Pháp và Đức nên hợp tác xây dựng một tàu sân bay châu Âu để tăng cường năng lực phòng thủ cho châu lục này - Bà Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), đã đưa ra ý tưởng trên trong một bài bình luận đăng trên tờ Die Welt hôm Chủ Nhật.
Bài báo được xem là phản hồi của Đức trước ý tưởng về một cuộc phục hưng châu Âu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trước thềm cuộc bầu cử EU vào tháng 5 tới.
"Pháp và Đức đang cùng nhau chế tạo một mẫu máy bay chiến đấu châu Âu tương lai, các nước khác cũng được mời tham gia", bà Kramp-Karrenbauer viết, đề cập tới dự án Hệ thống chiến đấu đường không tương lai (FCAS).
"Trong bước tiếp theo, chúng ta có thể xúc tiến dự án mang tính biểu tượng là chế tạo một tàu sân bay để hữu hình hóa vai trò của Liên minh châu Âu (EU) là lực lượng toàn cầu bảo vệ an ninh & hòa bình".
Đề xuất của bà Kramp-Karrenbauer được đưa ra vào thời điểm các lực lượng vũ trang Đức đang quay cuồng với mục tiêu duy trì cấp độ sẵn sàng tác chiến cơ bản.
Mặc dù vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn tới tình trạng khủng hoảng này (một số cho rằng đó là do thiếu sót trong phương thức quản lý, hoặc thiếu thốn ngân sách) nhưng có thể thấy rõ một điều rằng: Ý tưởng "triển khai sức mạnh quy mô lớn bằng tàu sân bay" đang nằm bên ngoài mục tiêu an ninh quốc gia.
Có lẽ vì vậy mà đề xuất của bà Kramp-Karrenbauer đã bị một số nhà phân tích Pháp gạt đi.
"Ý tưởng về 'tàu sân bay châu Âu' thật nực cười và vô nghĩa" - Bruno Tertrais, phó giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (trụ sở tại Paris), viết trong một email gửi tới Defense News.
Ulrike Franke, chuyên gia phân tích quốc phòng tại London, chia sẻ quan điểm tương đồng trên Twitter: "Tôi ủng hộ hết mình việc tăng cường năng lực cho châu Âu nhưng ý tưởng này có vẻ chưa được cân nhắc kỹ lưỡng?"
Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Washington cho rằng Đức không chắc sẽ biết phải làm gì với một con tàu như vậy.
"Tàu sân bay là phương tiện triển khai sức mạnh quân sự/địa chính trị", ông Ischinger viết trên Twitter, "Điều kiện tiên quyết để triển khai nó sẽ là phải có chiến lược và cơ chế đưa ra quyết định chung – Đức vẫn còn cách khá xa mục tiêu đó".
Sebastian Bruns, người đứng đầu Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàng hải tại Đại học Kiel (bắc Đức) cho rằng, mặc dù bà Kramp-Karrenbauer có vẻ đang cố tăng cường hợp tác quốc phòng Pháp- Đức nhưng "tôi không chắc bà ấy đã đưa ra ý tưởng có ích khi đề xuất một dự án lớn và có công nghệ phức tạp như vậy".
Theo ông Bruns, dự án tàu sân bay châu Âu sẽ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi Hải quân Đức còn có nhiều vấn đề cơ bản hơn cần giải quyết.
No comments:
Post a Comment