Trong quá trình huấn luyện, thường thường người ta sẽ đề ra các tình huống sát với thực tế, có thể sẽ xảy ra trong tương lai để người học xử trí. Tuy nhiên, trong thực tế có những tình huống mà những người viết giáo trình không thể tưởng tượng ra.
Đó chính là tình huống xảy ra đối với Lữ Văn Hỏa, lái xe 386 thuộc Đại đội xe tăng 4, Lữ đoàn 203.
Nửa đêm 28 tháng 3 năm 1975, khi Đại đội xe tăng 4 đang trấn giữ ở Thuận An thì một chiếc xe Jeep phóng hết tốc lực từ phía Huế xuống, người sĩ quan tác chiến của quân đoàn truyền đạt mệnh lệnh ngắn gọn: "Đại đội 4 ngay lập tức xuất phát đi đánh Đà Nẵng".
Điều gì đã xảy ra mà ngay cả lái xe cũng không hiểu?
Đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nên chỉ ít phút sau toàn đại đội đã nổ máy lên đường. Đêm cuối tháng nhưng vẫn có trăng khá sáng và đường thì vắng nên tốc độ hành quân tương đối cao. Khi ra đến đường Một tốc độ còn cao hơn nên khi sáng rõ mặt người cả đại đội đã đến đèo Phước Tượng.
Phía nam đèo Phước Tượng là một đoạn quốc lộ 1 thẳng tắp, chất lượng mặt đường theo tiêu chuẩn Mỹ cực tốt nên cả đại đội nhanh chóng tăng tốc lên tốc độ cao nhất.
Xe 386 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận do lái xe Lữ Văn Hỏa điều khiển dẫn đầu đội hình lao đi như một mũi tên, lá cờ giải phóng treo trên an-ten đài vô tuyến điện ngả hẳn ra phía sau.
Các xe khác cũng chạy với tốc độ rất cao để giữ vững cự ly đội hình. Nếu giữ vững được tốc độ này chắc chỉ gần trưa họ sẽ đến Đà Nẵng. Nhưng một tình huống bất thường đã xảy ra...
Chiếc xe 386 đang cuốn hai vòng xích phăm phăm nuốt từng mét đường bỗng rẽ ngoặt sang trái và chúc đầu xuống một cái cống qua đường. Cái cống này có thành bằng bê tông và dưới đó là một vũng nước chừng ba chục mét vuông. Chiếc xe chúi đầu xuống vũng nước, chỉ còn hở một tý đuôi ở trên đường mà thôi.
Tình huống xảy ra quá nhanh nên dường như không ai kịp xử trí gì cả. Đại đội trưởng Thận trên cửa trưởng xe cùng pháo thủ Dênh, pháo hai Chỉnh ngồi trên nóc tháp pháo đều phi thân về phía trước.
Bộ đội xe tăng huấn luyện.
May mà vũng nước đó khá sâu nên ba anh em không sao cả chứ nếu đó là chỗ đất cứng hoặc có đá nhọn thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Hai chiến sĩ công binh đi cùng ngồi trên buồng truyền động thì nhảy xuống vệ đường và bị trẹo chân. Khi các xe sau đến nơi thì lái xe Hỏa vẫn chưa hết bàng hoàng và không hiểu điều gì đã xảy ra.
Vốn đã có nhiều kinh nghiệm cứu kéo xe nên Trung đội trưởng Mai Hồng Trị nhanh chóng điều 2 xe 380 và 381 đến và đấu cả 2 xe vào để kéo lùi xe 386. Sau chừng 10 phút loay hoay, xe 386 đã được kéo lên mặt đường.
Đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng và các lái xe xúm lại kiểm tra xe thấy không có hỏng hóc gì. Tuy nhiên, trước khi tiếp tục lên đường anh tập hợp các lái xe lại để rút kinh nghiệm.
Hãy coi chừng - phản chuyển hướng!
Căn cứ vào lời kể lại của lái xe Lữ Văn Hỏa và những dấu vết để lại, các lái xe trong đại đội đã phân tích các giả thiết của tình huống và đi đến kết luận: đây chính là hiện tượng "phản chuyển hướng" !
Đối với người ngoại đạo thuật ngữ "phản chuyển hướng" có lẽ còn khá lạ tai nhưng với cánh lái xe tăng hay xe chạy xích nói chung thì không có gì xa lạ. Nói nôm na đó là tình trạng khi kéo cần lái bên nào lẽ ra xe phải chuyển hướng về bên đó nhưng đằng này nó lại chuyển hướng về phía ngược lại.
Nguyên nhân của tình trạng này là do lực kéo do tác động bên ngoài đặt lên xe (mà cụ thể là lên từng dải xích) lớn hơn so với lực kéo của động cơ, do đó khi tách bộ phận hành động với động lực của xe thông qua động tác kéo cần lái thì băng xích bên đó lại chuyển động nhanh hơn băng xích còn lại và làm cho xe chuyển hướng về phía bên kia (ngược với bên kéo cần lái).
Vì thế "phản chuyển hướng" thường hay xảy ra khi lái xuống dốc, độ dốc càng lớn thì khả năng xảy ra "phản chuyển hướng" càng lớn.
Đối với những lái xe giàu kinh nghiệm khi lái xe trên đường dốc cũng thường chủ động lợi dụng "phản chuyển hướng" để điều khiển xe một cách rất êm ái và điệu nghệ. Đây cũng là một tình huống được nhắc đến nhiều khi lái đèo dốc.
Tuy nhiên, tình huống "phản chuyển hướng" trên đường bằng thì chưa có giáo trình nào nhắc đến. Có lẽ bởi nó khá hy hữu thì phải!
Còn sở dĩ nó xảy ra bởi vì đường quốc lộ Một đoạn Huế - Đà Nẵng được làm theo công nghệ Mỹ nên cực tốt. Mặt đường phẳng lỳ, độ cứng cao nên "lực cản lăn" rất nhỏ và đương nhiên khi chạy tốc độ cao thì quán tính rất lớn.
Khi lái xe Hỏa định chỉnh lại đường chạy cho xe anh đã kéo cần lái bên phải về vị trí phân ly. Lúc đó, băng xích bên phải bị ngắt động lực nên chuyển động theo quán tính, còn băng xích bên trái vẫn chuyển động theo lực kéo của động cơ.
Thông thường, theo thói quen khi đã kéo cần lái các lái xe đều giảm chân dầu thì tốc độ chuyển động của băng xích bên trái sẽ chậm hơn băng xích bên phải và xe sẽ chuyển hướng sang trái (ngược chiều với bên cần lái bị kéo); giảm chân dầu càng nhiều thì chuyển hướng sẽ càng gấp và gần như quay ngang ra đâm xuống lề đường.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố của xe 386. Buổi rút kinh nghiệm đến đây kết thúc và đại đội lại tiếp tục lên đường.
Vì vậy, hỡi các bạn lái xe: hãy cảnh giác! "Phản chuyển hướng" hoàn toàn có thể xảy ra trên đường bằng, và đường càng tốt càng dễ xảy ra. Đây chính là tình huống chưa có trong giáo trình huấn luyện lái!
Ghi chú: Sau này, vào ngày 25.4.1975 xe 386 bị hỏng tại nam Phan Thiết. Ban chỉ huy Lữ đoàn quyết định điều xe 843 sang để bổ sung thay thế cho 386.
No comments:
Post a Comment