Sau khi cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu bị cáo buộc là nơi sản xuất hay cất trữ vũ khí hóa học của Quân đội Syria kết thúc, gần như ngay lập tức đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận chưa đi tới hồi kết về kết quả đạt được của trận không kích trên.
Phía Mỹ tuyên bố rằng toàn bộ các tên lửa hành trình phóng đi đều trúng đích, đạt tỷ lệ 100%, thậm chí phòng không Syria còn bị đánh lạc hướng bởi các biện pháp nghi binh và gây nhiễu điện tử, dẫn đến việc tên lửa tiếp tục phóng lên trời sau khi trận oanh kích kết thúc và dĩ nhiên là không gây được bất cứ thiệt hại nào cho họ.
Ở bên đối địch, Syria cho biết họ đã bắn hạ tới 71 tên lửa các loại (bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk , AGM-158 JASSM, Scalp EG/Storm Shadows), đạt tỷ lệ 2/3, trong đó nhiều tại vị trí xác suất đánh chặn lên tới 100%.
Như để chứng minh hiệu quả vũ khí của liên quân không như kỳ vọng, hình ảnh Trung tâm nghiên cứu Barzah đã được mang ra phân tích. Nhiều ý kiến cho rằng để hủy diệt công trình này không cần tới số lượng tên lửa lớn như vậy, con số 76 quả đạn dành cho mục tiêu này chỉ nhằm che giấu việc tên lửa hành trình bị vô hiệu hóa mà thôi. Nhận định trên liệu có chính xác?
Trung tâm nghiên cứu Barzah trước khi hứng chịu không kích
Theo hình ảnh mô tả lại, Trung tâm nghiên cứu Barzah bao gồm 3 tòa nhà cao tầng bị coi là mục tiêu của trận không kích bằng tên lửa. Đây là cụm công trình khá đồ sộ và rất kiên cố, chưa kể còn có thể bao gồm cả hệ thống hầm ngầm phía dưới, chẳng thể nào đánh sập đơn giản chỉ bằng vài quả đạn (thậm chí 10 - 20 quả Tomahawk) mang 450 kg thuốc nổ như vẫn tưởng.
Một khả năng được nhắc tới đó là có nhiều tên lửa đã đi trượt mục tiêu vì dính phải biện pháp đối phó điện tử của Syria, điều này là rất khó vì hệ dẫn đường chủ chốt của Tomahawk hay Storm Shadows là một hệ kín, tham chiếu qua vệ tinh chỉ để tham khảo, có cắt được kênh dẫn đường này bằng Krasukha-4 cũng chỉ làm nó kém chính xác hơn mà thôi.
Tuy nhiên hình ảnh sau trận oanh tạc cho thấy rõ nét ngoài 3 tòa nhà mục tiêu bị đánh dấu, các công trình lân cận hoàn toàn nguyên vẹn, không có dấu hiệu chứng minh Tomahawk bay lệch ra ngoài, như vậy toàn bộ tên lửa đã bắn chính xác.
Trung tâm nghiên cứu Barzah gần như đã bị san phẳng
Giả thiết tiếp theo là Tomahawk, Storm Shadows bị phòng không Syria bắn rơi hay vướng phải biện pháp ngụy trang nào đó, khiến nó rơi dọc đường hoặc mất đối tượng rồi sau đó phải bật chế độ tự hủy.
Nếu khả năng này xảy ra thì chắc chắn các mảnh vỡ của tên lửa phải rơi vãi rất nhiều ở xung quanh khu vực bị tấn công. Nhưng hiện tại cũng chưa thấy có bất cứ hình ảnh nào chứng minh suy đoán này. Một quả tên lửa mang đầu đạn lớn đi kèm lượng nhiên liệu tồn dư sẽ gây ra vụ cháy nổ kinh hoàng dưới mặt đất chứ chẳng thể nào biến mất như một mũi kim.
Tóm lại, vào thời điểm này vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy việc Mỹ và đồng minh thông báo "dành tặng" tới hàng chục quả tên lửa cho một cụm công trình là biện pháp che giấu việc Tomahawk bị bắn hạ như một số ý kiến đã nêu ra. Sẽ cần thêm thời gian để đưa ra được một kết luận chính xác và rõ ràng hơn.
Hình ảnh mục tiêu trên đất Syria bị phá hủy sau khi trúng tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân
No comments:
Post a Comment