Các thiết chế cũ ngừng hoạt động, trong khi thể chế mới không thể đảm bảo sự sống còn cho những ngành Công nghiệp xương sống, trong đó có công nghiệp quốc phòng (CNQP). Rất nhiều nền tảng của nước Nga tan vỡ và không thể phục hồi một sớm một chiều.
Trong khi đó, tại các quốc gia địch thủ, sự phân ly và thất thoát của các nguồn lực Liên Xô lại mang tới lợi ích cho họ. Cùng với nhu cầu, thị trường và sức phát triển kinh tế, cộng với đó là lợi ích trong không gian địa chính trị mới khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga có lẽ đã bị bỏ lại phía sau?
Công nghiệp hàng không
Nước Nga đã đánh mất năng lực chế tạo máy bay vận tải cỡ lớn và không theo kịp phương Tây về sản xuất máy bay thương mại.
Các cơ quan thiết kế và chế tạo khổng lồ lại rơi vào tay Ukraine, trong khi đó gần đây Chính quyền Kiev tiến hành tẩy chay đã khiến Nga gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái khởi động lại các chương trình máy bay vận tải quân sự.
Với lãnh thổ rộng lớn, trước nhu cầu vận tải quân sự ngày càng cấp bách, nhằm đáp ứng tình hình mới, Nga đã triển khai Chương trình tái trang bị đội máy bay vận tải hạng nặng nhưng thật đáng buồn một trong những mẫu máy bay mới đấy tham vọng của họ là IL-76MD-90A liên tục bị chậm tiến độ.
Sau nhiều lần hô hào khẩu hiệu "đẩy nhanh tiến độ", tới tận tháng 11 năm 2018, Không quân vận tải Nga mới chỉ nhận được 1 chiếc đang thử nghiệm với số đuôi 0109. Tuy nhiên, đã xuất hiện các lo ngại rằng máy bay IL-76MD-90A sử dụng lại các khung thân cũ đã già cỗi còn tồn kho từ thời Liên Xô sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn.
An-225 máy bay vận tải lớn nhất thế giới - Niềm tự hào Liên Xô nay đang "sống" dưới màu cờ Ukraine.
Thất bại trong việc sản xuất máy bay mới cỡ lớn, Nga không thể so được với Mỹ mà còn bị Trung Quốc bắt kịp trong việc trang bị máy bay vận tải hạng nặng. Điều đáng ngại nhất với Nga chính là việc Trung Quốc đã bắt đầu cho thấy các tiến bộ vượt bậc.
Các nhà máy của Trung Quốc hoạt động ngày đêm và nhanh chóng đưa máy bay vận tải Y-20 vào biên chế Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với nhiều biến thể khác nhau.
Điều tồi tệ nữa là, chính Trung Quốc lại là quốc gia vớ bẫm nhất trong khủng hoảng giữa Nga với Ukraine, bởi lẽ khi quan hệ với Moscow sụp đổ và trở thành địch thủ, Kiev đã bán gần như toàn bộ những gì họ có trong ngành hàng không cho Trung Quốc, đó là chưa kể đến các dự án máy bay tiêm kích phản lực hay tàu sân bay đã là quá khứ.
Chỉ riêng trong năm 2018, hàng nghìn chuyên gia Ukraine đã được bố trí và làm việc tại các trung tâm nghiên cứu chế tạo hàng không Trung Quốc, tạo tiền đề để các Nhà máy Trung Quốc cất cánh.
Máy bay cỡ lớn đã vậy, Nga bị bỏ lại sau lưng khi Mỹ đã bán được hàng ngàn UAV, Trung Quốc cũng xuất khẩu hàng trăm chiếc, trong khi đó Nga vẫn đang loay hoay thử nghiệm các máy bay không người lái để tìm ra thiết kế nhằm theo kịp các cường quốc khác.
CH-5 do Trung Quốc chế tạo được gọi là "Sát thủ dội bom". Theo quảng cáo từ nhà sản xuất, nó có thể mang theo 16 tên lửa cùng lúc, gấp đôi so với MQ-9 Reaper của Mỹ, UAV được cho là tấn công số 1 thế giới hiện nay.
Tàu chiến cỡ lớn
Trong gần 30 năm phục hồi, Công nghiệp đóng tàu quân sự Nga không cho ra đời được mẫu chiến hạm nào nổi bật với kích thước đáng kể.
Tàu nổi đang là một trong những điểm yếu chết người của Nga, họ buộc phải bù đắp bằng việc duy trì hạm đội tàu ngầm để làm biện pháp tự vệ phi đối xứng. Tuy nhiên có nhiều vấn đề khi triển khai mà tàu ngầm không thể làm được thay tàu nổi.
Khi Syria bị bao vây bởi các chiến hạm NATO, Nga phải điều tàu từ khắp các hạm đội Biển Bắc, Thái Bình Dương, Biển Đen… để hạn chế áp lực từ tàu chiến NATO.
Các tàu mới của Nga quá nhỏ, không thể hoạt động xa tại các vùng biển dữ dội, hải trình ngắn khiến Nga khó có thể hiện diện hiệu quả để bảo vệ các đồng minh. Điều này sẽ gây áp lực lên các kíp tàu của Nga, khi họ buộc phải làm việc nhiều hơn, không được thay thế và trở nên kém hiệu quả.
Tàu khu trục lớp Uladoy của Hải quân Nga.
Điển hình như các tàu lớp Udaloy hay Slava của Nga, thường xuyên phải thực hiện hải hành để thăm viếng hoặc bảo vệ đồng minh. Số lượng tàu này của Nga không nhiều, và đang phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Nếu nhắc tới các chuyến thăm xa bờ của Nga, thì chúng ta sẽ nhìn thấy ngay Udaloy- một chiến hạm từ thời Liên Xô.
Khó khăn này của Nga là do các nhà máy tại Ukraine, Baltic mà Liên Xô dày công xây dựng đã nằm trong vùng ảnh hưởng của NATO.
Nước Nga không có động cơ để đóng tàu lớn, và năng lực thiết kế dàn trải tại nhiều viện thiết kế cũng khiến họ không thể cho ra đời các chiến hạm lớn, chất lượng như xưa mà thay vào đó là các thiết kế "mì ăn liền", các tàu cỡ nhỏ hoặc trung bình với tính năng đi biển hạn chế.
Tuy vậy, khó khăn về động cơ đến nay vẫn chưa buông tha họ khi buộc phải mua động cơ từ Ukraine và mới đây là cả Trung Quốc cho các tàu của mình.
Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M của Nga
Các tàu "mì ăn liền" cũng đã khiến giới chức Nga nhiều phen bị chỉ trích, nhiều báo cáo cho thấy các tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Buyan-M của Nga không thể hoạt động với cấp sóng 8-9 chứ chưa nói tại đại dương, một mức độ thời tiết thường có tại các vùng biển chưa phải yêu cầu khó với tàu quân sự.
Có thể nói rằng, muốn hình thành được vị thế cường quốc biển xanh, về mặt kỹ thuật, phải có sự đột phá về quy mô của lực lượng Hải quân cũng như Không quân.
Trong cuộc đua toàn cầu ngày càng khốc liệt, những mất mát quá lớn không thể phục hồi của Nga đã "dìm" chủ thể này "hạ cấp" xuống cường quốc hải quân hạng 2, tức là chỉ còn là cường quốc cấp khu vực mà thôi.
Liệu rằng nước Nga có thể lấy lại vị thế của mình và trông chờ vào điều gì đó mới mẻ trong những năm sắp tới?
Điều đó có thể, nhưng còn quá nhiều việc phải làm, từ căn bản trở đi, trong khi các nền tảng của nước Nga đã bị hủy hoại quá nhiều từ những năm tháng đen tối hậu Xô viết.
Phải chăng nước mắt người Nga đã rơi?
No comments:
Post a Comment