Ankara tìm công thức để có cả S-400 và F-35
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực giải quyết những bất đồng với Mỹ về việc mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.
Washington đang đe dọa sẽ từ chối giao máy bay chiến đấu F-35 tối tân cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục thỏa thuận với Moscow. Hơn hết, Mỹ cũng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể làm cho Ankara khủng hoảng trầm trọng.
Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ đối với vụ S-400 sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn và khiến uy tín của Tổng thống Erdogan càng trở nên suy giảm.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ cho thấy mình là một người chịu khuất phục trước áp lực. Ông Erdogan vẫn đang kiên quyết với lập trường bản thân và khẳng định thỏa thuận S-400 sẽ không bị hủy bỏ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng không muốn làm phật lòng Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông đang dựa vào để đối trọng với mối quan hệ đang xấu đi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, trang Al-Monitor nhận định.
Thay vì cố gắng làm dịu tình hình, Tổng thống Erdogan đang "dập lửa" bằng "dầu" khi nói rằng S-400 có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 và thậm chí có thể sớm hơn.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence mới đây tiếp tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không thể có được cả hai thứ cùng một lúc. "Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 2,5 tỷ USD từ Nga gây nguy hiểm lớn cho NATO và sức mạnh của liên minh", ông Pence nói trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập NATO.
Đây vẫn là lập trường của Washington và được nhấn mạnh một lần nữa bởi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rằng S-400 là quyết định mà họ muốn đi tiếp thì chúng tôi phải đưa mọi thứ ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ".
Đã có những hoạt động ngoại giao cấp cao giữa Ankara và Washington gần đây để giải quyết tình hình. Tiêu biểu là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Donald Trump hôm 29/4. Tuy nhiên, Ankara vẫn lo lắng về các mối đe dọa đến từ Mỹ sẽ lớn dần hơn.
Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar, Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak và cố vấn chính của Tổng thống Erdogan, Ibrahim Kalin, đang cố gắng thuyết phục Washington rằng việc mua S-400 không phải là một động thái chống lại Mỹ hay NATO và không nên là một cái cớ để đình chỉ việc giao F-35.
Theo Al-Monitor, điểm mấu chốt mà Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới là muốn mua cả S-400 và F-35 và đang tìm kiếm một công thức cho phép mình có thể "ăn" được cả "hai cái bánh" cùng một lúc.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn có cả S-400 lẫn F-35.
Phó thác vào ông Trump có thành công?
Từ trước đến nay, các ý kiến chỉ trích và đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh hợp đồng S-400 phần lớn đều đến từ Quốc hội và các quan chức của Mỹ, trong khi Tổng thống Trump là người tỏ ra thận trọng khi ít đưa ra bình luận cá nhân.
Điều này đã nhen nhóm niềm tin ở Thổ Nhĩ Kỳ về việc Tổng thống Trump sẽ là người cân nhắc và cung cấp những gì mà Ankara mong muốn.
Chính quyền Erdogan cho rằng, họ chỉ có một lựa chọn, cụ thể là nhờ vào sự can thiệp của Tống thống Trump để vượt qua sự phản đối của Quốc hội và Lầu Năm Góc trong việc chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak, người đến thăm Phòng Bầu dục hồi tháng 4 đã tỏ ra rất lạc quan về sự can thiệp của Tổng thống Trump. Có nguồn tin cho rằng, ông Trump đã cam kết trong cuộc điện đàm với ông Erdogan để tìm giải pháp cho vấn đề S-400/F-35.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng tiết lộ, Tổng thống Trump "thông cảm" với Thổ Nhĩ Kỳ về tranh cãi này.
"Tổng thống Trump cho biết, Mỹ đã không thể bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ trong quá khứ và ông chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ phải mua S-400 từ Nga", Ngoại trưởng Cavusoglu nói trong cuộc họp báo với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto vào ngày 3/5.
Ông Cavusoglu cũng úp mở về khả năng Tổng thống Trump sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, việc truyền thông Mỹ tiết lộ một số quan chức của bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng đang đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump vì không đưa ra tối hậu thư cứng rắn đối với vấn đề S-400 cũng đã trở thành điều khích lệ đối với hy vọng của Ankara.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Ankara vào cá nhân Tổng thống Trump có hợp lý hay không?
Cần phải nhớ rằng, từ trước đến nay, có rất nhiều khúc mắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, trong đó Tổng thống Trump cũng là người trực tiếp đưa ra những lập trường công kích Ankara.
Đầu tiên, Tổng thống Trump đã không sử dụng quyền lực của mình để miễn trừ cho Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các lệnh trừng phạt của Iran để được tiếp tục mua dầu. Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ đã từng được ưu ái như vậy, nhưng giờ thì không.
Chính Tổng thống Trump cũng đã đe dọa vào tháng 1 về việc tàn phá nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nếu nước này tấn công Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd, đồng minh của Washington ở miền Bắc Syria.
Chỉ ra những thay đổi đột ngột về lập trường trong cách tiếp cận chính sách của ông Trump, nhà phân tích chính trị Murat Yetkin cho rằng, Tổng thống Mỹ không phải là người mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể tin cậy để giải quyết vấn đề S-400.
Viết trên tờ Deutsche Welle, nhà phân tích Yetkin cho biết, bất kỳ thông điệp tích cực nào từ Tổng thống Mỹ gửi đến ông Erdogan thông qua con rể Jared Kushner đều không thể được coi là đáng tin cậy và cuối cùng có thể gây thiệt hại nhiều hơn là tích cực.
Chuyên gia Yetkin cũng nhấn mạnh, ảnh hưởng hạn chế của ông Trump trong Quốc hội và lập luận rằng, ngay cả khi lắng nghe lời thỉnh cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông vẫn sẽ có những cân nhắc của riêng mình do không có mối quan hệ tích cực với Tổng thống Erdogan.
No comments:
Post a Comment