Bến Hét ở đâu?
Trên bản đồ Đông Dương có một vị trí khá đặc biệt được gọi là Ngã ba biên giới. Đó là nơi biên giới 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia gặp nhau. Nơi "con gà gáy cả ba nước nghe tiếng". Đây cũng là nơi giao nhau của con đường 14 đi dọc cao nguyên với đường 18 sang Campuchia.
Trong chiến tranh Việt Nam, đây là một địa điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Do địa hình Nam Trường Sơn cực kỳ hiểm trở nên tuyến đường tiếp vận chủ yếu từ bắc vào Nam đều chạy bên đất Lào và Campuchia. Khi đến đây sẽ quặt sang đất Việt để tiếp tế cho các mặt trận B3 và B1.
Với mục đích giám sát và ngăn ngừa sự xâm nhập của QGP từ đường mòn Hồ Chí Minh vào miền Nam Việt Nam, năm 1960 Mỹ đã cho xây dựng Trại lực lượng đặc biệt Bến Hét hay còn gọi là tiền đồn Bến Hét tại khu vực có ý nghĩa chiến lược này.
Tiền đồn Bến Hét nằm ở phía Tây Bắc Kontum, cách Đắk Tô 13 Km hướng Tây Bắc, gần giáp ranh Ngã 3 Biên Giới Việt Nam - Lào – Campuchia, còn được gọi là cứ điểm Plei Cần (nay thuộc địa phận thị trấn Plei Cần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum).
Trại Bến Hét được phân bổ thành 3 cụm với Đồi Bắc, Đồi Trung Tâm và Đồi Tây. Trung tâm trại có công sự chiến đấu tương đối vững chắc. Xung quanh có hàng rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc. Phía Nam trại có 1 sân bay nhỏ.
Lực lượng đồn trú tại Trại Bến Hét khoảng 1 tiểu đoàn, bao gồm nhóm A-244 của biệt đội 5 thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ (biệt kích) cùng với lực lượng Dân Sự Chiến Đấu CIDG người Thượng. Ngoài ra, tại đây còn có một số binh sĩ Biệt Động Quân người Việt tham gia trấn giữ.
Lực lượng đặc biệt của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo cường độ ác liệt ngày càng tăng của chiến tranh Việt Nam và tầm quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã tăng cường mạnh cho tiền đồn Bến Hét, trong đó có 1 chi đội (5 chiếc) xe tăng M48 do đại úy John Stovall chỉ huy (Đại đội B, Tiểu Đoàn 1).
Do vị trí Bến Hét như vậy nên thường xuyên xảy ra đụng độ. Một binh sĩ Mỹ đã mô tả: "Một nơi thử thách giữa bụi bặm và cái chết. Ban đêm ở tiền đồn Bến Hét là 1 nơi tuyệt đẹp lẫn kinh khủng.
Thậm chí Dali, Goya, Bach, The Beatles, Hemingway và Zanuck cũng không thể hiểu nổi. Ánh sáng lóe lên khắp bầu trời, các vệt đạn bắn vạch những đường sáng. Máy bay lượn vòng trên đầu và bắn từng tràng đạn sáng rực vào vị trí kẻ địch".
Đại đội xe tăng 16 - Đơn vị xe tăng đầu tiên của Mặt trận B3
Sau chiến thắng trận đầu ở Tà Mây- Làng Vây, vai trò lực lượng đột kích quan trọng của xe tăng trên chiến trường miền Nam được khẳng định. Bộ Tổng tư lệnh quyết định điều động 1 đơn vị xe tăng vào chiến trường Tây Nguyên.
Đơn vị được lựa chọn đi làm nhiệm vụ đó là Đại đội XT16 thuộc Tiểu đoàn 177, Trung đoàn 202 đang làm nhiệm vụ ở vùng giáp ranh Vĩnh Linh - Quảng Bình, trang bị 11 xe tăng bơi PT-76 và do đại đội trưởng Võ Bá Linh chỉ huy.
Xe tăng bơi PT-76. Ảnh QPVN.
Ngày 13.3.1968, Đại đội XT16 bắt đầu cuộc hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau hơn 1 tháng hành quân, vượt mọi khó khăn gian khổ và sự ngăn chặn của không quân Mỹ đại đội đã có mặt tại vị trí tập kết ở khu vực Ngã ba biên giới và trở thành đơn vị xe tăng đầu tiên có mặt tại chiến trường B3.
Để chống lại các phương tiện trinh sát hiện đại và các trận oanh tạc của không quân Mỹ, đơn vị đã tổ chức đào hầm, ngụy trang xe và làm tốt công tác phòng gian giữ bí mật, đồng thời củng cố sửa chữa trang bị vũ khí để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Đến trận đấu tăng duy nhất giữa lính xe tăng Mỹ và lính xe tăng QGP
Đầu tháng 3 năm 1969, Đại đội XT 16 nhận nhiệm vụ tham gia tiến công căn cứ Bến Hét. Theo lời kể của các chiến sĩ tham gia trận đánh thì do vị trí Bến Hét rất biệt lập, nằm sâu trong vùng ta kiểm soát nên Bộ Tư lệnh mặt trận muốn sử dụng xe tăng để uy hiếp buộc địch phải rút bỏ.
Có lẽ đó chỉ là một trận tập kích hỏa lực thì đúng hơn vì cuốn Lịch sử Quân đoàn III cho biết: "Đêm 3.3, ta sử dụng 4 xe PT76, pháo 85mm, súng cối tiến công Pleicần (Bến Hét)" mà không nhắc gì đến các lực lượng BB tham gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ thì dường như phía QGP không biết trong căn cứ Bến Hét có xe tăng M48 nên đã đưa xe tăng PT-76 vào tham chiến. Vô hình trung, điều đó đã tạo điều kiện để diễn ra trận đấu tăng duy nhất giữa lính XT Mỹ với lính XT QGP.
Xe tăng M48
Phía Mỹ ghi nhận: Ngày 3.3.1969, đã diễn ra cuộc đấu xe tăng đầu tiên giữa quân Mỹ và Quân Giải Phóng khi QGP được hỗ trợ bởi 10 chiếc xe bọc thép PT-76 và xe tăng T-54 đã tấn công trại.
Tuy nhiên số liệu trên không chính xác. Thực tế, trong trận này về phía QGP chỉ có 4 xe tăng PT-76 tham gia và chủ yếu dùng hỏa lực từ ngoài bắn vào trong cứ điểm mà thôi.
Diễn biến trận đánh: khi tiếp cận trận địa, 1 chiếc PT-76 cán phải mìn sáng và bốc cháy. Tiếng nổ đồng thời báo động cả trại.
Xe bị cháy soi sáng cả những chiếc còn lại. 1 xe tăng PT-76 bắn trúng pháo tháp chiếc xe tăng M-48 Patton, giết chết 2 lính Mỹ và bị thương những người còn lại. Các xe tăng M-48 khác bắn trả và cũng làm cháy 1 chiếc PT-76.
Trận đấu tiếp diễn dữ dội, máy bay gunship AC-47 "Spooky" đến hỗ trợ và xả đạn liên tục. Các máy bay khác đến oanh tạc chung quanh để yểm trợ". Sau hơn 1 giờ giao tranh, phía QGP đã rút lui.
Đây chính là trận đấu tăng duy nhất giữa lính XT Mỹ với lính XT QGP bởi sau đó Mỹ rút dần lục quân, bàn giao lại trang bị cho VNCH.
Mặc dù hỏa lực kém hơn - pháo 76 mm so với 90 mm và không có thiết bị nhìn đêm, các xe tăng PT-76 vẫn loại khỏi vòng chiến đấu 1 xe M48 và làm 2 lính XT Mỹ chết, 2 bị thương. Về phía QGP tổn thất 2 xe: 1 xe bị mìn, 1 xe bị trúng đạn pháo của M48.
No comments:
Post a Comment