Không quân Ấn Độ (IAF) ngày 28/2 chính thức tuyên bố một chiếc MiG-21 Bison của họ đã bắn hạ thành công một máy bay chiến đấu F-16D của Pakistan trong trận giao chiến trên không ngày 27/2 ở khu vực Kashmir trên vùng giới tuyến kiểm soát (LoC) chia cắt giữa hai nước.
Chiếc MiG-21 thuộc Phi đội 51 của Không quân Ấn Độ được cho là đã tiến hành vụ bắn hạ này bằng tên lửa cận chiến Vympel R-73 do Nga chế tạo. Ngày 28/2, như để khẳng định thêm cho tuyên bố của mình trước đó, Ấn Độ đã tung ra bằng chứng là một mảnh vỡ của quả tên lửa AIM-120 AMRAAM minh chứng chắc cho việc MiG -21 đã bắn hạ F-16 Pakistan.
IAF cũng cho biết, họ đã thu được tất cả các tín hiệu điện tử từ phi đội máy bay Pakistan tham gia vào chiến dịch đột nhập không phận Ấn Độ và kết luận trong đó có F-16.
Phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman lái MiG-21 Bison đã bị bắt ở Kashmir thuộc phần lãnh thổ do Pakistan chiếm đóng, trong khi cả hai phi công Pakistan được cho là cũng đã nhảy ra khỏi chiếc F-16D nhưng "hiện vẫn đang chưa thấy tăm hơi".
Máy bay MiG-21 Không quân Ấn Độ. Ảnh: PTI
Pha dàn trận truy đuổi ngoạn mục các máy bay chiến đấu Ấn Độ
Trong bối cảnh thông tin vẫn còn rất ít ỏi và tuyên bố giữa hai nước lại mâu thuẫn lẫn nhau, trang Livefist Defence đã tiếp cận được các nguồn tin đáng tin cậy về vụ đối đầu ngày 27/2 và đi đến những kết luận, có thể nói là chấn động.
Theo Livefist, ít nhất 20 máy bay của Không quân Pakistan (PAF), gồm cả F-16, Mirage và JF-17 đã cất cánh từ nhiều căn cứ khác nhau của Pakistan và trên vùng lãnh thổ Kashmir do Pakistan chiếm giữ, nhanh chóng tiến về phía Nam theo hướng vùng Sindh của Pakistan.
Tốp máy bay chiến đấu này bay lượn trên không khoảng 30 phút, nhiều khả năng để làm động tác nghi binh. Các hệ thống cảnh báo sớm trên không của Ấn Độ đã nắm được hoạt động di chuyển này và phát tín hiệu cảnh báo tới các căn cứ ở Srinagar và Punjab.
Sukhoi-30 MKI Không quân Ấn Độ chở theo Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman cất cánh ở Jodhpur. Ảnh: PTI
Phi đội tiêm kích Không quân Pakistan (PAF) sau đó bay theo hướng Bắc về phía đường giới tuyến kiểm soát, ngoại trừ 3 chiếc F-16 quay đầu sang hướng Tây như để trở về căn cứ nhưng thực tế vẫn lưu lại trên không.
Sau đó, 3 chiếc F-16 bắt đầu tăng tốc tiến về vùng Sunderbani của LoC. Lúc này, 2 máy bay MiG-21 của Ấn Độ, đến từ căn cứ Srinagar và đang trực chiến trên không đã ngay lập tức lao tới đánh chặn.
Hai phút sau đó, thêm 2 chiếc MiG-21 nữa xuất kích, tiếp đến là một cặp Mirage 2000. Bộ đôi chiến đấu cơ Su-30 MKI đã ở sẵn trên không và đang tham gia tuần tra trực chiến ở hướng Nam cũng được IAF điều động đến tiếp ứng.
Vụ cận chiến hiếm thấy giữa MiG-21 và F-16 trong lịch sử đương đại đã xảy ra sau đó trên không phận vùng Sunderbani với cả 2 máy bay cùng 3 phi công đều bị rơi xuống khu vực Kashmir do phía Pakistan chiếm đóng.
Hai chiếc Mirage 2000 Ấn Độ giống như loại từng tiến hành vụ không kích vào Pakistan. Ảnh: KQ Ấn Độ
Đẳng cấp của "lão già gân" MiG-21!
Sau sự kiện này, theo Livefist, điều để lại ấn tượng manh mẽ nhất với các chuyên gia hàng không và giới quan sát quân sự có lẽ là bản chất cuộc cận chiến trên không giữa hai quốc gia vũ trang hạt nhân bởi nó mang dáng dấp của một vụ chiến đấu thực thụ kiểu Chiến tranh Lạnh.
Nhà phân tích, nhiếp ảnh gia hàng không Angad Singh nhận xét: "Đó là một trận chiến mang tính lịch sử nhưng tôi cũng không quá ngạc nhiên. Bison là một trong những biến thể uy lực nhất của tất cả các phiên bản MiG-21. Tôi sẽ đặt cược cho máy bay này khi nó lại được điều khiển bởi một phi công đẳng cấp".
Nhà báo Italia David Cenciotti, người điều hành blog The Aviationist nổi tiếng cũng lên tiếng bình luận: "Nếu được xác nhận thì thông tin đó đúng là rất đáng quan tâm, bởi một lần nữa chứng tỏ rằng, khi giao chiến trên không, không phải lúc nào phương tiện hiện đại hơn, uy lực hơn (trong trường hợp này là F-16 Block 52) cũng đều sẽ giành chiến thắng".
"Nhiều yếu tố khác cần phải được xem xét tới: Kỹ thuật của phi công, sự yểm trợ từ các phương tiện khác (gồm cả máy bay chiến đấu và cảnh báo sớm trên không), radar mặt đất..."
"MiG-21 Bison là phiên bản nâng cấp từ mẫu MiG-21 cơ bản do Nga chế tạo. Mặc dù thiết kế của nó đã lỗi thời, nhưng khả năng linh hoạt và tăng tốc của nó cùng kính ngắm gắn trên mũ phi công kết hợp với tên lửa không đối không R-73 là những yếu tố biến MiG-21 trở thành đối thủ đáng sợ thực sự, ngay cả với những tiêm kích hiện đại hơn..."
Thông số kỹ thuật MiG-21 Bison. Ảnh: IAF
Phi công lái MiG-21 đã nghỉ hưu Arjun Subramaniam bình luận: "Một máy bay Bison của Không quân Ấn Độ bắn hạ một chiếc F-16 bằng tên lửa cận chiến trên không R-73. Đó là kiểu hành động trên không kinh điển có ý nghĩa rất lớn bởi F-16 đã bị bắn rơi bởi một MiG-21 Ấn Độ".
Stephen Trimble, biên tập viên quốc phòng của tuần báo Aviation Week viết trên Twitter: "Đừng quên rằng những chiếc MiG-21 dạng này đã từng khiến F-15C Không quân Mỹ phải bối rối tại Tập trận Không quân Quốc tế Cope India năm 2006".
Sau đó, ông chia sẻ với Livefist: "F-16 được thiết kế đặc biệt để đánh bại MiG-21 nhưng tên lửa AMRAAM, được bổ sung sau đó có thể là một lợi thế lớn hơn nếu các máy bay cơ động khác không tham gia".
Thống chế Không quân, Cựu phi công Manmohan Bahadur, kiêm Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức mạnh Không quân Ấn Độ (CAPS) chia sẻ:
"Lần đầu tiên, một máy bay thế hệ 3 đã bắn rơi một tiêm kích điều khiển điện tử hiện đại, trang bị những vũ khí và thiết bị điện tử hàng không tối tân hơn. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng, phi công vẫn là yếu tố quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định. Với không quân Ấn Độ, các đối thủ không nghi ngờ gì điều đó".
MiG-21 diễn tập trên không. Ảnh: IAF
Vishnu Som, biên tập viên quốc phòng của NDTV cho biết thêm: "Trong khi còn chưa rõ chính xác tình huống phi công IAF bị bắn rơi như thế nào thì đừng quên chính anh đã bắn hạ chiếc F-16 đầu tiên (có thể là F-16 Block 50) bằng MiG-21 Bison nâng cấp, loại máy bay được đưa vào sử dụng từ những năm 1960 của thế kỷ trước".
Yusuf Unjhawala, biên tập viên kiêm thành viên phụ trách Diễn đàn Quốc phòng Ấn Độ viết: "MiG-21 bắn hạ F-16 là bằng chứng về khả năng và công tác huấn luyện phi công của chúng ta. Vài năm trước, MiG-21 từng chiến thắng F-16 Mỹ ở Cope India".
Tiến sĩ Sanjay Badri-Maharaj, nhà phân tích quốc phòng độc lập bình luận: "Ý nghĩa của cuộc không chiến giữa một chiếc MIG-21 và một chiếc F-16 là không thể đánh giá thấp. Bất chấp việc Pakistan có tuyên bố chiếc F-16 mất tích như thế nào thì MiG-21 đã chiến đấu ngang ngửa với F-16 là điều không thể xem thường".
Ông nhấn mạnh thêm: "Khả năng tác chiến của MiG-21 vẫn rất mạnh mẽ nhờ các gói nâng cấp radar và hệ thống vũ khí. Việc lựa chọn tên lửa R-73 cũng là một điều thú vị".
Tư lệnh Không Quân Ấn Độ lái MiG-21 ở căn cứ không quân Uttarlai năm 2016
No comments:
Post a Comment