Ngành hàng hải Mỹ tuy sinh sau đẻ muộn so với các quốc gia tư bản chủ nghĩa khác, nhưng may mắn là họ kế thừa tư duy phát triển tinh hoa của một trong những cường quốc Hải quân lớn nhất thế kỷ trước đó là Hải quân Anh.
Trong quá trình mở rộng quyền lực của mình, Hải quân Mỹ luôn có các chương trình trang bị khiến đối phương choáng ngợp về quy mô cũng như chất lượng tàu chiến. Đỉnh cao nhất có lẽ phải kể đến Chương trình "600 tàu chiến".
Liên Xô có bao nhiêu, chúng ta có nhiều hơn!
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Hồng quân Liên Xô nhanh chóng trở thành lực lượng bộ binh lớn nhất toàn cầu, sự hiện diện của hàng triệu quân tại châu Âu và nhiều vùng trên khắp thế giới trở thành mối đe dọa cho Mỹ.
Hàng chục ngàn xe tăng thiết giáp chực chờ băng qua các đồng bằng châu Âu luôn là nỗi ám ảnh của NATO, và vũ khí mà Liên Xô sản xuất trong tay những đội quân nghèo nàn chắp vá lại luôn giáng cho Mỹ những đòn phi đối xứng rất có trọng lượng.
Mỗi tàu chiến trường phái Soviet luôn có hỏa lực rất mạnh.
Sau khi tuyên bố rút khỏi Việt Nam năm 1973, nước Mỹ cảm nhận thấy sự suy giảm về vị thế của mình trước các đối thủ, họ rút khỏi Đông Dương, phải nhượng bộ các chương trình tên lửa tầm trung tại châu Âu.
Vùng biển Nhật Bản, Baltic, Địa Trung Hải, Bắc Đại Tây Dương dày đặc các chuyến hải hành tuần tra của tàu chiến Xô Viết và sự va chạm ngày càng thường xuyên. Uy tín và sức mạnh của Liên Xô khiến họ đường hoàng hiện diện các tàu chiến cũng như máy bay ở khắp đại dương.
Lực lượng đổ bộ đường không của Liên Xô phát triển đến trình độ rất cao, có thể triển khai bố trí lực lượng nhanh chóng trên toàn cầu. Đáng sợ nhất là hạm đội tàu ngầm và tàu chiến trường phái Liên Xô luôn được vũ trang bằng tên lửa rất mạnh, nhỉnh hơn phía Mỹ nếu tính đến mức độ trang bị của mỗi tàu tương đương.
Người đứng đầu nước Mỹ khi đó đã "cứu vãn tình thế" bằng chương trình cực kỳ tham vọng- đóng mới và hiện đại hóa 600 tàu chiến để lấy lại vị thế hàng hải số 1 của mình.
Số lượng tàu được đưa vào trang bị sau khi đóng mới/hiện đại hóa theo khuôn khổ chương trình "600 tàu chiến". Tổng cộng 592 tàu được đưa vào trang bị.
Vậy là chương trình 600 tàu chiến được soạn thảo dưới thời Tổng thống Reagan. Chương trình kỳ vọng thay đổi toàn diện bộ mặt Hải Quân Mỹ cả về số lượng lẫn chất lượng. Buộc Liên Xô phải quay về vị trí phòng thủ thụ động.
Những kết quả đáng sợ
Chương trình có một số sửa đổi về mặt tư duy so với các chương trình đầu tư quân sự trước đó. Theo đó, mấu chốt của vấn đề là số lượng phải đông, và sử dụng kết hợp khả năng của các tàu chiến.
Mục tiêu của kế hoạch, đó là xây dựng sao cho phải có ngay tức thời 100 tàu chiến luôn hiện diện và sẵn sàng chiến đấu ở mọi nơi trên thế giới sao cho có thể phối hợp và hỗ trợ các đồng minh ngay lập tức và áp đảo bằng lực lượng.
Thực tiễn dễ nhận thấy nhất đó là sáng kiến của TT Reagan đã xây dựng nhóm tàu sân bay tác chiến mà tới nay Hải quân Mỹ vẫn đang duy trì. Hạt nhân của nhóm tàu sân bay chính là tàu sân bay mang tới 80-90 máy bay chiến thuật.
Đi cùng với tàu trung tâm là 2-3 tàu tuần dương, 2-4 tàu khu trục, 2-6 tàu hộ tống, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh và một tàu hỗ trợ chiến đấu (tàu chở dầu hoặc đạn dược).
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hiện đại - Mô hình được sản sinh và hoàn thiện dưới thời TT Reagan.
Chương trình đã mang đến một hệ quả khủng khiếp với Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang, khắp các đại dương nhung nhúc tàu chiến Mỹ, Gần như mọi lúc, mọi nơi, tàu chiến Liên Xô tuần tra là lại gặp 2-3 tàu Mỹ đang đứng đợi sẵn ở đó.
Tàu ngầm - thứ vũ khí lợi hại nhất của Liên Xô luôn bị các máy bay cánh bằng P-3 săn đuổi, và hễ cứ đi xa một chút, là tàu chiến Liên Xô lại được hộ tống bởi hàng chục tàu chiến Mỹ hoặc đồng minh.
Trong nhiệm kỳ của chính quyền TT Reagan, 268 tỷ USD đã đã được chi ra cho các khoản mua sắm của Hải quân. Trong đó bao gồm 100,4 tỷ cho đóng tàu. Thêm 75,7 tỷ cho mua sắm máy bay Hải quân, phần còn lại dành cho việc trang bị vũ khí đạn dược và phương tiện khác như tàu xuồng nhỏ, xe bọc thép lưỡng cư…
Cũng trong thời kỳ này, các tàu sân bay Nimitz liên tục được đóng mới, thế giới cũng chứng kiến đợt hạ thủy nhiều chưa từng có tàu ngầm tấn công hiện đại chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ mà tới ngày nay vẫn còn phục vụ.
Khác với Liên Xô, sự gia tăng sức mạnh của Mỹ không những không tạo ra gánh nặng tài chính, mà trái lại, với một khoản chi tiêu công đồ sộ, Công nghiệp đóng tàu Mỹ phát triển bùng nổ nhờ hàng chục tỉ USD rót vào từ ngân sách.
Các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh.
Công nghiệp hàng không tăng trưởng hai con số mỗi năm nhờ đơn hàng máy bay tiêm kích cho các nhóm tác chiến viễn dương. Hàng trăm ngàn việc làm được tạo ra tạo ra cho Mỹ một guồng quay kinh tế khổng lồ.
Ác mộng của Liên Xô, đó là sự hiện diện quá mạnh của Mỹ ở quy mô toàn cầu ngày càng mãnh liệt, buộc họ phải chi nhiều hơn để chạy đua vũ trang sau thất bại tại Afganistan, đẩy gánh nặng ngàn cân lên nền Kinh tế đang ốm yếu của họ.
Đã vậy, sự kích thích đó lại quay trở lại làm lợi cho nền Công nghiệp Mỹ và nó sản sinh ra lợi nhuận kếch sù, từ đó khuếch đại sức mạnh Kinh tế Mỹ khiến Liên Xô không thể nào theo kịp.
Đó chính là cách mà người Mỹ lấn lướt Liên Xô trong cuộc đua hàng hải. Nước Mỹ đã chiến thắng và để lại nhiều di sản tới ngày nay. Là nước luôn đi đầu về Hải quân, có thể nói, chương trình của TT Reagan đã để lại cho nước Mỹ di sản quý giá về cả tư duy lẫn kỹ thuật để họ tiếp tục dẫn đầu tới tận những thập niên đầu của thế kỷ XXI
No comments:
Post a Comment