Trong bài viết mang tựa đề "Пентагон: Две наши новые ракеты сделают Россию покладистой - Lầu Năm Góc: Hai quả tên lửa mới của chúng ta sẽ đưa Nga "lên nóc tủ"", tác giả Vladimir Tuchkov đã đưa ra những nhận định thú vị.
Chính Mỹ cũng vi phạm Hiệp ước INF
Hãng thông tấn AP, căn cứ vào nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Mỹ, thông báo rằng chính Lầu Năm Góc đang vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước INF trước khi Mỹ ra tuyên bố về dự định đơn phương rút khỏi hiệp ước này.
Vào tháng 8 tới đây, dự kiến Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với bán kính hoạt động gần 1.000km. Vào tháng 10 sẽ thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 3.000-4.000km.
Được biết, Hiệp ước INF mà được ký kết vào năm 1987 giữa 2 Tổng thống Gorbachev và Reagan, nghiêm cấm sử dụng, triển khai, nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm các tên lửa phóng từ mặt đất mà tầm bắn có thể dao động ở khoảng cách từ 500km đến 5.500km.
Vì thế, thông tin của AP là chứng cứ không thể phủ nhận rằng trong một thời gian dài, khi các đại diện của Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và các Tổng thống Mỹ Obama cũng như Trump buộc tội Nga vi phạm Hiệp ước, các kỹ sư Mỹ đã nghiên cứu chế tạo những tên lửa bị cấm bởi Hiệp ước.
Bởi vì, trong vòng nửa năm từ thời điểm Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF cho tới lần thử nghiệm dự kiến tên lửa hành trình đầu tiên là điều không thể.
Cùng điểm lại ngắn gọn những ý kiến phản ứng của Mỹ và Nga và kéo theo một loạt các sự kiện mà kết thúc bằng việc chấm dứt sự tồn tại của Hiệp ước.
Mỹ buộc tội Nga rằng tầm bắn của quả tên lửa hành trình 9M729 trong tổ hợp tên lửa đất đối đất "Iskander" lên tới vài nghìn km, vượt hẳn tiêu chí 500km đề ra.
Nga mới công khai tên lửa hành trình 9M729.
Nga buộc tội Mỹ 3 điểm
1. Trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa của châu Âu người Mỹ sử dụng bệ phóng đa năng mà nhớ đó có thể phóng cả những tên lửa tầm trung phóng từ trên biển. Lấy ví dụ như "Tomahawk".
2. Mỹ sử dụng làm mục tiêu các tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất với tầm bắn thuộc diện bị Hiệp ước INF cấm.
3. Tại các đơn vị lục quân và không quân sử dụng những UAV tấn công có khả năng hoạt động xa nơi chúng cất cánh hơn quy định của hiệp ước.
Hồi giữa tháng 1, TT Trump thông báo về dự định rút khỏi Hiệp ước INF. Hôm 23/1 đã diễn ra cuộc họp báo ở Moscow với sự tham gia của các tuỳ viên quân sự và phóng viên quốc tế.
Tại sự kiện này Nga đã trưng bày bệ phóng và hộp phóng-vận chuyển của quả tên lửa 9M729, cũng như hé lộ một vài tính năng của nó. Các đại diện của Mỹ và những nước thành viên NATO đã từ chối đến dự.
Hôm 01/02 ông Trump thông báo về tiến trình bắt đầu rút khỏi Hiệp ước INF. Tuy nhiên Điện Kremlin nhận được đề xuất tiêu huỷ tất cả những tên lửa hành trình "không được phép" trong vòng nửa năm. Chỉ khi đó Washington mới quay trở lại Hiệp ước.
Hoàn toàn có thể hiểu hôm 2/2 ông Putin thông báo rằng Nga cũng chấm dứt sự tham gia của mình vào hiệp ước để đáp trả các hành động của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ đợi cho tới khi các đối tác của mình nhận ra là cần thực hiện một cuộc đối thoại ngang hàng, mang tính xây dựng về đề tài vô cùng quan trọng này – đối với chúng ta, đối với các đối tác của chúng ta, và cả toàn bộ thế giới", ông nói.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng Mỹ bắt đầu chuẩn bị sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Theo những thông tin không thể phủ nhận, từ tháng 6/2017 tại nhà máy của tập đoàn Raytheon ở thành phố Tyson, đã bắt đầu công tác mở rộng và nâng cấp công suất nhằm mục đích sản xuất các tên lửa bị Hiệp ước INF cấm.
Nga mới công khai tên lửa hành trình 9M729.
Trong vòng 2 năm gần đây diện tích của nhà máy sản xuất tên lửa đã tăng thêm 44%, số nhân viên tăng lên thêm 2 nghìn người.
Và bây giờ hãng thông tấn AP đã xác nhận tính đúng đắn của tuyên bố này. Tất cả đều đúng, tập đoàn Raytheon, nhà sản xuất tên lửa hàng đầu, đã từ lâu chế tạo những tên lửa đạn đạo tầm trung và hành trình – tầm ngắn.
Tuy nhiên Washington dù trong hoàn cảnh nào đều không thừa nhận điều này.
Và thêm một câu hỏi – có thể tin tưởng vào Washington, mà đã từng tuyên bố rằng dù có sản xuất tên lửa khi rút khỏi hiệp ước thì sẽ không triển khai chúng ở châu Âu trong bất cứ tình huống nào hay không?
Nga, chính xác hơn là Liên Xô đã có kinh nghiệm đáng buồn khi nhẹ dạ cả tin vào những lời hứa như thế. Vào năm 1990, TT Mikhail Gorbachev đã nhận được lời cam kết trong trường hợp rút các đơn vị quân đội Liên Xô khỏi Đông Đức và nước Đức thống nhất, NATO sẽ không mở rộng sang phía đông. Có nghĩa là tiến gần tới biên giới của Liên Xô.
Khi ban lãnh đạo NATO và Washington được nhắc tới cam kết này thì họ gọi đó là sự giả dối. Đúng là chưa bao giờ có chuyện đó.
Tuy nhiên, có hàng loạt các biên bản mà trong đó có ghi nhận những tuyên bố của các đại diện cấp cao chính quyền Mỹ và những nhà lãnh đạo NATO. Dưới đây là một số tư liệu trích dẫn.
Ngoại trưởng Mỹ James Baker nói với bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Eduard Shevarnadze: "Chúng tôi đưa ra bảo đảm đanh thép rằng các lực lượng NATO sẽ không di chuyển sang phía đông".
Ông cũng nói với TT Mikhail Gorbachev: "Liên Xô và các quốc gia châu Âu khác rất cần sự đảm bảo rằng nếu như Mỹ trong khuôn khổ NATO sẽ giữ sự hiện diện của mình tại Đức, thì sẽ không sẽ có sự mở rộng hiện diện quân sự của NATO dù chỉ một centimet tại hướng đông".
Tại cuộc họp báo diễn ra ở Moscow, Baker cũng nói điều tương tự.
Sau đó hai ngày, trong bản thông tin cho báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho đại sứ quán các nước đã ghi rõ: "Ngoại trưởng đã cho thấy rằng Mỹ ủng hộ nước Đức thống nhất tại NATO, nhưng sẵn sàng bảo đảm rằng sự hiện diện quân sự của NATO sẽ không mở rộng sang phía đông".
Tổng Thư ký NATO Manfred Werner trong bài phát biểu tại Hội đồng Liên minh: "Bản thân việc chúng ta sẵn sàng không triển khai các đơn vị của NATO bên ngoài lãnh thổ Cộng hoà Liên bang Đức mang tới cho Liên Xô sự bảo đảm trực tiếp về an ninh".
Đúng, những cam kết là phi chính thức. Nhưng trong thực tiễn hoạt động quốc tế hình thức này thường có hiệu lực như văn bản.
Và người Mỹ cũng đồng tình với điều đó. Lấy ví dụ, ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama, ông John Kerry đã công khai nói rằng, những thoả thuận không bắt buộc về mặt pháp lý giữa Liên Xô và Mỹ đã giúp xây dựng hệ thống an ninh của châu Âu trong những năm chiến tranh Lạnh diễn ra, nhờ đó mà hai cường quốc đã vượt qua được cuộc xung đột Caribe.
Nhiều khả năng, các tên lửa tầm trung của Mỹ sớm hay muộn sẽ xuất hiện ở châu Âu. Bất chấp những chính khách khôn ngoan của châu Âu rất không muốn điều đó. Nhưng đáng tiếc họ lại là số ít.
Hoàn toàn có thể hiểu rằng, trong những tình huống khó khăn Nga sẽ phải bắt tay vào việc chế tạo và sản xuất các tên lửa tầm trung. Điều mà đương nhiên phải cần có thời gian. Nhưng bên cạnh đó cũng phải tạo cơ hội cho các chính khách châu Âu không trở thành con tin trong chính sách của Washington.
Chính vì thế hôm thứ bảy tuần trước thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexandr Grushko đã tuyên bố:
"Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả những biện pháp tương xứng cần thiết trong lĩnh vực Hiệp ước INF, nhưng cùng với đó, chúng tôi không có dự định triển khai các tên lửa ở khu vực giáp châu Âu của đất nước cho tới khi tại các quốc gia của châu Âu chưa xuất hiện các phương tiện tương tự của Mỹ".
Liên quan tới những biện pháp tương xứng, thì chúng đã được ông Putin nêu danh trong thông báo về việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước INF. Dự kiến đến năm 2020 sẽ chế tạo phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa Kalibr và tên lửa siêu thành tầm trung mới phóng giếng hoặc phóng từ bệ phóng cơ động.
Và trong tình huống này, các chính khách cấp cao châu Âu sẽ phải suy nghĩ nát óc. Sẽ tiếp tục đi theo hướng dẫn của Mỹ và triển khai trên lãnh thổ đất nước mình những tên lửa tầm trung của Mỹ hay không hoặc trả lời không với Washington một cách dứt khoát.
No comments:
Post a Comment