Phi công Pháp "bắn hạ" F-22
Các bằng chứng trong quá khứ có vẻ đã xác nhận rằng phi công chiến đấu của Pháp từng một lần "bắn hạ" tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ trong trận chiến giả định.
Theo nhà phân tích David Axe, mặc dù không phải là chưa từng xảy ra nhưng cú bắn hạ giả định này vẫn là một vấn đề lớn đối với Mỹ, vì một số lý do.
Thứ nhất, tiêm kích F-22 (do Lockheed Martin chế tạo) được cho là mẫu máy bay chiến đấu đáng gờm nhất trong lịch sử, một cỗ máy "độc nhất vô nhị" với khả năng bay cao hơn và xa hơn đối thủ, trong khi có thể tránh bị radar đối phương phát hiện.
Lầu Năm Góc đang dựa vào số lượng nhỏ các máy bay Raptor (khoảng hơn 180 chiếc) để đối phó với những đối thủ có lực lượng máy bay hùng hậu trong tương lai gần.
Vì thế, mọi sự thất bại của F-22 trong các cuộc không chiến giả định đều sẽ làm suy yếu kế hoạch thống trị bầu trời của Lầu Năm Góc.
F-22 đã thất bại trước Rafale
Thứ hai, năng lực chiến đấu của Pháp không được giới quân sự bên ngoài đánh giá cao. Do đó, việc một phi công Pháp có thể đánh bại F-22 đã làm bộc lộ hàng loạt hạn chế của Raptor và khẳng định khả năng không chiến của Pháp sau 7 thập kỷ kể từ khi Paris đầu hàng Đức Quố xã.
Pháp giành chiến thắng trước F-22 vào tháng 11/2009. Một đội F-22 từ Không đoàn máy bay chiến đấu số 1 của Không quân Mỹ tại Virginia đã bay tới Al Dhafra (UAE) để tham gia đợt huấn luyện với các tiêm kích Rafale (Pháp) và Typhoon (Anh).
Trong tháng tiếp theo, Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố đoạn một đoạn video ghi lại từ camera phía trước của chiếc Rafale, trong đó một chiếc F-22 đang rơi vào vị trí không chiến bất lợi, ám chí tiêm kích Pháp đã thắng ít nhất 1 trận trong cuộc chiến giả định này.
Song, các phi công Mỹ lại phủ nhận việc máy bay của họ bị người Pháp đánh bại trong cuộc tập trận tháng 11 năm ấy, bởi trên thực tế F-22 đã "bắn hạ" Rafale trong 6 trận một-chọi-một.
5 trận không chiến giả định khác đã kết thúc với kết quả hòa. Các phi công Mỹ chỉ thua đúng 1 lần. Khi ấy, F-22 đã bị chiếc Mirage-2000, do phi công Emirati điều khiển, đánh bại.
Thế nhưng, đoạn video do một website của Pháp đăng tải ngày 18/6/2013 (bên dưới) đã chứng minh Mỹ đang "nói dối", hoặc chí ít là "thiếu chính xác".
Rafale "đối đầu" F-22
Đoạn video ghi lại từ camera của chiếc Rafale cho thấy rõ ràng rằng, tiêm kích của Pháp đã cơ động vào vị trí thuận lợi để bắn tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại Mica nhằm vào F-22.
Nói một cách công bằng thì chúng ta chưa rõ bối cảnh của tình huống này như thế nào. Cũng có khả năng F-22 chủ đích di chuyển chậm hơn và thấp hơn để tiêm kích Rafale của Pháp chiếm ưu thế theo đúng mục đích của bài huấn luyện đề ra.
Tuy nhiên, đoạn video cho thấy Rafale – mẫu máy bay cũ kỹ và kém tinh vi hơn nhiều so với F-22 – vẫn không thua gì Raptor khi cơ động ở vận tốc thấp trong quá trình không chiến tầm gần.
F-22 gặp bất lợi lớn khi cận chiến.
Những "thất bại" cay đắng với Raptor
Ngay cả trước khi phi công Emirati và phi công Pháp giành chiến thắng năm 2009, người Mỹ đã biết F-22 có thể bị đánh bại, mặc dù họ hiếm khi đề cập tới điều khó chịu này.
Trong cuộc tập trận đường không quy mô lớn đầu tiên của Raptor năm 2006, một chếc F-16 có từ những năm 1980 đã tiêu diệt được một chiếc F-22.
Tiêm kích Growler, được thiết kế để gây nhiễu radar đối phương, cũng lặp lại chiến thắng này trong hai năm 2008 và 2009.
"Dù F-22 có tuyệt diệu đến đâu thì bất cứ phi công nào cũng có thể mắc sai lầm" – Trung tá Dirk Smith, một chỉ huy phi đoàn Raptor nói.
Cuộc tập trận năm 2009 có lẽ không phải lần cuối cùng Raptor nhận kết quả cay đắng. Tháng 6/2012, một nhóm phi công Đức (cũng sử dụng các máy bay Typhoon mới được nâng cấp như Không quân Anh) đã tìm ra chiến thuật hoàn hảo nhất để bắn hạ F-22.
8 lần trong suốt cuộc trập trận kéo dài 2 tuần tại Alaska, các tiêm kích Typhoon của Đức đã "đối đầu" một-chọi-một với F-22 trong các cuộc không chiến tầm gần giả định.
Thiếu tá Marc Gruene của Đức cho biết, mấu chốt là tiếp cận F-22 càng gần càng tốt. Raptor có ưu thế vượt trội khi chiến đấu bên ngoài tầm nhìn nhờ tốc độ và độ cao bay, công nghệ radar tiên tiến, cũng như tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, khi không chiến tầm gần và với nhịp độ chậm hơn thì F-22 gặp bất lợi lớn.
Dù là chiếc F-16 đã 30 năm tuổi, một chiếc máy bay gây nhiễu hay tiêm kích Rafale những năm 1990 (và do phi công Pháp điều khiển) đều có thể đánh bại F-22.
Vì thế, mối lo ngại ở đây chính là Nga, Trung Quốc và các máy bay đối thủ khác cũng sẽ chẳng cần lo sợ gì về mẫu máy bay chiến đấu chủ lực của Mỹ nữa.
No comments:
Post a Comment