Việc Israel công bố đoạn băng ghi hình chiếc máy bay không người lái (UAV) Mini Harpy "thổi bay" vật thể được cho là đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E của tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đã gây ra phản ứng khá mạnh mẽ.
Một số người xem cho đó là đoạn "phim hoạt hình", bởi vì chiếc UAV sát thủ nói trên còn phải vượt qua cả hệ thống phòng vệ của tổ hợp này để có thể tiêu diệt nó thành từng mảnh một cách ngang nhiên như vậy.
Nhưng mặt khác, chẳng có gì đáng chế nhạo ở đây cả. Bởi vì chẳng luật pháp nào cấm đoán phương pháp tác động thông tin lên khán giả theo cách này, qua đó những chiến thắng ảo sẽ hiệu quả như chiến thắng thật. Cho nên, muốn hay không muốn, vẫn phải có cái nhìn nghiêm túc đối với cả các đoạn "phim hoạt hình" kiểu này…
UAV Mini Harpy của IAI tiêu diệt đài radar được cho là của hệ thống phòng không S-400
Đoạn băng ghi hình đề cập ở trên giới thiệu một sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) với chức năng chống lại các loại mục tiêu với tên gọi Mini Harpy tấn công một thứ rất giống với trạm radar 96L6E được bố trí trên khung sườn xe MZKT-7930. Trạm radar này thuộc thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400.
Động cơ của IAI là rất rõ: Hướng tới Syria, đất nước đang được các hệ thống phòng không của người Nga bảo vệ. Nó nhằm vào thứ do người Nga chế tạo chứ không phải thuộc về người Nga, nhưng bản chất của thông điệp này không thể thay đổi: Chiếc UAV của Israel dễ dàng hủy diệt vũ khí của Nga.
Trong đoạn video, chiếc máy bay không người lái với trọng lượng 45 kg, nhờ thiết bị gia tốc, được đẩy ra khỏi hộp vận chuyển cùng lúc với 20 chiếc UAV khác. Sau đó, theo mệnh lệnh của người điều khiển, nó thực hiện tuần tra khu vực lập trình đến khi phát hiện được mục tiêu thì lao thẳng xuống và tiêu diệt.
Radar 96L6E trên khung xe MZKT-7930
Nga có thể tiêu diệt được các UAV cảm tử hay không?
Các tên lửa của chính những tổ hợp phòng không chủ lực không thích hợp để làm việc này bởi sẽ rất tốn kém, bất chấp tất cả những ưu điểm của chúng. Các tên lửa được phóng theo phương thẳng đứng từ các tổ hợp phòng không không thể bắn hạ được những mục tiêu có quỹ đạo bay vô cùng khó lường này.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 và Pantsir-SA mới là phương tiện chính để chống lại các cuộc tấn công dạng này. Chúng hoàn toàn có thể tiêu diệt những mục tiêu tương tự và đã được chứng minh tại Syria khi nhiều lần đánh bật những cuộc không kích bằng chính các UAV của quân khủng bố.
Khi đó, nhiều người đã nói rằng, căn cứ vào hàng loạt các chi tiết thiết kế và lắp ráp có thể thấy rõ một cường quốc phát triển về kỹ thuật nào đó đã hỗ trợ công tác sản xuất các UAV của quân khủng bố.
Thông thường, người ta đổ lỗi cho Mỹ nhưng nếu dựa vào màn trình diễn vừa rồi của người Israel, có thể nghi ngờ rằng những sản phẩm đó có xuất xứ từ "một phòng thiết kế" Israel?
Tại các cuộc tập trận, lính phòng không Nga đã tập dượt chiến thuật bảo vệ vị trí của các tổ hợp phòng không chủ lực trước cuộc tấn công của UAV bằng những tổ hợp pháo - tên lửa Pantsir.
Tổ hợp Pantsir-S1 của Syria
Có thể hạ thủ Mini Harpy nhưng sẽ khá phức tạp
Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp đối phương cũng như đánh giá cao các phương tiện phòng vệ của mình. Pantsir là một công cụ tốt nhưng ngay cả chúng cũng không thể bảo đảm 100% khả năng đánh bật các cuộc tấn công của những UAV kích cỡ nhỏ.
Nếu như trên bầu trời nơi xảy ra trận chiến có sự xuất hiện của máy bay tác chiến điện tử EC-130H Compass Call và Boeing EA-18 Growler, các tên lửa S-300 hoặc S-400 có thể dễ dàng giải quyết chúng.
Nhưng hệ thống theo dõi mục tiêu bằng radar định vị đơn kênh không phải lúc nào cũng đưa ra khả năng dẫn hướng chính xác cần thiết đối với các mục tiêu kích thước nhỏ. Đặc biệt, nếu như cuộc tấn công mang quy mô ồ ạt, và nhất là nếu kèm theo các "ngón đòn" do thám kỹ thuật vô tuyến và chế áp điện tử.
Từ đó hình thành nên quy định đầu tiên nhằm chống lại các UAV – đó là sự phản kháng toàn diện.
Tức là không chỉ bằng việc phát hiện sớm mục tiêu bởi ăng-ten của thiết bị định vị 40V6M được đẩy cao lên 40m, không chỉ bằng việc bắn trả các thiết bị tấn công của địch từ những tổ hợp Pantsir (cũng như Tunguska) mà cả những hệ thống tác chiến điện tử như Krasnukha hay Avtobaza cũng phải tham gia vào quá trình bảo vệ các vị trí phòng không.
Ngoài ra, sự tích hợp phòng thủ sẽ hỗ trợ bố trí và củng cố các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung và ngắn như Tor-M2U với tên lửa 9M331M.
Cuối cùng, không nên quên về khả năng bảo vệ của lực lượng bộ binh. Họ có thể được trang bị máy phát xung điện từ chiến đấu Ranetz-E thay vì khẩu súng trường cá nhân. Hệ thống này nặng 5 tấn và được bố trí trên khung sườn xe MAZ-543.
Nhưng nó mới đúng nghĩa là phòng vệ: nó không nằm trong các tổ hợp S-300 và S-400. Giới quân sự không thích nó lắm vì bất tiện do mất nhiều thời gian để nạp lại thiết bị phát bức xạ. Nhưng khi bắn vào các UAV với xung điện công suất 500 MW – nó sẽ "thiêu rụi" tất cả hệ thống dẫn hướng và điện tử của UAV.
Cho nên, có thể chính những UAV mà người Israel trình diễn sẽ đưa các hệ thống như Ranetz-E hồi sinh nhưng với thiết kế hoàn thiện hơn, như tia laser chẳng hạn?
Nói chung, bối cảnh này rất giống như câu ngạn ngữ: Tất những gì không giết chúng ta, sẽ biến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.
Các UAV Harpy của Israel tạm thời chưa giết chết hệ thống S-400 Nga nhưng sự xuất hiện của nó sẽ tạo ra một vòng xoáy mới trong cuộc chiến không có hồi kết giữa tấn công và phòng thủ. Cho nên, Nga sẽ có cách để phòng vệ trước Harpy, không thể nào khác được.
No comments:
Post a Comment