Friday, May 24, 2019

Kho tên lửa đạn đạo "khủng" nhất Trung Đông của Iran sẽ nhấn chìm QĐ Mỹ trong biển lửa?

Kho tên lửa đạn đạo
Kho tên lửa đạn đạo "khủng" nhất Trung Đông của Iran sẽ nhấn chìm QĐ Mỹ trong biển lửa?
Đối phó với lực lượng tên lửa hùng hậu của Iran chắc chắn là điều mà Quân đội Mỹ phải lên kế hoạch chi tiết, nhất là khi Iran và Mỹ đang tiến gần hơn đến một cuộc xung đột trực tiếp.

Chương trình tên lửa của Iran được bắt đầu dưới thời Vua Shah (vào những năm đầu của thập niên 1970), tăng tốc trong giai đoạn Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1989), nhằm tạo ra loại vũ khí răn đe Tổng thống Saddam Hussein bằng các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Iraq.

Nhận thấy mức độ lợi hại của tên lửa, Iran đã tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia "cùng chí hướng" như Libya, Triều Tiên, Pakistan và Trung Quốc để phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hành trình với số lượng lớn và chủng loại đa dạng.

Hiện nay lực lượng tên lửa đạn đạo là một trong những thành phần quan trọng của chiến lược răn đe thế ba chân của Iran (gồm: Lực lượng tên lửa đạn đạo; Lực lượng Đặc nhiệm Quds và Vệ binh cách mạng Hồi giáo).

Trong những năm gần đây, việc duy trì chính sách đối đầu với Mỹ và các quốc gia mà Iran cho là "thù địch" trong khu vực, khiến Iran tích cực chuẩn bị cho chiến tranh. Từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh với Iraq, họ đã đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại tên lửa, nhất là tên lửa đạn đạo, đưa Iran là quốc gia sản xuất và sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo nhất Trung Đông.

Sê ri tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab

Xương sống của các lực lượng tên lửa Iran là loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab (theo tiếng Ba Tư Shahab có nghĩa là "Sao Băng"). Đây là loại sử dụng nhiên liệu lỏng, công nghệ lạc hậu, mức độ chính xác thấp, thời gian triển khai chiến đấu dài. Có ba biến thể chính của loại tên lửa này đó là: Shahab-1, Shahab-2 và Shahab-3.

Shahab-1 là tên lửa đầu tiên mà Iran có được dựa trên tên lửa đạn đạo Scud-B của Liên Xô. Iran đã mua loại tên lửa này đầu tiên từ Libya (và có thể cả Syria), nhưng theo tài liệu cung cấp thì Triều Tiên mới là nhà cung cấp chính.

Tên lửa Shab-1 có tầm bắn trong khoảng từ 285 km đến 330 km và có thể mang đầu đạn nặng 1.000 kg. Iran hiện nay được cho là có 300 tên lửa Shahab-1.

Sau đó, dựa trên mẫu tên lửa Scud-C mua của Triều Tiên, Iran đã chế tạo được tên lửa Shahab-2. Shahab-2 có tầm bắn khoảng 500 km, mang theo được đầu đạn nặng 770 kg.

Iran lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa Shahab-2 vào năm 1998, chính thức đưa vào biên chế từ năm 2004. Giống như Shahab-1, Shahab-2 sử dụng bệ phóng di động. Có khả năng Tehran chỉ mua từ 100 - 170 tên lửa thành phẩm Shahab-2 từ Triều Tiên, sau đó Iran tự sản xuất (có thể họ vẫn phải phụ thuộc vào một số linh kiện nhập khẩu).

Trong 3 loại tên lửa chủ lực tầm ngắn Shahab, quan trọng nhất là Shahab-3, đây cũng là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng và bệ phóng di động. Shahab-3 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có tầm bắn chạm mốc tên lửa tầm trung (khoảng từ 1.000 đến 1.300 km tùy thuộc vào trọng lượng của đầu đạn).

Kho tên lửa đạn đạo khủng nhất Trung Đông của Iran sẽ nhấn chìm QĐ Mỹ trong biển lửa? - Ảnh 1.

Tên lửa Shahab-3 rời bệ phóng trong một cuộc thử nghiệm

Shahab-3 có thể mang được một đầu đạn nặng từ 760 đến 1.200 kg. Có nhiều cơ sở để nghi ngờ loại tên lửa này dựa trên thiết kế của tên lửa đạn đạo No Dong-1 của Triều Tiên.

Không giống như các biến thể Shahab 1, 2, Shahab-3 là loại tên lửa hai tầng riêng biệt. Shahab-3 đầu tiên được thử nghiệm vào năm 1998, nhưng thử nghiệm này không thành công và một số thử nghiệm sau đó cũng thất bại.

Phải đến năm 2003, sau nhiều nỗ lực cải tiến, Shahab-3 mới thành công và được đưa vào sử dụng. Hiện nay không rõ có bao nhiêu tên lửa Shahab-3 mà Iran đã triển khai.

Dựa trên mẫu Shahab-3, Iran đã chế tạo một số phiên bản có tên khác nhau như Emad và Ghadr, nhưng có sử dụng công nghệ của Pakistan, trong đó tầng tên lửa khởi tốc được thiết kế lại, sử dụng nhiên liệu rắn, cộng với đó là hệ thống dẫn đường được nâng cấp, cho mức chính xác cao hơn. Tầm bắn của các loại tên lửa này được nâng lên đáng kể từ 1.500 km đến 1.800 km.

Sê ri tên lửa đạn đạo Fateh

Các loại tên lửa mang tên Fateh (Fateh theo tiếng Farsi có nghĩa là "Người chiến thắng") đều là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo Shahab nhưng sử dụng nhiên liệu rắn, nên có mức chính xác cao hơn và thời gian triển khai chiến đấu ngắn hơn dòng tên lửa Shahab.

Giống như Shahab-1 và Shahab-2, Fateh-110 và Faeth-331 đều là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn một tầng và sử dụng bệ phóng di động trên đường bộ. Fateh-110 có tầm bắn 210 km và mức chính xác cao hơn một số biến thể Shahab trước đó, với sai số mục tiêu (CEP) khoảng 100 mét.

Iran bắt đầu phát triển Fateh-110 vào năm 1995, lần thử nghiệm đầu tiên với loại tên lửa này là vào tháng 5 năm 2001 và chính thức đưa vào biên chế năm 2004.

Fateh-313 là một phiên bản cải tiến của Fateh-110, với tầm bắn được nâng lên tới 500 km, cùng với cải tiến về hệ thống dẫn đường, Fateh-313 có mức chính xác tương đối cao và chính thức biên chế cho quân đội Iran từ năm 2015. Mỹ đã cáo buộc các công ty Trung Quốc hỗ trợ Iran phát triển loại tên lửa Fateh.

Kho tên lửa đạn đạo khủng nhất Trung Đông của Iran sẽ nhấn chìm QĐ Mỹ trong biển lửa? - Ảnh 2.

Tên lửa Shahab-2 của Iran trong cuộc diễu binh quân sự

Năm ngoái, Iran đã tiết lộ một phiên bản mới của gia đình Fateh, được gọi là Zolfaghar. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan là người đầu tiên tiết lộ loại tên lửa này, ông thông báo Zolfaghar có tầm bắn đến 700 km.

Theo phân tích của Tạp chí quốc phòng IHS Jane, thì Zolfaghar có hình dạng và kích thước tương tự như tên lửa Fateh-110 trước đó, nhưng hệ thống dẫn đường đã được thiết kế lại, dường như nó nằm sát mũi hơn. Thiết kế này có thể đã giải phóng không gian cho một động cơ nhiên liệu rắn lớn hơn, nhưng ngược lại đầu đạn lại phải giảm xuống

Theo Hãng thông tấn nhà nước Iran Fars cho biết: Zolfaghar có khả năng mang nhiều đầu đạn phân hướng (MRV), nhưng khả năng này vượt quá công nghệ của Iran hiện nay.

Vào tháng 10 năm 2018, Iran tuyên bố họ đã sử dụng tên lửa Zolfaghar để tấn công vào những phần tử khủng bố bị cho là chịu trách nhiệm trong vụ xả súng vào đoàn người (thân Iran) diễu binh ở thành phố Ahvaz tại Syria, nhưng tình báo Israel cho rằng đó là tên lửa đạn đạo Shahab-3 chứ không phải Zolfaghar.

Tên lửa đạn đạo Sejjil

Tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil là phiên bản nhiên liệu rắn của tên lửa nhiên liệu lỏng Shahab-3. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), tên lửa Sejjil có kích thước, trọng lượng và tầm bắn tương tự như Shahab-3.

Tên lửa Sejjil được Iran phát triển vào cuối những năm 1990, nhưng phải đến năm 2008 lần thử nghiệm đầu tiên mới được tiến hành. Trong một cuộc thử nghiệm năm 2009, tên lửa đã bay được khoảng 1.900 km.

Mặc dù tên lửa Sejjil sử dụng thiết kế của Iran, nhưng có thể chương trình có sự hỗ trợ bí mật từ Trung Quốc; một số nhà phân tích đã so sánh nó với DF-11 và DF-15 của Trung Quốc.

Iran đã tuyên bố rằng họ đã phát triển thành công nhiều biến thể của tên lửa Sejjil, bao gồm cả tên lửa Sejjil-3 mà một số nhà phân tích tin rằng có phạm vi bắn tối đa là 4.000 km đủ sức bao phủ toàn bộ khu vực Trung Đông, Bắc Phi, Nam Âu và cả phía Nam nước Nga.

Kho tên lửa đạn đạo khủng nhất Trung Đông của Iran sẽ nhấn chìm QĐ Mỹ trong biển lửa? - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars trong lễ duyệt binh tại Iran

Tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Iran đã phát triển một loại tên lửa đạn đạo chống hạm để sử dụng cho chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm chống lại quân đội Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Như một sự răn đe, Iran đặt tên cho tên lửa này là Khalij Fars (Vịnh Ba Tư).

Tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars được thiết kế dựa trên loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110. Khalij Fars lần đầu được thử nghiệm vào đầu năm 2011 và trùng với sự kiện Iran tuyên bố chế tạo thành công một loại radar tầm xa, hoạt động theo nguyên lý thụ động, có bán kính quét mục tiêu đến 1.100 km.

TIN LIÊN QUAN
  • Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ đủ sức tiêu diệt không quân Iran hay chỉ là "hổ giấy"?

  • "Lý Thông" JF-17 Trung Quốc tranh công hạ MiG-21 Ấn Độ: F-16 Pakistan mới là "Thạch Sanh"?

  • Chuyên gia Mỹ: Bài học từ Việt Nam có thể cho biết Mỹ hay Iran bị đánh bại nếu chiến tranh

Cuối năm đó, Iran thông báo Khalij Fars đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Trong các thử nghiệm kể từ thời điểm đó, Iran đã tuyên bố tên lửa Khalij Fars, đã bắn trúng 100% mục tiêu trên biển.

Theo các phương tiện truyền thông Iran, Khalij Fars có tốc độ siêu thanh, mang đầu đạn nặng 650 kg, miễn nhiễm với mọi khả năng đánh chặn và có độ chính xác cao.

Iran cũng đã tiết lộ hai biến thể của tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij Fars đó là Hormuz-1 dẫn đường bằng radar thụ động và Hormuz-2 dẫn đường bằng radar chủ động.

Trên đây chưa phải là một danh sách toàn diện về kho vũ khí tên lửa của Iran. Trong kho tên lửa của Iran, ngoài số lượng lớn tên lửa đạn đạo như trên, còn rất nhiều loại tên lửa hành trình. Đây cũng là vũ khí nguy hiểm nhất mà Quân đội Iran sở hữu.

Tên lửa đạn đạo cũng là vũ khí thường xuyên được Iran sử dụng trong chiến lược răn đe của họ, bao gồm cả việc sử dụng chiến lược hải quân bất đối xứng để chống lại lực lượng quân đội mạnh như quân đội Mỹ.

Đối phó với lực lượng tên lửa hùng hậu của Iran, chắc chắn là điều mà quân đội Mỹ phải lên kế hoạch chi tiết; đặc biệt là khi Iran và Mỹ đang tiến gần hơn đến một cuộc xung đột trực tiếp./.

Iran phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung tháng 9/2017

No comments:

Post a Comment