Tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu
Trong những năm gần đây, quân đội Nga đã tăng cường mạnh mẽ khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo nhận định của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, động thái này có vẻ nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột lớn có khả năng nổ ra với một lực lượng đối địch hùng hậu trên bộ.
Những thông tin công khai đầu tiên về kế hoạch tăng cường lực lượng quy mô lớn của Nga được Thứ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng Quân đội Nga – Tướng Valery Gerasimov đưa ra trong tháng 9/2016.
Ông Gerasimov đề cập tới vấn đề này trước báo giới khi tổng kết cuộc tập trận quân sự Kavkaz 2016 (diễn ra tập trung tại Crimea và vùng Biển Đen).
Sau Kavkaz 2016, Nga còn tổ chức các cuộc tập trận lớn hơn nhưng đây vẫn là một sự kiện đáng nhớ, bởi nó đánh dấu cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga kể từ những năm 1980.
Tại buổi tổng kết Kavkaz 2016, ông Gerasimov cho biết, các đơn vị chiến đấu tiền tuyến – còn gọi là các đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) – có lực lượng chủ lực là lính hợp đồng nhằm tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu và họ sẽ được hỗ trợ bởi các đơn vị hậu cần đặc biệt mới.
Kavkaz 2016 là cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga kể từ những năm 1980. Ảnh: South Front
Cũng theo ông Gerasimov, tại thời điểm diễn ra cuộc tập trận Kavkaz 2016, Lục quân Nga, cùng với lực lượng Đổ bộ Đường không (VDV) có tổng cộng 66 BTG.
Các đơn vị này được tăng cường phương tiện tăng-thiết giáp, pháo hạng nặng, pháo phản lực phóng loạt, hệ thống phòng không, các biệt đội công binh, mở đường, cùng một số phương tiện hỗ trợ khác để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt.
Một BTG gồm 800-900 lính. BTG dường như từng là đơn vị chiến đấu cơ bản của quân đội Nga trong chiến tranh Chechnya. Nhờ được tăng cường xe thiết giáp, hỏa lực và năng lực mới, BTG có thể được triển khai riêng rẽ trong chiến đấu hoặc hợp lại với các BTG khác để thực hiện nhiệm vụ phối hợp.
Ông Gerasimov tiết lộ rằng, Nga có kế hoạch tăng gấp đôi số BTG lên 125 vào năm 2018.
Khí tài Nga được điều động tới cuộc tập trận Vostok-2018
Tới tháng 9/2018, thời điểm diễn ra cuộc tập trận Vostok 2018, ông Gerasimov tự hào thông báo Nga đã có 126 BTG thường trực, với lực lượng chủ lực là lính hợp đồng. Mỗi trung đoàn hoặc lữ đoàn có 2-3 BTG.
Trong khi đó, NATO mới triển khai 4 đơn vị BTG đa quốc gia trên khắp các nước Baltic và Ba Lan để ngăn chặn quân đội Nga.
Gần đây nhất, vào tháng 3/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã trình bày trước Duma quốc gia Nga về những thành tích lớn mà quân đội Nga đạt được kể từ tháng 11/2012.
Trong đó, ông Shoigu cho biết Nga đã có 136 BTG thường trực, sẵn sàng chiến đấu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói thêm rằng, hầu hết các chỉ huy lục quân Nga xuống tới cấp trung đoàn đều đã có kinh nghiệm tác chiến, song không nói rõ những kinh nghiệm này được tích lũy từ chiến dịch quân sự công khai của Nga tại Syria từ tháng 9/2015, hay từ các đợt triển khai ngầm tới Donbass, miền đông Ukraine.
Ông Shoigu báo cáo với ủy ban quốc phòng của Duma về kết quả triển khai từ năm 2012 với 109 tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars mới, 108 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SLBM), hơn 1.000 máy bay mới và hiện đại hóa, hàng nghìn xe tăng và xe thiết giáp, 10 lữ đoàn tên lửa Iskander, cùng một loạt các loại vũ khí khác, trong đó có máy bay trinh sát không người lái.
Châm ngòi xung đột
Quân đội Liên Xô đã có thói quen tích lũy vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hồng quân Liên Xô khi ấy không tương xứng với quy mô lực lượng và nguồn ngân sách quốc phòng dành cho việc phát triển, duy trì quân đội.
Quân đội thường trực của Liên Xô không được cơ cấu tổ chức để tham chiến mà không cần huy động hàng chục triệu binh lính, sĩ quan dự bị. Sự thiếu hụt khả năng sẵn sàng chiến đấu đã trở thành trở ngại lớn, làm suy yếu các nỗ lực của Liên Xô trong cuộc xung đột Afghanistan từ 1979-1989.
Khả năng sẵn sàng chiến đấu của Liên Xô trước đây chưa tương xứng với quy mô lực lượng và ngân sách quốc phòng. Ảnh: Binh lính Nga trong bộ quân phục của Hồng quân thời Thế chiến II diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Ảnh: Sputnik
Quân đội Nga cũng gặp phải vấn đề tương tự trong hai cuộc chiến tranh Chechnya (1994-1996, 1999-2000). Song, quân đội Nga ngày nay đã rút ra được bài học và đang chuẩn bị một cách nghiêm túc cho cuộc xung đột quy mô lớn trên bộ, sử dụng lực lượng vũ trang thường trực mà không cần huy động nhiều quân dự bị.
Tất nhiên, việc thành lập và duy trì 136 BTG sẽ rất tốn kém và chỉ mang lại nhiều ý nghĩa quân sự nếu cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trên bộ sắp xảy ra hoặc có thể xảy ra khi không có nhiều dấu hiệu báo trước.
Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF.
Hiện nay, cả Moscow và Washington đều đã tuyên bố đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (có thể bị hủy bỏ hoàn toàn trong tháng 8 tới, sau thời hạn 6 tháng chờ đợi bắt buộc chấm dứt). Cả hai phía đều đổ lỗi cho nhau vi phạm INF, nhưng đều phủ nhận cáo buộc của bên còn lại.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại trong cuộc chạy đua vũ trang Nga-Mỹ là HIệp ước New START 2010, nhưng dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Trong bối cảnh các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân đang bị hủy bỏ dần thì các động thái răn đe hạt nhân như thời Chiến tranh Lạnh có lẽ sẽ một lần nữa bao trùm lên mối quan hệ an ninh Nga-Mỹ.
Tuy nhiên, Jamestown Foundation nhận định rằng, để răn đe hạt nhân, Nga không cần tới 136 BTG, mà chỉ cần triển khai thêm ICBM, tên lửa hành trình tầm xa và các loại vũ khí tương tự.
Việc một bên triển khai lực lượng quân sự quy mô lớn sẽ đe dọa châm ngòi một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng trong khu vực.
No comments:
Post a Comment