Bộ Quốc phòng Ai Cập gần đây đã thông báo sẽ đặt mua 20 tiêm kích đa năng Su-35S từ Nga để bổ sung vào lực lượng không quân của mình một dòng máy bay chiến đấu cực kỳ đặc sắc. Hiện nay Không quân Ai Cập (EAF) đang khai thác Rafale, hai thế hệ F-16, MiG-29 nâng cấp tiệm cận tiêu chuẩn MiG-35 và hai thế hệ Mirage.
Nguyên nhân nào dẫn tới quyết định trên của Ai Cập, tại sao họ không tiếp tục đặt niềm tin vào MiG-29 khi đây cũng là chiến đấu cơ do Nga sản xuất?
Với năng lực của các máy bay khác trong biên chế, có lẽ EAF đang nhắm đến vai trò tiêm kích chiếm ưu thế trên không chủ lực cho Su-35S khi nó được trang bị radar mảng pha quét thụ động (PESA) Irbis-E cực kỳ mạnh mẽ, cho dù thiếu vắng một số chức năng của radar mảng pha quét chủ động (AESA) tiên tiến hơn.
Bên cạnh đó, tiêm kích Su-35S còn được lắp động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) cho khả năng siêu vận động và tương thích với mọi tên lửa không đối không xuất khẩu hiện đại nhất của Nga.
Đây được xem là lợi thế lớn của Su-35S trước F-16, do Mỹ chưa chấp nhận bán biến thể tên lửa AIM-120 AMRAAM cũng như AIM-9 Sidewinder đời mới, nhằm mục đích duy trì ưu thế quân sự của Israel trong khu vực.
Tiêm kích đa năng Su-35S của Không quân Nga
Su-35S là máy bay chiến đấu được điều khiển bởi 1 phi công, nó có khả năng triển khai những loại tên lửa không đối đất tối tân nhất của Nga. Trong khi đó, MiG-29M2 của Ai Cập (được một số nhà quan sát nhận xét thực chất chính là MiG-35) với thiết bị chỉ thị mục tiêu PKK cho năng lực tác chiến cũng chẳng hề kém cạnh.
Tuy nhiên những máy bay MiG-29M2 chỉ được xem như phương án phù hợp với vấn đề tài chính, nó không có khả năng không chiến mạnh như Su-35S do phiên bản này của Ai Cập chưa được lắp đặt radar AESA như MiG-35 thực thụ.
Ngoài việc radar PESA của MiG-29M2 thua kém Irbis-E trên Su-35S thì tốc độ của nó cũng chậm hơn, việc một chiếc chiến đấu cơ loại này thuộc lô hàng được giao cuối năm 2018 bị rơi có lẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của Ai Cập.
Tiêm kích MiG-29M2 của Không quân Ai Cập được nhận xét thực chất chính là một biến thể MiG-35
Sau khi đã tương đối rõ ràng về kết quả trận "chạm trán" giữa Su-35S và MiG-29M2 (MiG-35) với phần thắng thuộc về chiếc Flanker thì vấn đề cần được quan tâm tiếp theo đó là tại sao Ai Cập không đặt mua thêm tiêm kích Rafale - niềm tự hào của Pháp?
Ưu thế tuyệt đối của chiếc Rafale nằm ở radar AESA, nó còn được tích hợp hệ thống ngắm bắn quang điện tử thụ động, thiết bị điện tử hàng không tinh vi và tương thích mọi loại tên lửa không đối không mạnh nhất của châu Âu.
Sự quen thuộc trong vận hành có lẽ không phải vấn đề bởi các phi công EAF đã điều khiển máy bay chiến đấu của cả Nga và Pháp trong nhiều thập kỷ.
Quyết định lựa chọn Su-35S của Cairo có lẽ mang màu sắc chính trị nhiều hơn, khi trong giai đoạn 2016 - 2018 họ đã mua rất nhiều vũ khí xuất xứ Nga, hợp đồng đối với Su-35S có thể nhằm mở rộng chính sách này.
Việc vận hành quá nhiều dòng tiêm kích với xuất xứ khác nhau được dự báo sẽ gây không ít khó khăn cho EAF trong công tác đảm bảo kỹ thuật. Ngoài ra họ còn phải đối diện nguy cơ hứng chịu các lệnh cấm vận của Mỹ do hiệu lực của Đạo luật CAATSA giống như khách hàng gần nhất của Su-35S là Indonesia.
Tiêm kích đa năng MiG-29M2 (MiG-35) của Không quân Ai Cập
No comments:
Post a Comment