Saturday, May 11, 2019

"Điệp viên tỉ đô" của CIA 7 năm qua mặt KGB

"Điệp viên tỉ đô" của CIA 7 năm qua mặt KGB
Gây tiếng vang với thành tích tuyển mộ được nhiều điệp viên, thu thập được nhiều thông tin tình báo vô cùng quan trọng, nhưng cơ quan tình báo Liên Xô KGB trong lịch sử hoạt động của mình cũng phải nếm trải không ít thất bại. Trong đó, thất bại nặng nề nhất có thể nói là vụ để "điệp viên tỉ đô" của cơ quan tình báo đối thủ của Mỹ CIA "qua mặt" suốt bảy năm.

Năm lần tiếp cận

Tháng 1/1977, khi đang chờ đổ xăng tại một cây xăng dành cho các nhà ngoại giao ở Moscow, người đứng đầu CIA tại Liên Xô (trong vỏ bọc một nhà ngoại giao) ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông trung niên người Nga tiến lại gần và hỏi ông có phải là người Mỹ không bằng tiếng Anh.

Sau khi nhà ngoại giao Mỹ xác nhận, người đàn ông liền bỏ vào ghế xe một mảnh giấy rồi rời đi. Trong mảnh giấy, người đàn ông cho biết là một kỹ sư người Liên Xô, muốn gặp một quan chức Mỹ để trao đổi thông tin.

CIA không tỏ ra hào hứng với lời đề nghị bất ngờ nói trên vì nó được đưa ra trong lúc KGB được cho là đã thành lập lực lượng "mồi nhử" chuyên tìm cách khiến các điệp viên của CIA đang hoạt động tại Liên Xô lộ diện rồi trục xuất về nước.

Thêm vào đó, tại thời điểm diễn ra cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance cũng đang có kế hoạch tới thăm Liên Xô để đặt nền tảng cho quan hệ song phương. Do đó, phía Mỹ không muốn có bất cứ hành động mạo hiểm nào có thể cản trở kế hoạch của chính quyền mới. CIA đã quyết định không hồi đáp thông tin nhận được.

Bẵng đi gần một tháng, người đàn ông lạ mặt lại tiếp cận người đứng đầu CIA ở Moscow khi ông này đang đậu xe gần tòa Đại sứ Mỹ. Người đàn ông tiếp tục để lại một mẩu giấy rồi bỏ đi, trong đó nhắc lại đề nghị. Dựa trên quyết định được đưa ra trước đó, CIA tiếp tục lặng im. Hai tuần sau, lại thêm một mẩu giấy nữa được gửi đi.

Lần này, để giải tỏa lo ngại của CIA, người viết thư nói hiểu được những lo ngại của cơ quan tình báo Mỹ, đồng thời tiết lộ bản thân đang làm việc tại một đơn vị bí mật của Liên Xô.

Người viết thư cũng lặp lại yêu cầu được tiếp xúc cũng như đưa ra cách thức liên lạc hai bên. Ấn tượng trước sự kiên trì của người đàn ông người Nga, người đứng đầu CIA tại Moscow đã xin ý kiến cấp trên được thăm dò người này. Tuy nhiên, trụ sở chính của CIA tại Mỹ không đồng ý.

Bẵng đi tới gần ba tháng, khi phía Mỹ tưởng chừng như mọi việc đã khép lại thì tháng 5/1977, người đàn ông tiếp tục tiếp cận người đứng đầu CIA tại Moscow nhưng vẫn không được hồi đáp. Đó là lần thứ tư đề nghị của ông ta bị phớt lờ. Sau lần này, phải hơn sáu tháng sau, người đàn ông người Nga mới lại tiếp cận trở lại với phía Mỹ.

Để tạo lòng tin, ông ta gửi kèm theo một tài liệu dài hai trang, trong đó có các thông tin liên quan đến hệ thống điện tử của một máy bay Liên Xô.

Thời điểm tập tài liệu được gửi đi vào lúc CIA tại Liên Xô đã có một người đứng đầu mới. Sau khi xem xét, nhận thấy giá trị của thông tin do người đàn ông cung cấp, lãnh đạo CIA tại Liên Xô quyết định gửi điện về trụ sở, đề nghị được tìm hiểu về điệp viên tình nguyện người Nga. Lần này, giới chức tình báo Mỹ đồng ý.

Tháng 3/1978, người đàn ông người Nga cung cấp thêm 11 trang tài liệu viết tay, trong đó có thông tin về các nỗ lực nghiên cứu và chế tạo máy bay quân sự của Nga. Lần này, ông ta thông báo sẽ bỏ cuộc nếu không nhận được hồi âm từ phía Mỹ. Nhận được tuyên bố này, sau nhiều do dự, CIA đã quyết định chính thức đồng ý cử người gặp người đàn ông người Nga.

Điệp viên tỉ đô

Người đàn ông người Nga trên là Adolf Tolkachev, một kỹ sư chuyên về radar trên không tại Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật điện (Phazotron) của Liên Xô.

Việc tuyển mộ được người này được đánh giá là sự kiện có tính chất bước ngoặt trong triển khai các hoạt động tình báo của Mỹ ở Liên Xô. Bởi trong những năm đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, CIA dù đã tuyển được một số nguồn tin nhưng chưa bao giờ có thể thực sự thiết lập được mạng lưới gián điệp ngay trong lòng nước Nga.

KGB lúc bấy giờ thắt chặt việc theo dõi, khiến các công dân hay quan chức Liên Xô không dám hoạt động gián điệp. Về phía Mỹ, việc phân tích các nguồn tin để quyết định thu nhận ai hay bỏ qua cũng rất chật vật như đã nói ở trên, khiến họ có thể đã để vuột mất nhiều nguồn tin quan trọng.

Với sự xuất hiện của Tolkachev, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn. Tolkachev là điệp viên thành công và có giá trị bậc nhất mà Mỹ có được tại Liên Xô trong suốt hai thập kỷ. Trong hơn bảy năm làm việc cho CIA, ông ta đã 21 lần đánh lạc hướng những tai mắt của KGB của Liên Xô để chuyển tài liệu cho các nhân viên CIA ngay trên đường phố ở thủ đô nước Nga. Những tài liệu và bản vẽ của ông ta đã mở ra những bí mật về hệ thống radar cũng như các nghiên cứu về vũ khí trong tương lai của Liên Xô.

Đặc biệt, hoạt động gián điệp của người này còn giúp nước Mỹ tìm ra rõ những điểm yếu của hệ thống phòng thủ trên không của Liên Xô để từ đó nghiên cứu được những tên lửa và máy bay ném bom có thể bay dưới tầm các radar của Liên Xô.

Theo một số báo cáo, không quân Mỹ ước tính hoạt động gián điệp của Tolkachev đã giúp Washington tiết kiệm được 2 tỉ USD cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vũ khí. Điệp viên này vì thế đã được đặt cho biệt danh "điệp viên tỉ USD".

Ngoài ra, Tolkachev cũng trở thành một nhân vật "truyền thuyết", một điển hình để nghiên cứu về hoạt động gián điệp khi có thể gặp được CIA ngay trước mũi KGB.

Với công lao như vậy, Tolkachev đã được Mỹ tưởng thưởng khá hậu hĩnh. Tuy nhiên, có một sự thật ít người biết là động cơ của Tolkachev khi phản bội đất nước không phải vì tiền. Trên thực tế, ông hợp tác với CIA để gây tổn hại cho Liên Xô nhằm trả thù việc mẹ vợ ông ta đã bị xử tử, còn bố vợ ông ta thì bị đưa tới trại lao động vì tội không tố giác vợ hồi những năm 1930.

Vì thế số tiền mà Mỹ đưa cho dù đều nhận nhưng Tolkachev không hề đếm xỉa mà xem đó là biểu hiện của việc người Mỹ tôn trọng những việc mà ông ta đã làm. Cũng vì không cần tiền nên Tolkachev đôi khi chỉ yêu cầu phía Mỹ "trả công" cho ông ta bằng những các album nhạc của Beatles, Led Zeppelin… mà con trai của ông ta thích.

Cái kết

Từ giữa năm 1982, CIA đột ngột mất liên lạc với nguồn tin quý giá. Trong suốt năm cuộc gặp đã được lên kế hoạch, người của Mỹ cứ đến điểm hẹn rồi lại phải về tay không vì Tolkachev không xuất hiện. Cùng lúc, CIA cũng nhận thấy lực lượng do thám của KGB bỗng nhiên trở nên dày đặc trên đường phố, cho thấy rất có thể đã có chuyện xảy ra.

Buổi tối ngày 7/12/1982, ngày diễn ra cuộc hẹn tiếp theo theo thỏa thuận, phía Mỹ giao sỹ quan Bill Plunkert gặp gỡ nguồn tin.

Vào khoảng giờ cơm tối, Plunkert và vợ cùng vợ chồng người đứng đầu tình báo Mỹ tại Liên Xô tới Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô dưới vỏ bọc dự tiệc sinh nhật một nhân viên của tòa đại sứ. Hai bà vợ đều mặc đồ đen và mang theo một chiếc bánh sinh nhật lớn, thực chất là một thiết bị tạo hình nộm.

Biết rõ nguồn tin của KGB đang theo sát mình, chiếc xe vòng vèo qua nhiều đoạn đường rồi đến một góc phố khuất, với sự hỗ trợ của thiết bị tạo hình nộm và những người đi cùng, Plunkert đã nhảy xuống xe và biến mất.

  • Điểm danh những chiếc xe tăng mạnh nhất Thế chiến I

  • Vũ khí chính xác của Nga: Vì sao "Bom ngu" hiệu quả hơn "bom thông minh" ở Syria?

Trong khi đó, trên xe, chiếc bánh sinh nhật được dỡ ra, tạo hình ảnh giống đầu và thân viên sỹ quan vừa nhảy ra, khiến phía Nga không nghi ngờ gì. Cắt đuôi tình báo Liên Xô thành công, Plunkert đến điểm hẹn, đứng chờ khá lâu nhưng Tolkachev vẫn không xuất hiện.

Mãi đến tháng 10/1983, Tolkachev mới gặp lại nhân viên của CIA. Lần này, ông ta đã chuyển cho phía Liên Xô 16 trang tài liệu cùng một mảnh giấy ghi ra những yêu cầu mới của ông ta cũng như các lưu ý về những cuộc gặp trong tương lai.

Trong giấy, Tolkachev cũng cho biết cơ quan của ông ta đã tiến hành điều tra về việc rò rỉ thông tin và ông ta có thể sẽ bị bắt bất cứ lúc nào nên ông ta đã hủy toàn bộ các tài liệu cũng như vật dụng có liên quan đến việc trao đổi thông tin với CIA.

Trong mẩu tin nhắn, Tolkachev vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với CIA nhưng kể từ lần gặp cuối cùng đó, ông ta đã không xuất hiện thêm bất cứ một lần nào nữa.

Các tài liệu về sau được công bố cho thấy hoạt động gián điệp của Tolkachev bị phát giác vào khoảng cuối năm 1984, đầu năm 1985 do bị một nhân viên của CIA phản bội tố cáo với KGB. Tolkachev bị bắt giữ năm 1985 và bị tử hình vào tháng 10/1986 vì tội phản quốc.

No comments:

Post a Comment