – 50 mét. Giữa các khu kho cũng có hàng rào thép gai ngăn cách. Tổng kho được quy hoạch một cách khoa học và ngăn nắp. Bên trong, tổng kho Long Bình được xây dựng theo kiểu phòng thủ chiều sâu, chia thành từng ô nhỏ, mỗi ô nhỏ là một khu vực biệt lập với nhiều chòi canh.

Trong trường hợp bị tấn công, các ô nhỏ sẽ được cô lập với nhau, đảm bảo thiệt hại ở mức thấp nhất và cũng khiến lực lượng tấn công khó có thể thoát ta khi đã di chuyển vào bên trong. Đường sá trong tổng kho hầu hết được rải bê tông.

Các kho được lắp ghép bằng nhà thép tiền chế, lợp mái tôn. Xung quanh kho có các lũy đắp bằng đất hoặc thùng phuy, container đổ đầy đất để bảo vệ. Lực lượng bảo vệ ở đây khoảng 2.000 lính Mỹ.

Tấm ảnh Đặc công đánh thủng

Bức ảnh in từ phim gốc có số đăng ký P.9632, với chú thích: "Bộ đội Đặc công đốt cháy kho xăng Long Bình trong chiến dịch Nguyễn Huệ, năm 1972". Ảnh chụp lại.

Hai khu kho quan trọng nhất và lớn nhất của tổng kho Long Bình là kho đồi 50 và kho đồi 53. Kho 53 có 18 dãy nhà kho gồm hơn 200 gian kho chủ yếu chứa bom đạn, chia làm 3 khu (mỗi khu 6 dãy), mỗi dãy cách nhau 100 mét, các nhà cách nhau 60 mét.

Nhà kho xây hình khối chữ nhật (30m x 25m x 5,5m), các cửa kho được làm bằng những tấm thép dày 10 mm có rãnh chống tháo gỡ và có khóa sắt lớn, xung quanh có ụ đất dày 4 – 5 mét. Các lỗ thông gió trên nóc và xung quanh nhà được che chắn bằng loại lưới mắt sàng thép cứng.

Phát huy sở trường lối đánh đặc công độc đáo, sau 3 lần đột nhập vào kho nghiên cứu, bộ phận trinh sát đã nắm được đầy đủ, chính xác số lượng mục tiêu, nắm được thủ đoạn bố phòng và quy luật tuần tra canh gác của địch. Một tổ đặc công mở cửa, mở khóa kho đã vào nghiên cứu để có giải pháp mở bí mật.

  • Bủa vây tứ phía: Căn cứ Mỹ ở Trung Đông đã dựng sẵn chiếc thòng lọng siết cổ Iran

  • Sai lầm ngớ ngẩn khiến Ấn Độ suýt đi tong tàu ngầm 3 tỷ USD: Những bí ẩn quá kỳ lạ!

  • Chiến trường K: Đạn xuyên thủng mũ 2 lỗ tròn vo - "Thần Chết" bất lực với lính tình nguyện Việt Nam?

Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, Ban chỉ huy đoàn quyết định đánh kho 53 bằng cách đánh nổ hẹn giờ. Tham gia trận đánh có 57 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành 2 bộ phận.

Bộ phận đánh kho có 35 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 9, bộ phận phục vụ và bảo đảm hành lang có 22 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 12. Đây là trận đánh phá hủy bí mật đã sử dụng lực lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày 13/8/1972, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng và Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9 Phạm Văn Tải, bộ đội Đặc công bí mật tiềm nhập vào kho đặt 120 khối thuốc nổ có sức công phá lớn, với các khối nổ hẹn giờ vào nơi hiểm yếu nhất theo cách gây nổ truyền lan đã cho nổ tung tổng kho Long Bình.

Kết quả trận đánh đã phá hủy 130 gian kho làm nổ tung 15.000 tấn bom đạn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch và làm thiệt hại nhiều thiết bị, phương tiện chiến tranh của địch.

Ta rút quân an toàn. Trận đánh được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 12 cùng 30 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba.

Trận đánh kho 53 thuộc Tổng kho Long Bình là trận phá hủy bí mật mà bộ đội Đặc công đã sử dụng lực lượng lớn nhất đánh vào một khu kho chiến lược lớn nhất của Mỹ ở miền Nam đạt hiệu quả, hiệu suất cao.

Với việc đánh phá tổng kho Long Bình đã làm thủng "dạ dày" của quân đội Mỹ, làm phá sản các kế hoạch càn quét của chúng, góp phần vào chiến thắng chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam Bộ, giành lại quyền chủ động chiến lược, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực, đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân phát triển.

No comments:

Post a Comment