Nghe có vẻ hơi bất bình thường nhưng đó là sự thật, Không quân Ấn Độ có sức mạnh vô cùng to lớn, có lẽ cũng chỉ xếp sau Trung Quốc ở châu Á.
Tuy nhiên, để nó rằng họ phát huy sức mạnh đó thế nào trong việc bảo vệ quốc gia thì còn nhiều bàn cãi.
1.700 máy bay và còn nhiều hơn nữa!
Theo các tài liệu được công bố vào năm 2017, Không quân Ấn Độ được biên chế 139.576 binh sĩ thường trực cùng 1.720 máy bay hiện đại các loại. Với số lượng này, IAF được xem là lực lượng không quân đứng thứ 2 ở châu Á sau Trung Quốc.
Trong số đó, lực lượng máy bay chiến đấu chiếm tới 1/2 (khoảng 600 chiếc). Đông đảo và chất lượng nhất là 242 chiếc tiêm kích Sukhoi Su-30MKI do Nga sản xuất.
Phần còn lại, IAF hiện vẫn duy trì tới 200 chiếc máy bay MiG đã cũ, nhưng chúng đều đã trải qua các đợt nâng cấp hiện đại hóa nâng cao khả năng chiến đấu ngang ngửa với dòng máy bay mới.
Ví dụ như 113 chiếc MiG-21 còn lại đều đã được nâng lên chuẩn "Bison" trang bị radar kèm tên lửa hiện đại. Hay các máy bay MiG-29 đã được "cập nhật" lên phiên bản UPG tương đương với bản SMT của Nga.
Không dừng lại ở đó, trong các năm gần đây Ấn Độ liên tiếp mở hàng loạt các gói thầu mua sắm máy bay chiến đấu mới nhằm thay thế dần hàng loạt các tiêm kích MiG sẽ nghỉ hưu trong 5-10 năm tới.
Trước mắt, họ đã ký hợp đồng mua 36 tiêm kích Dassault Rafale của Pháp, 120 máy bay tiêm kích hạng nhẹ HAL Tejas tự sản xuất trong nước.
Ấn Độ hiện là quốc gia sử dụng nhiều Su-30 nhất.
Ngoài ra, họ cũng đã ký hợp đồng mua 112 máy bay huấn luyện Pilatus PC-7 MkII, 65 trực thăng tấn công HAL, 139 trực thăng Mi-17V5, 22 trực thăng tấn công AH-64E Apache, 6 máy bay tiếp dầu Airbus A330 MRTT...
Đó là chưa kể, Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu cung cấp 200 máy bay chiến đấu một động cơ. Gói thầu hấp dẫn tới mức, Công ty Lockheed Martin của Mỹ đã nâng cấp sâu rộng dòng F-16 và "ưu ái" đặt một cái tên mới là F-21 để nhằm chào mời người Ấn.
Gần như cùng một lúc ký hàng loạt các thỏa thuận mua sắm máy bay mới trị giá tới hàng tỷ USD cho thấy ngân sách quốc phòng vô cùng dồi dào của Ấn Độ. Điều kiện đó là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng lực lượng không quân bảo vệ đất nước.
Tuy nhiên, nhiều máy bay không có nghĩa là lực lượng Không quân Ấn Độ được đánh giá cao ở khu vực.
Rơi máy bay là chuyện "thường ngày"
Thật vậy, mua được nhiều máy bay hiện đại, thế nhưng Không quân Ấn Độ cũng được xem là một trong những lực lượng không quân có tỉ lệ tai nạn cao nhất hành tinh.
Theo đó, cùng ngày 27/2 xảy ra vụ Pakistan bắn rơi chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ, một máy bay trực thăng loại mới Mi-17V5 của Ấn Độ gặp nạn khiến hai phi công hi sinh.
Cách đó một tuần, ngày 19/2, hai máy bay phản lực Hawk của phi đội biểu diễn Surya Kiran gặp nạn và rơi gần căn cứ Yelahanka khiến hai phi công bị thương.
Và vào ngày đầu tiên của tháng ít ngày nhất trong năm (1/2), một chiếc tiêm kích Mirage 2000 gặp nạn ở phía Nam TP Bengaluru, IAF mất cả hai phi công ưu tú.
Tổng kết, chỉ trong tháng 2, Không quân Ấn Độ mất tới 4 máy bay do tai nạn và chỉ một chiếc trong chiến đấu. Đây có lẽ là "kỷ lục" hiếm thấy trong các lực lượng không quân trên thế giới, số máy bay rơi vì tai nạn nhiều hơn cả rơi trong chiến đấu.
Phần còn lại của một trong hai máy bay Hawk Không quân Ấn Độ sau khi gặp nạn.
Tất nhiên, cách so sánh trên có phần khập khiễng bởi cuộc xung đội Ấn Độ - Pakistan diễn ra sau các vụ tai nạn thảm khốc. Dẫu vậy, một tháng mà rơi tới 4 máy bay, 3 phi công thiệt mạng thì quả là tổn thất kinh khủng.
Mặc dù Ấn Độ vẫn có những xung đột với Pakistan nhưng không phải lúc nào xảy ra và thường cũng không quá gay gắt.
Đó là chưa kể, hầu như không tháng hoặc quý nào của năm mà Ấn Độ không rơi máy bay quân sự. Ví dụ năm 2018, IAF để xảy ra khoảng 5 vụ tai nạn làm mất 5 máy bay hiện đại.
Tuy nhiên, năm 2018 dẫu sao cũng được xem là một trong các năm "an toàn nhất" của IAF. Bởi theo thống kê của mạng quân sự Bharat-rakshak, Năm 2015, IAF để xảy ra 12 vụ tai nạn, năm 2017 có đến 17 vụ.
Đặc biệt, năm 2011 xảy ra tới 30 vụ ghi "kỷ lục" một trong các năm tai nạn nhiều nhất của IAF. Tháng ít nhất phải rơi tới 2 chiếc, tháng nhiều nhất rơi tới 5 chiếc, đến nỗi một ngày mất 2 chiếc hay 3-5 ngày rơi 2-3 chiếc là chuyện "thường ngày ở huyện".
Đến Su-30MKI còn rơi nữa là!
Cũ mới như nhau
Tai nạn thì chắc chắn phải có nguyên nhân, nhưng với Ấn Độ thì thật khó khăn để xác định đâu là vấn đề khiến tỉ lệ rơi máy bay "nhiều như cơm bữa".
Trong hàng chục năm, các phi công IAF đổ tội cho máy bay cũ, điển hình là dàn máy bay tiêm kích MiG-21 lỗi thời.
Theo một số tài liệu thống kê, ít nhất 1/2 trong tổng số 840 máy bay MiG-21 được Ấn Độ sản xuất và đưa vào sử dụng giai đoạn 1966-1984 mất vì tai nạn. Ít nhất 14 chiếc MiG-21 gặp tai nạn trong giai đoạn 2010-2013.
Dòng máy bay này được cho là mất an toàn tới mức nhiều phi công IAF đặt biệt danh cho nó là "quan tài bay".
Dẫu vậy, nếu nhìn vào các loại máy bay chiến đấu Ấn Độ gặp tai nạn thì xem ra MiG-21 có chăng chỉ là "rơi nhiều hơn chút".
Bởi ngay cả dòng máy bay mới, còn nhiều thời hạn bay như Su-30MKI thì Ấn Độ cũng nắm giữ nhiều "kỷ lục tai nạn".
Được đưa vào sử dụng ở Ấn Độ năm 2002, tới nay IAF đã để mất tới 8 chiếc Su-30MKI vì nhiều lý do.
Điển hình có năm 2017, trong 3 tháng, hai máy bay Su-30MKI gặp nạn khiến hai phi công thiệt mạng, 2 người khác cùng 3 dân thường bị thương.
Thế nên, dù không muốn nghĩ tới nhưng với tốc độ "dùng như phá khủng khiếp này", xem ra rồi sẽ tới lúc cả dòng máy bay tiêm kích tối tân như Rafale của Pháp cũng sẽ thành "nạn nhân".
Tóm lại, xem ra muốn trở thành một lực lượng không quân số 1 ở châu Á, ngoài việc tăng thêm số lượng máy bay gồm các tiêm kích hiện đại thì ngay bay giờ Không quân Ấn Độ nên rà soát lại quy trình sử dụng vũ khí.
Chắc chắn phải có vấn đề nào đó ở các khâu kỹ thuật, đào tạo phi công hay ngay từ việc sản xuất máy bay mới dẫn tới các vụ tai nạn kinh hoàng đến vậy.
Mời độc giả xem video vụ tai nạn hai máy bay Hawk rơi cùng lúc ở Ấn Độ
No comments:
Post a Comment