Su-30MKI mang tên lửa BrahMos -A: "Cặp bài trùng" hủy diệt
Ấn Độ đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện một đòn tấn công hủy diệt vào các mục tiêu của kẻ thù tiềm ẩn ngay ở giai đoạn mở đầu của một cuộc xung đột nếu nó diễn ra trong tương lai.
Theo Tạp chí Business Today, tiếp nối thành công của cuộc đột kích vào trại huấn luyện khủng bố ở Balakot, Pakistan bằng 12 máy bay chiến đấu Mirage-2000 sử dụng bom xuyên phá mặt đất của Israel, Không quân Ấn Độ (IAF) đang lên kế hoạch thử nghiệm phóng tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không Sukhoi Su-30MKI.
"Cặp bài trùng" này sẽ cho phép IAF thực hiện các cuộc không kích trừng phạt vào sâu bên trong lãnh thổ đối phương từ khoảng cách an toàn. Tên lửa BrahMos-A phóng từ trên không có tầm hoạt động ước tính từ 300 - 400 km và có thể được thả từ độ cao 1.640 - 46.000 feet.
BrahMos, được đặt theo tên của hai dòng sông - Brahmaputra ở Ấn Độ và Moskva ở Nga, hiện đang là tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới.
Su-30 và BrahMos, bản thân chúng đều là những vũ khí vốn dĩ đã rất uy lực. Thế nhưng, khi một trong những máy bay chiến đấu siêu hạng nhất của thế giới được trang bị một dòng tên lửa hành trình có sức hủy diệt ghê gớm thì sức mạnh của chúng sẽ được nhân lên gấp bội phần.
Sukhoi 30MKI trang bị tên lửa BrahMos sẽ là sự kết hợp đầy chết chóc
Tốc độ nhanh hơn đạn - 3.000 km/h của BrahMos đồng nghĩa với việc nó có thể bắn trúng mục tiêu với một sức công phá động năng khổng lồ. Trong các cuộc thử nghiệm, mỗi quả tên lửa BrahMos thường xé đôi các tàu chiến và biến các mục tiêu mặt đất thành tro bụi. Vận tốc 2.100 km/h của Su-30MKI sẽ tăng thêm lực phóng cho tên lửa, biến nó thành sức mạnh hủy diệt.
Tầm bắn được kéo dài của BrahMos-A sẽ cho phép phi công Không quân Ấn Độ tiêu diệt các mục tiêu dạng như Balakot từ khoảng cách ít nhất là 150 km từ bên trong lãnh thổ Ấn Độ.
Sukhoi Su-30MKI cũng có thể phóng tên lửa tấn công các mục tiêu ở Pakistan từ phía Tây Nam trong khi vẫn đang ở trên vùng biển quốc tế, do đó sẽ làm cho hệ thống phòng không Pakistan rất khó đối phó.
Một cuộc tấn công bằng tên lửa BrahMos-A từ máy bay Sukhoi cất cánh từ căn cứ không quân Halwara ở Punjab sẽ chỉ mất chưa đến 60 giây để lao xuống vùng Bahawalpur, Pakistan. Như vậy, phía Pakistan rất khó bề xoay sở.
P. Pathak, Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo tên lửa Brahmos chia sẻ trên Defense iQ: "Độ chính xác của tên lửa khiến nó đặc biệt hữu ích trong nhiệm vụ tấn công các mục tiêu quân sự ở khu vực thành thị và việc giảm thiệt hại tối đa cho người và tài sản là một ưu tiên thiết kế".
Công nghệ chế tạo tên lửa hành trình BrahMos đã được phát triển song song cùng với những tiến triển nhanh chóng của công nghệ máy tính, hệ thống định vị và công nghệ động cơ. Nhờ đó, Ấn Độ có thể điều khiển được hệ thống từ trên không mà không cần thêm các máy bay.
BrahMos-A được thử nghiệm lần đầu từ máy bay Sukhoi là vào tháng 7/2018 trên Vịnh Bengal và sẽ tiến hành các thử nghiệm phát triển giai đoạn cuối cùng vào cuối năm 2019, gồm hai lần phóng tấn công mục tiêu trên biển và mục tiêu trên đất liền. IAF có kế hoạch cải tiến 2 phi đội Sukhoi để trang bị BrahMos-A và mốc thời gian chuyển đổi là từ 2020 - 2021.
Tên lửa hành trình BrahMos
Những mục tiêu nào sẽ bị xóa sổ?
Một cuộc tấn công bằng hai phi đội Su-30MKI, chỉ trong vòng vài phút, có thể làm tê liệt hoàn toàn các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Pakistan; các nhà máy điện hạt nhân; kho đạn trung tâm Sargodha ở phía Tây Lahore.
Đó còn là các căn cứ tên lửa đạn đạo ở Gujranwala, Okara, Multan, Jhang và Dera Nawab Shah; sở chỉ huy Quân đội Pakistan tại Rawalpindi; cảng Karachi - cảng lớn duy nhất của Pakistan và cũng là tổng hành dinh Hải quân của nước này cùng nhiều nhà máy sản xuất xe tăng và máy bay chiến đấu khác.
Tên lửa siêu thanh BrahMos trang bị đầu đạn thông thường, về mặt lý thuyết, có thể xuyên thủng các trung tâm chỉ huy, kiểm soát và liên lạc kiên cố. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chắc chắn các mục tiêu này sẽ bị phá hủy 100% trừ khi BrahMos được vũ trang đầu đạn hạt nhân.
Do đó, một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu sẽ vô hiệu hóa khả năng phản công của Pakistan và khi đó Pakistan sẽ không còn là mối đe dọa đối với Ấn Độ.
Nếu phải đối phó với Trung Quốc, chiến thuật sử dụng bộ đôi Sukhoi - BrahMos có thể không đạt được kết quả tương tự vì các mục tiêu của Trung Quốc nằm sâu bên trong đất liền hoặc trên bờ biển phía Đông.
Tuy vậy, cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc ở Tây Tạng và các tuyến đường sắt chiến lược của nước này vẫn có thể dễ dàng bị Ấn Độ phá hủy nếu Bắc Kinh cố gắng yểm trợ cho đồng minh Pakistan.
Su-30MKI chuẩn bị phóng thử tên lửa BrahMos
BrahMos-A chế tạo nội địa là phiên bản rút gọn của tên lửa hành trình Brahmos nguyên bản nhưng vẫn là loại vũ khí hạng nặng với trọng lượng 2,5 tấn.
Do phải thực hiện rất nhiều những cải tiến để tích hợp một tên lửa hạng nặng như vậy vào Su-30MKI nên ban đầu người Nga không muốn tham gia. Thế nhưng, sau khi doanh nghiệp quốc phòng Hindustan Aeronautics Limited (HAL) vẫn quyết định phát triển một mình thì Sukhoi, không muốn bỏ lỡ các hợp đồng phát triển béo bở này, nên cũng đã bắt tay từ năm 2011.
Các hoạt động cải tiến gồm có việc tăng cường kết cấu máy bay cùng với nâng cấp rất nhiều các bộ phận cơ khí, điện tử và phần mềm khác. Quá trình tích hợp cũng liên quan tới việc gia cố mạch điện tử của máy bay để chống lại xung điện từ từ một vụ nổ hạt nhân nên BrahMos hoàn toàn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, nếu cần.
Tháng 9/2010, Bộ Tư lệnh các Lực lượng Chiến lược (SFC) mới được thành lập của Ấn Độ đã đệ trình lên Bộ Quốc phòng nước này đề xuất thành lập hai phi đội máy bay chuyên dụng gồm 40 chiếc Su-30MKI.
Nhiệm vụ chính của lực lượng "không quân mini" này là tấn công hạt nhân. Đến tháng 10/2012 Ủy ban An ninh Chính phủ Ấn Độ đã bật đèn xanh cho chương trình sửa đổi cấu trúc và phần mềm trên 42 chiếc Su-30MKI và mua 216 tên lửa BrahMos phóng từ trên không trang bị cho chúng.
Đặt tình huống khi xung đột Ấn Độ - Pakistan nổ ra, và nếu Islamabad quyết định chuyển các đầu đạn hạt nhân ra khỏi kho chứa Sargodha - địa điểm đương nhiên luôn được vệ tinh do thám Ấn Độ theo dõi sát sao 24/24h, thì ngay lập tức các máy bay Sukhoi sẽ được lệnh tấn công đoàn xe quân sự vận chuyển vũ khí hạt nhân đó của Pakistan.
Một khi mục tiêu đã lọt vào tầm ngắm của tên lửa BrahMos trên Su-30MKI thì đây chính là thông điệp Ấn Độ muốn gửi tới kẻ thù: Đừng mất công cầu nguyện vì sẽ không có đủ thời gian đâu!
Tên lửa hành trình BrahMos lần đầu tiên được phóng thử thành công từ tiêm kích Su-30MKI
No comments:
Post a Comment