Hôm 13/3, hàng nghìn binh sĩ Quân đội Trung Quốc và Campuchia đã bước vào cuộc tập trận chung lớn nhất trong lịch sử giữa hai quốc gia tại thao trường rộng 10.000 hecta ở tỉnh Kampot.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia - tướng Chum Sucheat, cuộc tập trận kéo dài trong 15 ngày tới tận 27/3, 252 binh sĩ Trung Quốc sẽ huấn luyện cùng 2.542 lính Campuchia.
Từ tuần trước, hai bên đã bắt đầu di chuyển các đơn vị cơ giới xe tăng - thiết giáp cùng trực thăng tới huyện Chum Kiri, tỉnh Kampot.
Dựa theo các hình ảnh được tiết lộ về những ngày đầu tập trận, phía Trung Quốc họ triển khai các trực thăng Mi-17 và xe chiến đấu bộ binh Type 86. Trong khi đó, phía Campuchia thì triển khai xe tăng T-55, xe chiến đấu bộ binh BMP-1.
Đáng chú ý, đây được xem là lần đầu tiên Campuchia đưa mẫu xe tăng T-55AM1 thuộc hàng hiện đại nhất nước này tham gia hoạt động diễn tập quân sự quốc tế.
Có thể ví T-55AM1 như là "hàng quốc bảo" của Quân đội Hoàng gia Campuchia hiện nay, bởi nó sở hữu một số "tính năng mới" ở hệ thống điều khiển hỏa lực so với các tăng T-55 mà Lào hay Việt Nam sở hữu.
T-55AM1 hiện đại hơn hẳn T-55A
Theo đó, T-55AM1 vốn là phiên bản cải tiến của thế hệ T-55AM mà Tiệp Khắc sản xuất theo giấy phép chế tạo T-55 của Liên Xô cung cấp.
So với dòng T-55A của Liên Xô, T-55AM1 Tiệp Khắc được "hiện đại hóa" với hệ thống điều khiển hỏa lực Kladivo được phát triển bởi Viện nghiên cứu 060 ở Prague giai đoạn 1981-1983.
Kladivo bao gồm một máy tính đường đạn điện tử; đo xa laser (đặt ở gốc nòng pháo 100mm); một số các cảm biến; kính ngắm pháo thủ cải tiến; kính ngắm trưởng xe cùng nguồn điện...
Xe tăng T-55AM1 trong hoạt động diễu binh ở Campuchia.
Trong đó, máy tính đường đạn sử dụng bộ vi xử lí của Tiệp Khắc thu thập 8 dữ liệu từ cảm biến tự động kết hợp với dữ liệp nhập bằng tăng. Cảm biến tự động sẽ thu thập dữ liệu tốc độ xe, góc nâng hạ nòng, vị trí tháp pháo, nhiệt độ bên ngoài...
Các dữ liệu nhập thủ công bằng bàn phím với việc thu thập thông tin sơ tốc đầu nòng, thời tiết và vài yếu tố khác.
Khí tài đo xa laser Kaldivo có thể đo khoảng cách mục tiêu từ 200-3.900m. Độ chính xác với mục tiêu là xe thiết giáp của đối phương cách 3.500m ở vào khoảng 10m. Ở cự ly tối đa, các mục tiêu phải cách nhau ít nhất 30m mới có thể phân biệt và đo cự ly chính xác.
Thiết bị đo xa này có thể đo trong vòng 2 giây sau khi kích hoạt, sử dụng tối đa 6 lần mỗi phút. Khi không hoạt động, một tấm che sẽ hạ xuống bảo vệ khí tài.
Với việc tích hợp hệ thống Kladivo, hiệu suất chiến đấu của T-55AM1 so với T-55A Liên Xô tăng đáng kể. Các quá trình thử nghiệm, huấn luyện chứng minh rằng kíp lái tăng đạt tỉ lệ bắn trúng mục tiêu 47,9% với phát đạn đầu tiên, gấp 13,3 lần sử dụng T-55A.
Độ chính xác khi bắn tăng 6,4 lần khi bắn trong trạng thái đứng yên, 3,6 lần khi bắn từ các điểm dừng ngắn và 3 lần bắn trong khi hành tiến so với T-55A.
Ngoài ra, hệ thống Kladivo còn được tích hợp thêm hệ thống cảnh báo laser chiếu rọi SDIO với góc bao quát 4 phía, mỗi hướng quét 90 độ và góc cao từ -15 độ tới +45 độ. Bước sóng từ 0,85 tới 1.065 um, cự ly tối đa với laser 1MW lên tới 5km.
Tháp pháo T-55AM1 với khí tài đo xa laser đặt trên gốc nòng pháo.
Tuy nhiên, việc tích hợp Kladivo và các thành phần khác khiến trọng lượng xe tăng lên 500kg và "thiệt hại nặng nhất" là phải giảm cơ số đạn mang theo từ 43 xuống 38 viên (gồm 18 viên nổ phá HE; 4 viên xuyên giáp AP; 6 viên nổ mạnh chống tăng HEAT và 10 viên đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng APFSDS).
Giáp tăng T-55AM1 so với T-55A là không thay đổi, động cơ vẫn là loại diesel V12 4 thì 570hp V-55A.
Theo các nguồn tài liệu của Czech sau này, các xe tăng T-55AM1 không bao giờ được phép xuất khẩu tới sau năm 1990.
Họ ký hợp đồng đầu tiên là với Campuchia năm 1994 cung cấp một số lượng nhỏ (có nguồn cho là 40 chiếc), đến 1999 tiếp tục bán cho Yemen 97 chiếc khác.
Campuchia có T-55AM2?
Ngoài T-55AM1, Campuchia được cho là sở hữu vài chục chiếc T-55AM2 cũng được nhập khẩu từ Czech.
Phiên bản này vẫn sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực Kladivo nhưng cấp độ bảo vệ nâng lên với hai khối giáp BDD bó quanh mặt trước tháp pháo.
Khối giáp BDD được cho là nâng cấp độ bảo vệ tháp pháo T-55AM2 ngang ngửa với tháp pháo T-72 đời đầu, tăng tới tương đương 120mm thép chống đạn xuyên APDS và tới 200-250mm chống đạn HEAT.
Bên cạnh đó, động cơ của T-55AM2 cũng là loại mới V-55U nâng công suất lên 620hp.
Tuy nhiên, so với T-55AM1 được "quảng bá" rộng rãi, các hình ảnh T-55AM2 của Campuchia rất hạn chế, hầu như không có khiến nó trở thành "nghi án" rằng Campuchia có thể chưa bao giờ sở hữu phiên bản hiện đại này.
Video hiếm hoạt động diễn tập bắn đạn thật xe chiến đấu bộ binh BMP-1 của Quân đội Campuchia.
No comments:
Post a Comment