Ngày 6/5, Tờ Al-Monitor xuất bản bài báo có tựa đề: "Người Nga đang làm gì khi chiến dịch quân sự của Tướng Haftar đang diễn ra ở Tripoli" (What Russia makes of Hifter's offensive on Tripoli) của Nhà phân tích Yury Barmin.
Để có một góc nhìn đa chiều về xung đột ở Tripoli nói riêng và Libya nói chung hiện nay, chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả bản lược dịch bài viết này.
Những động thái "khó hiểu" của Nga khi chiến dịch quân sự vẫn đang diễn ra ở Tripoli
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã khiến Nga trở thành tâm điểm chú ý của giới lãnh đạo tại Libya khi lần đầu tiên gặp với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte bên lề Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.
Ông Conte được cho là đã đề xuất với Nga một phương án để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng Libya. Ngay sau đó ông Putin được cho là đã thảo luận về vấn đề Libya với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan qua điện thoại.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Italia Giuseppe Conte.
Chiến lược của Nga đối với Libya thực sự có vẻ khó hiểu đối với các nhà phân tích, với cái gọi là "lá mặt lá trái" giữa các bên tham gia xung đột, mà theo lời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Lavrov miêu tả cách tiếp cận của Nga là "không đặt cược vào bất kỳ phe nào".
Chính sách nói trên có thể nói là chỉ nhằm mục đích giữ cho Nga có lợi nhất và giữa được kết nối với bối cảnh Libya tương lai.
Không giống như các cường quốc khác đã thiết lập quan hệ đối tác với các lực lượng địa phương, Kremlin có rất ít lợi thế và không có nhiều khác biệt để có thể so sánh với các "kẻ thao túng" khác.
Thông điệp khó hiểu của giới lãnh đạo Nga phản ánh cách tiếp cận đối với Libya của chính phủ Nga không đồng bộ cũng như thiếu kế hoạch tập trung dài hạn cho Libya.
Các cơ quan Nga đang can thiệp vào Libya bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Nhóm Liên lạc Hòa giải Nội bộ Libya. Tất cả đều đi theo một định hướng thận trọng về Libya, dựa trên các tín hiệu hạn chế mà họ nhận được từ Điện Kremlin.
Điểm mấu chốt là cho đến nay, không có chính sách về Libya nào được Nga đưa ra mặc dù có một sự am hiểu rất rõ ràng về những việc nên làm và không nên đối với Libya.
Bản đồ toàn cảnh Libya hôm 5/5 (Nguồn South Front).
"Vết thương rỉ máu" của Nga và sự khó ăn khó nói của Nga với các "đồng minh"
Khi cuộc tấn công của Quân đội Quốc gia Libya (LNA) vào Tripoli diễn ra vào đầu tháng 4, các nhà ngoại giao Nga đã liên lạc với cả hai bên trong cuộc xung đột.
Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov đã nói chuyện cùng lúc với Tướng Khalifa Haftar và Ahmed Maiteeq, thành viên Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) tại Tripoli và bày tỏ cam kết của Nga đối với tiến trình chính trị của Phái bộ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Libya.
Cảnh báo của Lavrov đối với việc sử dụng máy bay chiến đấu chống lại LNA là đáng chú ý ở chỗ nó biểu hiện hoàn hảo "nỗi đau đớn" mà Nga phải gánh chịu vào năm 2011 vì đã để phương Tây quyết định cách mà cuộc xung đột Libya diễn ra.
Vết thương địa chính trị này vẫn còn đang "rỉ máu" và ám ảnh các nhà hoạch định chính sách Nga cho đến ngày nay. Không kích nhằm vào LNA tại Tripoli có thể được định nghĩa tương đồng với việc NATO không kích lực lượng mà Nga coi là hợp pháp.
Giả thiết này ngày càng được củng cố bởi thông tin Bộ Tư lệnh Châu Phi của Hoa Kỳ (AFRICOM) và CIA đang có sự hiện diện tích cực ở khu vực chống LNA tại Janzour và Misrata là những "kẻ giật dây" cho các cuộc không kích này.
Theo hợp đồng được ký bởi Đại học Misrata với các phi công "chuyên gia" năm 2017, các phi công sẽ tham gia huấn luyên cho lực lượng trung thành với GNA. Động thái này được coi là hợp thức hóa việc lính đánh thuê tham chiến ở Libya.
Vết thương vẫn còn chảy máu nói trên mang theo sự sỉ nhục năm 2011 giải thích tại sao các quan chức Nga, bao gồm cả ông Lavrov tiếp tục đổ lỗi do chiến dịch không kích của NATO là lý do để xảy ra xung đột ở Tripoli hiện tại.
Tuy nhiên, vị thế của Nga vào thời điểm đó cũng không thể thay đổi được gì trên mặt đất. Các vấn đề hiện tại ở Libya phần lớn bắt nguồn từ chính sách điên rồ của Moammar Gadhafi trong việc phân chia xã hội và làm "mục ruỗng" các thể chế nhà nước ở Libya.
Các liên minh khu vực của Nga tiếp tục phủ thêm một lớp "phức tạp" vào Libya. Phát biểu tại Cairo của ông Lavrov được cho là rõ ràng lưu tâm đến liên minh của Ai Cập với Haftar.
Libya đã nằm trong chương trình nghị sự giữa hai nước nhưng không đủ ý nghĩa để Nga mạo hiểm liên minh với Ai Cập mặc dù chính quyền của ông Putin là nhà tài trợ chính cho nước này kể từ khi chính quyền Obama cắt viện trợ quân sự cho Cairo vào tháng 10/2013.
Theo sau Ai Cập là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi coi Libya là một mặt trận quan trọng chống lại tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.
Cả hai quốc gia Vùng vịnh này đã có các động thái xích lại gần với Nga bằng những lời hứa đầu tư trong bối cảnh Syria vẫn đang tiếp tục phức tạp.
Ở một phía khác của "cuộc chơi" là Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga ở Trung Đông.
Sự tham gia của Ankara vào cuộc xung đột đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, thì sự thất bại của GNA và Misrata sẽ giáng một đòn đáng kể vào ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ở Bắc Phi.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ông Erdogan phải liên lạc với ông Putin vào ngày 30/4 để thảo luận về Libya.
Ngay cả khi Nga không ngồi vào vị trí người điều khiển tình hình ở Libya như đã diễn ra ở Syria thì họ vẫn có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC).
Đây được coi là điểm then chốt trong các cuộc tranh luận gần đây về Libya sau cánh cửa đóng kín của Hội đồng Bảo an.
Hiện trường chiếc Mirage F1 của GNA bị LNA bắn rơi hôm 7/5.
Tướng Haftar chỉ lợi dụng, Nga đối mặt với "tương lai tay trắng" nếu LNA chiến thắng
Moscow hiện tại vẫn coi LNA là hợp pháp. Một nguồn tin hoạch định chính sách của Nga về Libya nói rằng Kremlin thấy các tổ chức quyền lực của khu vực phía đông Cyrenaica (Chính phủ Tobruk và LNA) là hợp pháp hơn so với GNA do quốc tế áp đặt.
Theo nguồn tin này, Moscow cũng rất coi trọng thực tế là không giống như các nhóm liên kết với GNA, LNA không phân biệt đối xử với những người ủng hộ Gaddafi trước đây.
LNA cho phép họ phục vụ trong lực lượng và do đó được hưởng sự hậu thuẫn từ cử tri ủng hộ Gadhafi ở hai khu vực Tripoli và Fezzan.
Do đó, không phải cá nhân Haftar thu hút nước Nga mà thay vào đó là LNA với tư cách là một đội quân chính quy còn trong trứng nước của Libya.
Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở miền Đông Libya thì Nga đã quyết định in các đồng dinar Libya cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Tobruk có trụ sở chính tại Benghazi.
Động thái này cũng là một trong những lý do khiến chiến dịch quân sự của Tướng Haftar ở khu vực Fezzan thành công.
Bất chấp sự sẵn sàng của Nga để cung cấp vỏ bọc cho Haftar, bản thân cách cư xử của ông này lại là lý do tại sao trong vài năm qua, Moscow đã xa cách ông ta.
Haftar đã liên tục sử dụng Nga như một con "ngáo ộp" để giành được sự hỗ trợ của các chính trị gia ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Các nguồn tin ở Moscow cũng cho biết việc triển khai các đơn vị lính đánh thuê Wagner cũng như triển khai xe tăng và hệ thống phòng không S-300 của Nga tới đông Libya đều bị rò rỉ tới Truyền thông phương Tây.
Các vị trí được cho là căn cứ ngầm của Nga ở trong khu vực LNA kiểm soát tại miền đông Libya với các hệ thống tên lửa tấn công Kalibr và phòng không S-300.
Việc này có thể hiểu là động tác để định hướng đem lại sự sợ hãi cho các quan chức phương Tây và khiến họ quay sang hỗ trợ LNA.
Chiến dịch Tripoli không làm thay đổi quan điểm của Nga về Haftar. LNA vẫn được coi là một lực lượng hợp pháp và Haftar vẫn được coi là một phần của giải pháp hòa bình và tương lai của Libya.
Điều tiếp tục định hình cách tiếp cận của Nga với vị Tướng này là nỗi sợ mất kết nối trong bối cảnh Haftar mở rộng toàn bộ máy quan liêu ở khu vực phía Đông Cyrenaica.
Đây là lý do tại sao các thủ thuật ngoại giao của Nga để hỗ trợ LNA lúc này chỉ mang tính biểu tượng, như ngăn chặn tuyên bố chung của Hội đồng bảo an LHQ lên án Haftar.
Nga không có lợi ích gì khi công khai đứng về phía GNA, nhưng họ sẽ sẵn sàng triển khai các hoạt động ngoại giao để LNA không bị sụp đổ vì điều đó sẽ phá hỏng cuộc đối đầu Đông-Tây ở quốc gia này.
Nhưng thực tế là người Nga cũng không mong muốn LNA sẽ giành chiến thắng cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của GNA ở Tripoli.
Theo nguồn tin của Nga, vị tướng này cũng đã ký nhiều thỏa thuận không chính thức với những quốc gia ủng hộ ông, bao gồm UAE, Pháp và Hoa Kỳ về lợi ích kinh tế và chính trị cụ thể mà họ có thể nhận được từ quốc gia Libya dưới sự cai trị của Haftar.
Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào hướng tới Nga, đặc biệt là trong ngành công nghiệp năng lượng mà Moscow coi là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Haftar đang theo đuổi một con cá lớn hơn: Nếu ông thiết lập quyền kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia thì Moscow sẽ khó trở thành đối tác năng lượng ông ta.
Yury Barmin là nhà phân tích chính sách đối ngoại, chuyên gia về MENA (Trung Đông và Bắc Phi) tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga. Ông có bằng Thạc sĩ về quan hệ quốc tế của Đại học Cambridge.
Giao tranh tại Tripoli đêm ngày 7/5 nhìn từ phía lực lượng LNA.
No comments:
Post a Comment