Khoảnh khắc bắt buộc phải ra quyết định "chia tay" với chiếc máy bay khi còn đang ở trên không trung luôn là điều rất khó khăn đối với bất cứ phi công nào. Rất nhiều phi công đã bỏ mạng khi cố gắng hạ cánh máy bay trong tình huống vô vọng thay vì tự cứu chính mình bằng cách nhảy dù.
Tuy nhiên, trong thời kỳ 20 - 25 năm đầu tiên khi những chiếc dù bắt đầu được sử dụng trong ngành hàng không, nếu như các phi công chỉ gặp khó khăn tâm lý khi thực hiện cú nhảy từ buồng lái một chiếc máy bay sắp đâm xuống đất, thì đến giữa Thế chiến II việc nhảy dù khỏi máy bay đôi khi trở nên bất khả thi.
Tốc độ của những chiếc máy bay trong Thế chiến II được gia tăng rất nhiều dẫn đến việc phi công thường không thể vượt qua được sức ép bên ngoài để thoát ra khỏi buồng lái, và một khi đã ra ngoài được thì lại có thể bị thương nặng do va đập vào thân hoặc đuôi máy bay.
Vì thế, vào cuối Thế chiến II, những chiếc ghế phóng đã xuất hiện với chức năng đưa kíp chiến đấu ra khỏi cabin máy bay một cách nhanh chóng và ít nguy hiểm hơn.
Trong những năm đầu tiên khi ghế phóng mới được lắp đặt lên máy bay, không phải ai cũng biết về công dụng và hình dáng thực tế của nó như thế nào. Mẫu máy bay đầu tiên được trang bị ghế phóng hàng loạt như vậy là chiếc tiêm kích đánh đêm "Heinkel" He 219 của Đức.
Đoạn video dưới đây được quay vào thập niên 40 của thế kỷ trước bởi Martin-Baker - một trong những công ty của Anh "tiên phong" trên thế giới trong lĩnh vực thiết kế ghế phóng. Phóng sự này cho thấy rõ ràng những vấn đề mà một phi công gặp phải khi đang cố gắng thoát khỏi buống lái của chiếc máy bay Spitfire.
Martin-Baker - lịch sử ghế phóng trên máy bay chiến đấu
Ở thời kỳ này, những mẫu ghế phóng và thiết bị mô phỏng đầu tiên vẫn còn rất "nguyên thủy".
Chúng không có bộ phận tự động cố định tay chân của phi công, không có khả năng tự ngắt kết nối của các thiết bị liên lạc và cũng không có thiết bị cung cấp oxy.
Quả thật, để có được thiết kế ghế phóng đảm bảo được độ tin cậy cao, hoạt động an toàn như ngày nay, các kỹ sư hàng không của nhiều quốc gia trên thế giới đã phải trải qua một chặng đường rất dài.
No comments:
Post a Comment