Lầu Năm Góc lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đang tiến gần tới mục tiêu hoàn tất bộ ba hạt nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân từ trên bộ-không-biển. Hiện chỉ có 3 quốc gia trên thế giới có năng lực này, đó là Mỹ, Nga và Ấn Độ.
Trong bản báo cáo đệ trình lên Quốc hội Mỹ tuần trước, Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, " Trung Quốc đang tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân trên bộ và trên tàu ngầm, cũng như đang theo đuổi 'bộ ba' hạt nhân khi xúc tiến chương trình phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân (ALBM)".
Ban đầu, trong lúc Mỹ vẫn duy trì không đoàn máy bay ném bom chiến lược như một phần của bộ ba hạt nhân, bằng cách tiếp tục trang bị cho chúng bom trọng lực hạt nhân thì các máy bay ném bom của Trung Quốc đã rút lui khỏi vai trò của chúng trong cuối những năm 1970, đầu những năm 1980.
Thay đổi trên nhằm nhường chỗ cho năng lực răn đe bằng tên lửa đạn đạo mà Quân đoàn pháo binh số 2 (nay là Lực lượng tên lửa Trung Quốc – PLARF) mang lại.
Trung Quốc đang phát triển một mẫu máy bay ném bom tàng hình mới.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đã đảo ngược lại quyết định của mình sau tuyên bố phát triển máy bay ném bom tàng hình và thử nghiệm ALBM mới với tên gọi CH-AS-X-13. Mẫu tên lửa này đã được thử nghiệm vào tháng 1/2018 từ máy bay ném bom H-6K.
Tiếp đó, trong bản báo cáo năm 2019, Lầu Năm Góc lưu ý rằng Trung Quốc có thể đang phát triển một loại ALBM thứ hai.
Ngoài ALBM, Trung Quốc đang có trong tay ít nhất 90 ICBM, cũng như các tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung do PLARF triển khai.
Bắc Kinh còn có 4 tàu ngầm Type 094 lớp Jin, và thêm 2 chiếc nữa đang trong quá trình thi công. Một lớp tàu ngầm khác, Type 096, dự kiến sẽ được triển khai vào giữa những năm 2020.
Lầu Năm Góc cảnh báo rằng các tàu ngầm Type 094 đã trở thành "năng lực răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên" của Bắc Kinh khi chúng mang theo SLBM.
No comments:
Post a Comment