Không phù hợp với thế hệ 4++?
Tình huống khá phức tạp đang diễn ra xung quanh bản hợp đồng cung cấp cho Ai Cập 20 chiếc máy bay tiêm kích đa năng siêu cơ động Su-35 S (bao gồm cả tên lửa và bom hàng không) do Nga chế tạo mới được công bố hai tháng trước.
Nếu như vào cuối tháng 3, đa số các trang thông tin điện tử của Nga và Ai Cập đồng thanh khẳng định rằng bản hợp đồng trị giá 2 tỷ USD đã được ký kết từ cuối năm 2018, còn lô máy bay đầu tiên có thể sẽ được bàn giao cho Không quân Ai Cập trong năm 2021, thì đến cuối tháng 3, các nguồn tin quân sự-ngoại giao lại công bố những thông tin hoàn toàn trái ngược.
Cụ thể, hôm 26/3, khi trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Interfax (Nga), phó giám đốc Rosoboronexport Sergei Kornev đã hoàn toàn phủ nhận thông tin về bản hợp đồng đã được ký kết, cũng như về sự tồn tại của các thoả thuận sơ bộ giữa Moscow và Cairo trong khuôn khổ bản hợp đồng trị giá 2 tỷ USD như báo chí đưa tin.
Tiêm kích siêu cơ động Su-35 của Nga.
Báo chí Ai Cập, căn cứ vào những chuyên gia bản địa, còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng các cuộc đàm phán sơ bộ để ký kết hợp đồng có thể không đạt được kết quả mong muốn, bởi về tiêu chí "giá thành-hiệu quả", mẫu tiêm kích đa năng của Nga không đáp ứng tiêu chuẩn của thế hệ 4++, cũng như chi phí bảo dưỡng "Su" cao.
Cuối cùng, các trang tin tức của Ai Cập đã tập trung nhấn mạnh sự phù hợp nếu Cairo mua các máy bay tiêm kích đa năng J-31 thế hệ thứ 5 có mức giá rẻ hơn do Trung Quốc chế tạo.
Theo ý kiến của họ, đề xuất mua mẫu máy bay này có thể đã được đưa vào chương trình đàm phán diễn ra hôm 25/3 giữa nhà lãnh đạo của Ai Cập Abdel Fattah as Sisi và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
Ai Cập vẫn lệ thuộc vào quốc phòng phương Tây
Tuy nhiên, theo topwar.ru, có nên coi thông tin "trái chiều" từ phía một số hãng tin Ai Cập như một sự đánh giá khách quan hơn về mức độ bế tắc của bản hợp đồng mua Su-35S hay không, bởi đây có thể là những trang tin được các nước Tây Âu và Mỹ "tài trợ" để vận động hành lang cho các loại tiêm kích F-16 Block 60, Rafale… tiếp cận thị trường vũ khí Trung Đông.
Liên quan tới cuộc hội kiến của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc với Tổng thống Ai Cập (cuộc gặp được cho là đề cập đến bản hợp đồng mua các tiêm kích J-31) thì theo topwar, sự kiện này được các trang điện tử của Ai Cập sử dụng như công cụ để hạ thấp năng lực cạnh tranh của sản phẩm do công ty Sukhoi chế tạo.
Cần phải lưu ý rằng, trên thực tế, Bộ tư lệnh Không quân Trung Quốc coi các máy bay tiêm kích Su-35S như "một mắt xích chiến lược" để kiểm soát không phận tại các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông, chứ không phải là những máy bay J-31 vẫn còn "non" của mình!
Theo topwar, có thể thấy rõ rằng nguyên nhân sâu xa của việc chậm trễ ký kết hợp đồng cung cấp cho Cairo 20 chiếc Su-35S nhiều khả năng mang ý nghĩa chính trị.
Áp lực trừng phạt từ phía Washington có thể khiến Các lực lượng vũ trang Ai Cập gặp phải những vấn đề liên quan tới công tác bảo dưỡng thiết bị vô tuyến điện phức tạp của 1.100 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams, cũng như hơn 200 máy bay tiêm kích đa mục tiêu F-16C/D Block 40 và Rafale.
Ai Cập có thực sự lựa chọn J-31?
Ưu thế rõ rệt của Su-35S trước J-31
Còn bây giờ, cùng so sánh các tính năng chiến đấu của Su-35S và J-31 để chứng minh những câu chuyện "cổ tích" mà các phương tiện truyền thông Ai Cập tung tin là không chính xác.
Để làm được điều này, cần trả lời câu hỏi: J-31 có thể gây khó khăn cho Su-35S trên thị trường vũ khí thế giới trong một cuộc đấu thầu công khai hay không?
Kể cả khi giá thành của một chiếc J-31 chỉ ở mức 45-55 triệu USD (thấp hơn 2 lần so với Su-35S và F-35A), còn tiết diện phản xạ radar dao động từ 0,2 đến 0,5m2 thì những tính năng kỹ thuật-bay của nó, cũng như các tính năng của hệ thống radar định vị vẫn còn kém xa những tiêm kích thế hệ thứ 4++.
Việc trang bị cho phiên bản xuất khẩu động cơ WS-13E (thay vì động cơ RD-93 của Nga như ở nguyên mẫu thử nghiệm) vẫn khiến cho J-31 không đạt được chỉ số cần thiết.
Điều này sẽ khiến cho phi công điều khiển J-31 cảm thấy không tự tin khi thực hiện cú lượn vòng quay đầu trong trận không chiến.
Nó chỉ có thể chứng tỏ được những tính năng cơ động trung bình của mình với 70% nhiên liệu còn lại và các tên lửa "không đối không" được bố trí ở khoang chứa vũ khí trong bụng máy bay.
Do không rõ động cơ WS-13E có được trang bị vector trọng lực hay không nên nếu rơi vào tình huống cận chiến thì J-31 thậm chí khó có thể thoát khỏi "ngón đòn" của F/A-18E/F "Super Hornet", chứ chưa kể đến các tiêm kích thuộc dòng MiG-29 và Su-35.
Các chỉ số của tổ hợp radar định vị trên J-31 vào thời điểm hiện nay chưa được công bố. Tuy nhiên, được biết các cỗ máy J-31 sản xuất hàng loạt sẽ được lắp đặt radar mảng pha chủ động với khả năng chống nhiễu sóng cao (ở mức độ như radar Irbis-E hoặc hơn).
Radar này có thể phát hiện được các mục tiêu như "tiêm kích thế hệ thứ 5" ở khoảng cách tối đa 90-100km, trong khi Irbis-E có thể phát hiện mục tiêu tương tự ở khoảng cách lên tới 180-200km.
Thêm vào đó, với bán kính hoạt động rất rộng, lên tới hơn 2.000km khi mang theo bình nhiên liệu treo ngoài, tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lớn, cũng như trang bị vector trọng lực có điều khiển, tiêm kích Su-35S của Nga sẽ chiếm ưu thế hoàn toàn trong bất cứ gói thầu cạnh tranh nào với J-31.
Theo topwar, mẫu máy bay của Trung Quốc chỉ có thể lấy lại sự cân bằng với Su-35S bằng cách tích hợp vào hệ thống vũ khí các tên lửa không chiến tầm siêu xa PL-15 (phiên bản tương tự MBDA "Meteor") mà thôi.
No comments:
Post a Comment