Máy bay không người lái do thám siêu nhanh
Trong giai đoạn 1969-1971, Văn phòng Do thám Quốc gia Mỹ (NRO) từng triển khai các máy bay không người lái (drone) siêu nhanh tới Trung Quốc nhằm do thám chương trình hạt nhân của Bắc Kinh, mặc dù chiến dịch này đã sớm thất bại.
Hôm 21/3 vừa qua, NRO đã giải mật một loạt tài liệu từ 5 thập kỷ trước, ghi lại các giai đoạn phát triển, triển khai và lụi bại của hệ thống drone "Tagboard".
Thành phần chính của Tagboard là mẫu drone D-21 do Lockheed Martin chế tạo. Nó được làm từ titanium và có khối lượng 12 tấn, sải cánh 5,8m.
D-21 được triển khai từ một biến thể đặc biệt của A-12 (gọi là M-21) – mẫu máy bay do thám được phát triển dựa trên SR-71 dành riêng cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
D-21 tại bảo tàng Không quân Mỹ. Ảnh: Wiki
Về cơ bản, A-12 là bệ phóng cho D-21, nó bay lên độ cao hơn 24.000m và tăng tốc lên Mach 3.3 trước khi tách ra khỏi chiếc máy bay không người lái.
Từ đây, động cơ ramjet của D-21 được khởi động, cho phép nó hành trình với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh, di chuyển quãn đường lên tới gần 5.000km.
Camera Hycon HR 335 lắp dưới thân D-21 có thể chụp được 5.600 kiểu ảnh trên một diện tích rộng 26km và dài 6.200km.
Chiếc D-21 bay theo lộ trình được lập trình sẵn và chỉ duy trì liên lạc qua sóng vô tuyến với máy bay mẹ, để kíp vận hành có thể giám sát hoạt động của nó. Khi tới điểm cuối của chặng hành trình, D-21 sẽ giải phóng ra một capsule chứa cuộn phim đã chụp trước đó rồi tự hủy.
Cuộn phim này sẽ được một chiếc dù đưa xuống dưới. Theo kế hoạch thì máy bay vận tải đặc biệt JC-130 sẽ phải tóm lấy chiếc dù này giữa không trung. Nếu thất bại, Hải quân Mỹ sẽ phải vớt chiếc capsule từ dưới biển.
Trong giai đoạn cuối những năm 1960, các cơ quan quân đội và tình báo Mỹ hy vọng D-21 sẽ giúp Mỹ do thám các mục tiêu chiến lược một cách đáng tin cậy hơn so với vệ tinh, trong khi phi công không cần phải mạo hiểm.
"Hệ thống Tagboard đã cung cấp một năng lực kỹ thuật đặc biệt để đáp ứng yêu cầu dành cho các chiến dịch do thám hình ảnh nhằm vào các mục tiêu thù địch hoặc có nguy cơ đối với Mỹ" - Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đề cập trong bản ghi nhớ tháng 9/1969.
"Xét về mặt nhạy cảm chính trị đối với các chuyến bay tới một số khu vực bị cấm, như Trung Quốc, khi sử dụng hệ thống do thám có người lái, những khó khăn về kỹ thuật, cũng như các hạn chế khác trong chương trình vệ tinh, thì Tagboard đã được phát triển để thu thập thông tin tại những khu vực mà các hệ thống có người lái dễ kích động các vụ việc làm Mỹ mất mặt" – Bản ghi nhớ nêu rõ.
Tuy nhiên, đây là một hệ thống phức tạp và đắt đỏ. Hai máy bay phóng A-12 và 20 drone tiêu tốn tới 440 triệu USD (theo mệnh giá năm 2019). Một tai nạn nghiêm trọng trong tháng 7/1966 đã đột ngột chấm dứt nỗ lực kết hợp A-12 và D-21.
NRO sau đó đã bổ sung thêm một động cơ đẩy vào D-21 và tích hợp hệ thống này vào một phần nhỏ trong phi đội máy bay ném bom B-52H cải tiến.
D-21 được gắn dưới cánh một chiếc B-52. Ảnh: Wiki
Những thất bại
Tới năm 1969, D-21 đã sẵn sàng được triển khai. Trung Quốc tiến hành vụ thử nghiệm đầu đạn hạt nhân đầu tiên năm 1964. Washington đã rất tò mò về các cơ sở hạt nhân của Bắc Kinh ở nam Trung Quốc, đây là nơi mà các vệ tinh thời bấy giờ không thể giám sát được.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ cho rằng các radar Trung Quốc sẽ phát hiện ra D-21 nếu chúng tới gần. Tuy nhiên, các hệ thống tên lửa phòng không SA-2 của Bắc Kinh "được cho là không thể tạo ra mối đe dọa đối với tổ hợp Tagboard".
NRO đã giám sát 4 nhiệm vụ của D-21 tại Trung Quốc và đánh giá tất cả đều "không thành công". Nhiệm vụ thứ 3 được triển khai vào ngày 4/3/1971. Kết quả thu được có vẻ đã đại diện cho chút ít thành công của toàn bộ chương trình. Chiếc D-21 hoàn thành lộ trình do thám nhưng lại không giải phóng được an toàn capsule chứa phim.
NRO đã cố triển khai D-21 thực hiện thêm một nhiệm vụ nữa tại Trung Quốc vào ngày 20/3 cùng năm nhưng cũng thất bại.
Tới giữa năm 1971, NRO quyết định hủy bỏ toàn toàn chương trình do thám đường không Tagboard để ủng hộ phương thức thu thập thông tin tình báo bằng vệ tinh.
"Tôi ngày càng bị thuyết phục rằng, chúng tôi nên mở rộng các nỗ lực nâng cấp hoạt động vệ tinh, thay vì cố gắng duy trì phương tiện do thám đường không mới này" – Giám đốc NRO John McLucas viết trong bản ghi nhớ tháng 4/1971.
NRO đúc kết rằng, các loại drone không an toàn và không đáng tin cậy thì không còn cần thiết đối với các chiến dịch do thám chiến lược trên không.
Song, ông McLucas cho rằng chúng vẫn có thể quay trở lại trong tương lai với một nhiệm vụ khác.
Xác một chiếc D-21 trong bảo tàng của Trung Quốc. Ảnh: Wiki
Hiện các máy bay D-21 còn lại đang được trưng bày tại một số bảo tàng của Mỹ. Trung Quốc cũng thu được xác của một chiếc D-21 tự hủy và hiện đang trưng bày tại Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment