Thật vậy, mặc dù về yếu tố chính trị - ngoại giao, Mỹ ít chịu ảnh hưởng trong vụ xung đột giữa Ấn Độ - Pakistan hôm 27/2. Mà trực tiếp là sự kiện tiêm kích MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ bắn rơi máy bay chiến đấu hiện đại F-16 D Pakistan.
Tuy nhiên, người Mỹ phải "lo ngay ngáy" ở vấn đề mua bán vũ khí, những hợp đồng hứa hẹn trị giá vài tỷ USD sắp kiếm được.
Thay tên đổi họ F-16, ưu ái chưa từng thấy!
Cụ thể, tháng 1/2017, Bộ quốc phòng Ấn Độ công bố kế hoạch đầy tham vọng lựa chọn "Đối tác chiến lược" thực hiện chương trình mua sắm 200 máy bay tiêm kích một động cơ với giá rẻ khoảng 45 triệu USD/chiếc (không bao gồm vũ khí).
Kế hoạch nhanh chóng giành được nhiều sự quan tâm của các nhà sản xuất máy bay quân sự hàng đầu thế giới. Và công ty quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) đã "nổ phát súng đầu tiên".
Theo đó, tại triển lãm hàng không Aero India 2019, hãng này đã giới thiệu mẫu tiêm kích thế hệ mới mang tên F-21.
Đặc biệt, F-21 hóa ra là phiên bản cải tiến sâu rộng từ dòng tiêm kích F-16 huyền thoại của Lockheed Martin. Đây quả là "điều chưa từng thấy" trong lịch sử phát triển loại máy bay này, là điều vô cùng hiếm gặp, một sự ưu ái quá lớn mà chưa có bất kỳ quốc gia nào khác được hưởng.
Trong khi đó, một quốc gia chưa bao giờ sử dụng các máy bay chiến đấu phản lực Mỹ như Ấn Độ lại khiến Lockheed Martin "quyết định nhanh gọn" đổi hẳn tên họ tiêm kích huyền thoại chào mời.
Không dừng ở đó, Lockheed Martin sẽ có nhiều sự cải tiến quy mô trên F-21 biến nó tiệm cận với các tiêm kích thế hệ 5 dù trong lốt máy bay hệ 4.
Hình đồ họa máy bay tiêm kích F-21.
Trong đoạn video giới thiệu về F-21, giá phóng mới lắp trên các điểm treo ở cánh có thể mang tới 3 tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM. Tất nhiên, bên cạnh đó nó còn mang được nhiều loại tên lửa không đối không khác như AIM-9X hay các vũ khí đối đất hiện đại nhất mà dòng F-16 có thể triển khai.
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của mồi bẫy kéo theo hiện đại AN/ALE-50 được thiết kế để bảo vệ máy bay và phi hành đoàn trước các loại tên lửa dẫn đường bằng radar.
Về hệ thống điện tử, F-21 có thể được tích hợp radar mạng pha chủ động AN/APG-83 SABR; mũ bay tích hợp hệ thống hiển thị mục tiêu trên kính JHMCS II; pod chỉ thị mục tiêu Sniper; pod tìm kiếm - theo dõi hồng ngoại...
Những công nghệ tích hợp trên F-21 được cho là vượt trội hẳn đối thủ tiềm năng nhất trong gói thầu cung cấp 200 chiếc cho Ấn Độ như SAAB JAS-39 Gripen E.
Dẫu vậy, vụ xung đột ngày 27/2 trên khu vực biên giới Ấn Độ - Pakistan có thể khiến các nỗ lực của Lockheed Martin và Washington có thể tan tành mây khói!
Thảm bại trước "lão già" MiG-21: Thôi chết rồi!
Cuối tháng 2/2019, cả thế giới chấn động trước tuyên bố chính thức từ phía Ấn Độ cho biết một máy bay tiêm kích MiG-21 Bison của nước này đã bắn rơi một chiếc F-16 Fighting Falcon của Không quân Pakistan.
Mặc dù chịu thiệt hại một MiG-21 và bị bắt sống phi công, thế nhưng việc MiG-21 bắn rơi F-16 được coi là "kỳ tích hiếm có lịch sử".
Tạm dừng nói về chiến tích lịch sử của MiG-21, giữa lúc giới phân tích ca ngợi đi kèm về sự hoài nghi của cuộc không chiến thì không hẳn ai cũng để ý tới thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra về việc Pakistan sử dụng F-16 sai mục đích, vi phạm thỏa thuận với Washington.
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh và Quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc, các máy bay chiến đấu F-16 bán cho Pakistan chỉ được sử dụng vào mục đích "tăng cường năng lực của Islamabad trong thực hiện các hoạt động chống khủng bố và phiến quân".
Và như vậy, nếu bằng chứng mảnh vỡ tên lửa AIM-120 mà Ấn Độ thu được là của F-16 Pakistan thì Islamabad có lẽ sẽ nhận "bản án nặng" từ Washington.
Bởi không chỉ vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp F-16 mà việc này "vô hình chung" có thể khiến các công ty quốc phòng Mỹ thiệt hại. Mà trực tiếp hiện tại chính là Lockheed Martin và "con cưng" F-21 vừa "khai sinh".
Tiêm kích F-16C của Pakistan.
Vì với việc bắn rơi tiêm kích thế hệ 4 vượt trội, Ấn Độ có quyền nghi ngờ sức mạnh dòng máy bay này. Một chiếc máy bay thế hệ 4 hiện đại tới vậy mà để máy bay hệ 3 bắn rơi thì thật khó chấp nhận.
Tất nhiên, ở đây người ta còn phải tính tới yếu tố con người, nhưng rõ ràng chắc chắn phải có điều gì đó đã xảy ra khiến chiếc F-16 "thảm bại".
Bên cạnh đó, việc cả hai quốc gia "luôn trong trạng thái nổ súng" cùng dùng chung một loại máy bay là điều rất không nên.
Chắc chắn người Ấn sẽ không hứng thú gì khi "đối thủ" của họ có thể khai thác "điểm yếu" của mình một cách dễ dàng nhất.
Hoặc Pakistan có thể sử dụng chính F-16 của mình luyện tập không chiến giả đỉnh đối đấu F-21.
Đây là cách mà chính Mỹ sử dụng phổ biến, trong nhiều năm họ đã cố công tìm mua các loại máy bay Liên Xô như MiG-21, MiG-29, Su-27 để huấn luyện phi công không chiến.
Ngoài ra, New Delhi cũng cần tính tới khả năng phía Mỹ sẽ không chấp nhận việc họ sử dụng F-21 cho một cuộc chiến với quốc gia khác, cũng như giới hạn mà họ đặt ra đối với Pakistan.
Có máy bay hiện đại mà không được phép dùng để bảo vệ đất nước thì thật khó chịu.
Một vấn đề nữa, dư luận Ấn Độ chắc hẳn sẽ phản ứng tiêu cực nếu quân đội gật đầu mua F-21 khi mà họ giành chiến thắng vang dội trước "người anh em" của dòng máy bay này.
Ấn Độ còn rất nhiều lựa chọn khác, không nhất định phải là F-21, thay vào đó họ có thể đồng ý với "những đứa con" khác cùng họ MiG-21 như MiG-35, hay đó có thể là SAAB JAS-39 Gripen.
Hoặc Không quân Ấn Độ có thể đặt lòng tin vào tiêm kích hạng nhẹ LCA Tejas mà nền công nghiệp quốc phòng nước này đang "chật vật" phát triển.
Nói chung, với vụ không chiến ngày 27/2, để giành chiến thắng gói thầu cung cấp 200 chiếc tiêm kích một chỗ ngồi với Lockheed Martin lúc này là không dễ dàng.
Video giới thiệu phiên bản tiêm kích F-21
No comments:
Post a Comment