Trang mạng xã hội Facebook về quân sự của Myanmar mới đây đã tiết lộ hình ảnh loại vũ khí hạng nặng "mới" nghi do quân đội nước này chế tạo. Hiện người ta chưa thể xếp nó vào phương tiện gì nhưng trông giống với xe tăng hạng nhẹ hoặc pháo tự hành.
Quan sát bên ngoài, phương tiện tạm gọi là xe tăng mới của Quân đội Myanmar dường như được chế tạo trên cơ sở lai ghép nhiều thành phần từ các hệ thống vũ khí có trong biên chế.
Cụ thể, phần khung bệ trông khá giống với dòng xe thiết giáp chở quân đa năng MT-LB. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ thì bánh chịu nặng của chiếc xe tăng "lạ" tới 7 chiếc trong khi khung bệ MT-LB chỉ 6.
Do đó, xem ra xe tăng của Myanmar sử dụng khung bệ dòng xe thiết giáp đa năng MT-LBu với 7 bánh chịu nặng hai bên, chiều cao thân tăng lên 40cm với động cơ mạnh hơn.
Về hỏa lực, xe tăng "không chứng minh thư" dùng tháp pháo giống với kiểu lắp trên pháo tự hành chống tăng PTL-02 do Tổng Công ty Công nghiệp Hoa Bắc (Trung Quốc) sản xuất mà Myanmar đang có trang bị.
Cho nên, không loại trừ khả năng Myanmar "tạm tháo" một tháp pháo từ các xe PTL-02 của mình để tạo thành dòng vũ khí hạng nặng mới.
Theo thiết kế, tháp pháo PTL-02 trang bị khẩu pháo nòng trơn 100mm với 30 viên đạn cùng hệ thống điều khiển hỏa lực trung bình.
Ngoài ra, hai bên tháp pháo có giá lắp 4x2 ống phóng lựu đạn khói, trên nóc không có sự hiện diện của súng máy hạng nặng 12,7mm.
Pháo tự hành chống tăng PTL-02 của Quân đội Myanmar.
Có điều lạ Myanmar được cho là chưa bao giờ mua dòng MT-LB từ Nga hay Liên Xô, nhiều khả năng có thể họ có được qua ngả Ukraine.
Bởi hiện Myanmar và Ukraine có quan hệ hợp tác kỹ thuật - quân sự hợp tác khá tốt.
Trước đây từng có báo cáo của Cơ quan quản lý xuất nhập khẩu vũ khí Ukrspecexport, Ukroboronprom đã ký thỏa thuận liên doanh với Myanmar xây dựng nhà máy lắp ráp xe thiết giáp tại đây.
Nhà máy này sẽ thực hiện lắp xe thiết giáp BTR-4U 8x8 bánh, pháo tự hành 2S1U 122mm (phiên bản cải tiến pháo 2S1 Gvozdika của Ukraine).
Dự kiến, dây chuyền vũ khí sẽ hoạt động vào giữa năm 2020.
Mà pháo tự hành 2S1U vốn dùng khung thân MT-LBu, do đó cũng có thể Myanmar đã "thửa" một hoặc nhiều khung gầm để tạo nên phương tiện chiến đấu mới.
Tạm chưa bình luận tới việc liệu phải xếp mẫu vũ khí mới của Myanmar vào tăng hay pháo, tuy nhiên nếu như nước này thật sự tự chế tạo được nó thì quả thật đây tiếp tục là bước đột phá đáng ngưỡng mộ của công nghiệp quốc phòng (CNQP) nội địa nước này.
Mặc dù là quốc gia "bí ẩn về năng lực công nghiệp quốc phòng" ở Đông Nam Á, nhưng căn cứ vào hình ảnh tập trận hay duyệt binh thì phải nói rằng CNQP Myanmar đứng hàng đầu khu vực.
Họ có thể vẫn phải mua pháo, tên lửa, nhưng việc tự đóng được tàu chiến theo thiết kế riêng, tự tích hợp khí tài tiên tiến là điều không quốc gia nào trên thế giới dễ dàng làm được.
Xem ra sau khi đạt được các tiến bộ trên biển, Quân đội Myanmar đang hướng tới tự phát triển các phương tiện mặt đất và tương lai có lẽ là cả trên không.
Video Quân đội Myanmar duyệt binh biểu dương sức mạnh.
No comments:
Post a Comment