Không dùng phương thức nổ chùm mảnh định hướng như truyền thống, mà lại sử dụng nguyên tắc xuyên phá động năng; đạn tên lửa đánh chặn có tốc bay đạt tới Mach 4, đó là những điểm đặc biệt có thể nhận ra ở Starstreak.
Hệ thống vũ khí phức tạp…
Theo các thông tin công khai, hệ thống MANPADS Starstreak được Quân đội Anh phát triển từ những năm 1980 với mong muốn vũ khí phòng không mới phải có kháng nhiễu tốt, tốc độ đạn đánh chặn cao và đặc biệt là kết cấu gọn nhẹ có thể sử dụng trên nhiều phương tiện tác chiến khác nhau.
Chương trình phát triển MANPADS Starstreak được BAE Systems thực hiện với tên mã chương trình Thunderbolt HVM. Hệ thống Starstreak đầu tiên được chấp nhận vào trang bị Quân đội Anh tháng 9-1997. Chúng đóng vai trò thay thế cho tổ hợp phòng không vác vai Javelin cũ.
Khác biệt của Starstreak so với các MANPADS truyền thống là sử dụng cơ cấu dẫn đường bán chủ động bám chùm laser thay vì hệ thống dẫn đường ảnh nhiệt chủ động truyền thống. Điều này làm cơ cấu phóng của hệ thống phức tạp hơn nhiều so với truyền thống.
Hệ thống dẫn bắn của Starstreak làm việc dựa trên 2 chùm tia laser chiếu tới mục tiêu. Đạn tên lửa bám theo chùm laser chiếu xạ để tự hiệu chỉnh quỹ đạo bay tấn công mục tiêu.
Một điểm khác biệt lớn nữa của Starstreak là cơ chế dẫn đường bám chùm laser cần duy trì chế độ dẫn tới khi đạn tên lửa đánh trúng mục tiêu, thay vì "bắn và quên" như đầu dò ảnh nhiệt truyền thống, bởi vậy, kíp trắc thủ của Starstreak cần có kỹ năng thành thạo và đào tạo sâu hơn.
Ngoài ra, do sử dụng cơ cấu dẫn đường laser, Starstreak rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường như khói bụi, mây mù. Những yếu tố này có thể gây nhiễu loạn chùm laser dẫn bắn ảnh hưởng tới độ chính xác của đạn tên lửa đánh chặn.
Cùng với đó, nếu phương tiện bay của đối phương có trang bị hệ thống cảm biến laser thì hiệu quả đánh chặn của Starstreak cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Để đạt được tốc độ đánh chặn cao, kết cấu đạn đánh chặn của Starstreak cũng rất phức tạp với 2 tầng phóng. Với cơ cấu hệ thống phóng nhỏ gọn để mang vác trên vai người lính, bất kỳ va chạm nào cũng có thể gây ảnh hưởng tới kết cấu đạn, nhất là trong điều kiện dã chiến.
Starstreak gắn trên xe chiến thuật hạng nhẹ Pinzgauer
… nhưng có nhiều điểm độc đáo
Điểm độc đáo nhất có thể thấy rõ là hệ thống Starstreak sử dụng cơ chế đánh chặn đặc biệt kết hợp giữa xuyên phá động nặng và nổ phá mạnh. Cụ thể, Starstreak không dùng đạn tên lửa nổ phá mảnh định hướng thông thường mà sử dụng 3 đạn con được làm bằng hợp kim Vonfram có tỷ khối cao.
Khi tiếp cận mục tiêu ở tốc độ cao, 3 đạn con với tên gọi "phi tiêu" nặng 900 gram, được giải phóng và sử dụng động năng sẵn có xuyên thẳng vào mục tiêu rồi mới kích nổ đầu đạn mang theo để phá hủy mục tiêu.
Phương thức đánh chặn này cho phép Starstreak có thể tiêu diệt được các mục tiêu bay bọc giáp.
Trong các bài thử nghiệm, đạn đánh chặn của Starstreak giải phóng các đạn con cách mục tiêu khoảng 1,5m và xé nát chúng bằng động năng và các vụ nổ sau đó.
Năng lượng do các đạn con tạo ra tương đương với đạn pháo 40mm va chạm vào mục tiêu.
Một điểm đặc biệt khác của Starstreak là đạn tên lửa đánh chặn có thể đạt tốc độ bay tới Mach 4 (gấp 4 lần tốc độ âm thanh), nhanh hơn bất kỳ đạn tên lửa MANPADS nào có trên thế giới hiện nay.
Ở gói nâng cấp mới nhất, đạn tên lửa của Starstreak có tầm bắn tới 7 km, trần cao lên tới 5 km và khả năng cơ động vượt qua mốc 9G. Nhờ tốc độ cao, một khi tên lửa đánh chặn của Starstreak rời bệ phóng, mục tiêu gần như không còn thời gian phản ứng.
Như vậy, hệ thống Starstreak có thể coi là vũ khí phòng không tầm thấp đặc biệt với nhiều đặc điểm không thể tìm thấy trên bất kỳ hệ thống MANPADS nào khác trên thế giới và mang đậm chất Anh quốc là cầu kỳ, phức tạp, nhưng hiệu quả.
Hệ thống tên lửa phòng không vác vai tầm thấp Starstreak của Anh
No comments:
Post a Comment