Vài ngày trở lại đây, liên tiếp nhiều dấu hiệu cho thấy không loại trừ khả năng Mỹ có thể tiến hành không kích Iran sau một thời gian ngắn quan hệ Washington - Tehran "leo thang" căng thẳng.
Theo đó, Mỹ đã quyết định triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, một phi đội oanh tạc cơ B-52, tàu vận tải đổ bộ USS Arlington và một tổ hợp phòng không Patriot đến Trung Đông.
Thậm chí truyền thông ngày hôm qua rộ lên tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên phương án đổ 120.000 quân tấn công Iran.
Về phía Tehran, ngay lập tức nước này liên tiếp ra nhiều tuyên bố khẳng định sẽ đáp trả tương xứng với hành động gây chiến của Washington.
Mặc dù chưa có gì là chắc chắn, nhưng nếu một cuộc chiến xảy ra giữa hai bên, hậu quả sẽ không chỉ hai quốc gia này gánh chịu mà có thể lan rộng ra cả Trung Đông.
Tomahawk dập vào Tehran, Iran sẽ "đè"... Israel!
Theo đó, những quốc gia phải "gánh chịu hậu quả thảm khốc" từ cuộc chiến Mỹ - Iran không chỉ người dân hai nước này mà kể cả các đồng minh thân cận Washington tại Trung Đông như Israel, Ả Rập Xê-út.
Còn nhớ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991, khi bị liên quân do Mỹ đứng đầu tấn công "tổng lực" toàn mặt trận, trong "cơn tuyệt vọng", quân đội của Tổng thống Saddam Hussein đã nã tên lửa Scud "tẩn" hai đồng minh Mỹ là Ả Rập Xê-út và Israel.
Các tài liệu giải mật sau này cho biết, Iraq đã bắn đi 88 tên lửa đạn đạo Scud mà trong đó 46 quả đi vào Ả Rập Xê-út, 42 quả "oanh tạc" Israel.
Tomahawk bắn vào Tehran sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến khủng khiếp.
Tất nhiên, không phải tự dưng mà Iraq bắn phá các nước "láng giềng", mà đơn giản căn cứ quân sự Mỹ nằm ở những quốc gia đồng minh này. 28 thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Pennsylvania đã thiệt mạng khi Scud đánh trúng doanh trại Quân đội Mỹ ở Dhahran, Ả Rập Xê-út.
Còn Israel, quốc gia này luôn bị nhiều nước Ả Rập coi là "kẻ thù" từ lâu, Iraq, Iran, Ai Cập, Syria đều chịu thiệt hại khủng khiếp trong các cuộc chiến trước đó trong giai đoạn 1960-1980.
Đó là chưa kể, Iran và Israel từ trước khi Mỹ gây căng thẳng đã là "kẻ thù" của nhau. Thật vậy, kể từ năm 2015 đến nay, Không quân Israel đã tiến hành hàng loạt các cuộc không kích vào mục tiêu mà họ cho là kho vũ khí Iran đặt trên đất Syria.
Thế nên, việc Iran trả đũa vào các đồng minh Mỹ trong trường hợp Tomahawk, F/A-18 bắt đầu không kích Tehran là điều không quá khó hiểu và không hề bất ngờ nếu họ làm vậy.
Câu hỏi đặt ra là liệu Iran có thể "lưỡng đầu thọ địch" - vừa chống đỡ cuộc không kích từ Mỹ và vừa "đè" đồng minh Mỹ?
Tên lửa bay rợp trời Trung Đông
Câu trả lời là có và sức mạnh của Quân đội Iran hiện nay thừa sức làm vậy. Họ vừa có thể khởi động đánh trả các cuộc không kích của Mỹ và lại vừa tiến hành oanh tạc các nước đồng minh Mỹ.
Thứ vũ khí giúp Tehran làm được điều đó chính là tên lửa đạn đạo tầm trung - xa mà nước này gây dựng được bao lâu nay.
Theo đánh giá chung, hiện Iran có một loạt tên lửa "tha hồ mà chọn".
Ví dụ như tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 có tầm bắn khoảng 2.000km có thể bao phủ toàn bộ mục tiêu nằm trong lãnh thổ Ả Rập Xê-út và Israel.
Hay các loại tên lửa tầm trung thế hệ mới như Ghadr-110 (tầm bắn 1.800-2.000km); Ashoura (tầm bắn 2.000-2.500km); Sejjil (tầm bắn 2.000-2.500km) đều có khả năng vươn tới lãnh thổ Israel.
So với Shahab-3, các thế hệ Ashoura và Sejjil có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn vì chúng sử dụng động cơ nhiên liệu rắn.
Mặc dù độ chính xác của hầu hết tên lửa đạn đạo tầm trung - xa Iran được đánh giá ở mức rất tồi, nhưng nó vẫn tạo ra mối đe dọa lớn với mục tiêu như thành phố lớn hay các căn cứ lớn của Quân đội Mỹ đặt ở các nước đồng minh.
Phạm vi tác chiến của Shahab-3.
Ví dụ lớn nhất chính là tên lửa Scud của Iraq dù độ chính xác nghèo nàn mà hậu quả nó để lại khi nhắm vào doanh trại Mỹ là vô cùng khủng khiếp.
Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh nên mong rằng tuyên bố của Iran hồi năm 2015 về việc phát triển thành công tên lửa đạn đạo Emad có độ chính xác gần như tuyệt đối chỉ là "trò lừa đảo".
Theo tuyên bố của tướng lĩnh Iran vào tháng 10/2015, Emad - phiên bản cải tiến từ Shahab-3 đạt tầm bắn 2.000km với độ sai lệch mục tiêu chỉ 30m nhờ những cải tiến sâu ở hệ thống dẫn đường.
Ngoài tên lửa đạn đạo, hồi tháng 9/2012, Iran tuyên bố phát triển thành công tên lửa hành trình Meshkat có tầm bắn đến 2.000km.
Tuy nhiên, thông tin này rất khó kiểm chứng độ chính xác.
Dẫu vậy, với loại Shahab-3 thì sức mạnh của nó đã được thế giới thừa nhận và thường xuyên bày tỏ sự quan ngại mỗi khi căng thẳng Mỹ - Iran leo thang.
Theo báo cáo của cơ quan tình báo hàng không - vũ trụ quốc gia Không quân Mỹ (NASIC), tính đến tháng 6/2017, Iran có khoảng 50 bệ phóng và số lượng Shahab 3 không thể xác định.
Có thể ước đoán rằng, sản xuất từ năm 2003, tới nay Iran có lẽ đã tích được vài trăm quả Shahab-3. Trong trường hợp chiến tranh với Mỹ, Iran có thể phóng ồ ạt Shahab-3 nhắm vào mục tiêu nằm ở Ả Rập Xê-út, Israel, thậm chí là Iraq... đó là viễn cảnh đáng sợ!
Cả Trung Đông sẽ chìm trong máu lửa
Thật vậy, chiến tranh sẽ lan rộng cả Trung Đông bởi Ả Rập Xê-út, Israel bây giờ không như năm 1991, họ khó có thể ngồi yên để đón tên lửa Iran.
Đáp trả sẽ xảy ra, tứ bề thọ địch, Iran có thể sử dụng tất cả những gì họ có, không chỉ căn cứ quân sự, các thành phố đông dân sẽ là mục tiêu bị nhắm tới.
Iran đã nhiều lần phô diễn màn bắn ồ ạt tên lửa đạn đạo.
Cuộc chiến sẽ như một phản ứng dây chuyền, lan rộng khắp nơi tạo nên bầu không khí nghẹt thở, sợ hãi, vô hình chung ảnh hưởng không chỉ về mặt quân sự mà lan sang xã hội, kinh tế, chính trị....
Người dân các nước bị ảnh hưởng có thể tìm cách di tản sang khu vực an toàn, ví dụ như là các nước ở châu Âu yên bình. Điều tương tự đã xảy ra khi cuộc nội chiến Syria bị Mỹ và đồng minh "châm ngòi".
Tuy nhiên, nếu ở tầm khu vực rộng lớn thì hậu quả sẽ là rất nặng nề, không rõ Washington có tính tới chuyện này không. Có thể sau cuộc chiến, họ sẽ có được điều họ muốn, nhưng sẽ mất vô số thứ về kinh tế.
Một khu vực không ổn định, loạn lạc chiến sự liên miên sẽ là điều rất không tốt, mà nên nhớ là Mỹ có lợi ích lớn về kinh tế ở Trung Đông.
Hãy nhìn xem, khi Mỹ can thiệp ở đâu thì nơi đó thành "chảo lửa" và mãi không thể dập tắt. Bài học Libya còn đó, từ một đất nước xinh đẹp nay quốc gia này còn lại gì ngoài đống tro tàn vì lửa chiến tranh!
Bản tin Nhà trắng gửi nhóm tác chiến Lincoln tới vùng Vịnh
No comments:
Post a Comment