Những điểm đáng chú ý trong nhập khẩu vũ khí mới của Việt Nam
Theo thông lệ, cứ trung tuần tháng 3 hàng năm Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) lại công bố các báo cáo mới nhất cập nhật về tình hình chuyển giao vũ khí trên thế giới. Cơ sở dữ liệu vừa được SIPRI đưa ra có thống kê các hợp đồng Việt Nam nhập khẩu vũ khí tính tới hết năm 2018 với nhiều điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, tính trong giai đoạn 5 năm 2014 tới 2018, các hợp đồng đặt mua vũ khí mới từ nước ngoài của Việt Nam không nhiều, giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó (2009-2013).
Thống kê của SIPRI có thể chưa thật đầy đủ, nhưng đáng tin cậy để tham khảo, cho thấy thời gian gần đây số hợp đồng nhập khẩu mà Việt Nam ký kết với các đối tác nước ngoài chỉ đếm được trên đầu ngón tay so với cả chục hợp đồng mua nhiều loại vũ khí mới đã thực hiện trong giai đoạn trước đó.
Đương nhiên, với số lượng như vậy thì tổng kim ngạch (giá trị) cũng giảm.
Tên lửa phòng không S-300PMU1 lá chắn thép của Việt Nam.
Thứ hai, tuy số lượng thỏa thuận mua sắm mới ít, nhưng thật thú vị là các vũ khí Việt Nam đặt mua đều là những loại đẳng cấp, được các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá cao về mức độ hiện đại với những đặc tính kỹ - chiến thuật vượt trội so với vũ khí cùng loại.
Thứ ba, vũ khí mua sắm mới được phân bổ đều cho tất cả các quân binh chủng thay vì chỉ tập trung cho hải quân và phòng không - không quân như trước đó. Xu hướng có thể thấy rõ là lục quân Việt Nam bắt đầu được trang bị một số vũ khí mới thực sự hiện đại, tất nhiên là với số lượng còn ít.
Đồng thời, việc công nghiệp quốc phòng trong nước đã chế tạo được những khí tài thế hệ mới, nhất là phòng không không quân (radar) cũng phần nào lý giải cho việc Việt Nam trong giai đoạn này ít nhập vũ khí mới và những vũ khí đã mua từ nước ngoài trước đó về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới.
Một số hợp đồng nhập khẩu vũ khí đáng chú ý của Việt Nam trong thời gian gần đây. Nguồn: Cơ sở dữ liệu SIPRI.
Việt Nam đã nhập khẩu những vũ khí đẳng cấp nào?
Như đã nói ở trên, mặc dù từ năm 2014 tới nay, Việt Nam nhập khẩu vũ khí không nhiều như giai đoạn trước đó, nhưng các loại mà chúng ta lựa chọn đều là những sản phẩm hàng đầu thế giới. Cụ thể:
- Hợp đồng mua 64 xe tăng T-90S thế hệ mới của Nga (gồm phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và xe chỉ huy T-90SK) ký năm 2017 đã tạo ra bước đột phá cho Lục quân Việt Nam.
Thống kê của SIPRI cho thấy Nga đã bàn giao cho Việt Nam 30 xe tăng T-90S trong tổng số 64 xe theo hợp đồng. Dự kiến ngay trong năm 2019 số xe còn lại cũng sẽ được chuyển giao.
Lô xe tăng T-90S đầu tiên đã được Nga bàn giao cho Việt Nam.
- Hợp đồng mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không Spyder cùng hàng trăm quả đạn của Israel (gồm cả phiên bản tầm trung Spyder-MR và phiên bản tầm gần Spyder-SR) đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với phòng không Việt Nam khi lần đầu tiên chúng ta sở hữu một loại tên lửa tiên tiến do phương Tây chế tạo.
Điều đó cũng cho thấy nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Việt Nam được nhiều quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu trên thế giới chào đón, đặc biệt là sau khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Trước đó (2009-2013) Việt Nam cũng nhập khẩu một số loại radar cảnh giới nhìn vòng tiên tiến như EL/M-2288 AD-STAR (Israel), 36D6M (Ukraine) hay như radar cảnh giới thụ động Vera-E (CH Séc), radar RV-01/02 bắt máy bay tàng hình (Belarus, bao gồm cả chuyển giao công nghệ để Việt Nam tự chế tạo trong nước),...
Radar cảnh giới nhìn vòng 36D6M.
- Hợp đồng mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 từ Tây Ban Nha và 2 máy bay vận tải NC-212i từ Indonesia.
- Đặc biệt nhất, Việt Nam đã lần đầu tiên tiếp nhận tàu tuần tra cỡ lớn và hiện đại do Mỹ và Hàn Quốc chuyển giao.
Cụ thể, trong năm 2017, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 1 tàu tuần tra lớp Hamilton trước đây thuộc lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ. Cũng trong năm này, Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam 1 tàu tuần tra lớp Pohang và sau đó, năm 2018, 1 chiếc tàu lớp Pohang nữa được gia nhập biên chế Cảnh sát biển Việt Nam.
Những con tàu cỡ lớn như Hamilton (choán nước cỡ 3.250 tấn) và Pohang (choán nước khoảng 1.200 tấn) đã giúp Cảnh sát biển Việt Nam có thêm phương tiện để thực tốt hơn nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa và giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển.
Lữ đoàn 685 Hải quân Việt Nam huấn luyện bắn tên lửa
No comments:
Post a Comment