Novator 9M729 (tên định danh NATO là SSC-8) là tên lửa hành trình đất đối đất (GLCM) do Nga phát triển và được người Mỹ liệt vào loại "tên lửa gây tranh cãi" và cáo buộc người Nga vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Ban đầu nó được định danh trong các báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là SSC-X-8, nhưng sau đó đã được loại bỏ chữ "X" khi nó chuyển từ vũ khí thử nghiệm sang trang bị trong Quân đội Nga.
Sau khi thử nghiệm thành công đối với các bệ phóng di động và đưa vào trang bị một số lượng nhỏ, Moscow tuyên bố hệ thống tên lửa này hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí của Hiệp ước INF trong khi người Mỹ hoàn toàn không đồng ý với tuyên bố này.
Lịch sử phát triển của Dự án tên lửa 9M729
Sau một quá trình nghiên cứu và phát triển, Nga đã bắt đầu bí mật thử nghiệm các tên lửa 9M729 từ năm 2008. Lần bắn thử công khai đầu tiên vào tháng 7/2014 sau đó tên lửa được bắn thử lần 2 vào ngày 2/9/2015.
Tuy vậy các quan chức Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết việc thử nghiệm 9M729 đã không vượt quá phạm vi giới hạn của Hiệp ước INF là 500 km và là một hệ thống tên lửa tầm ngắn.
9M729 được phát triển bởi Công ty NPO Novator của Nga. Theo phân tích của Phương Tây có thể 9M729 là một biến thể bắn từ mặt đất của tên lửa hải đối đất 3M-54 Kalibr (Tên định danh của NATO là SS-N-27 Sizzler) của Hải quân Nga tương tự như 9M728.
Các nguồn tin khác cũng báo cáo 9M729 cũng có thể là một phiên bản sửa đổi của các loại tên lửa Iskander-K hoặc Kh-101.
Mặc dù hình ảnh chính thức của 9M729 chưa được phía Nga công bố, tuy nhiên phía Mỹ cho rằng nó có hình dáng khí động học tương tự 9M728.
Novator 9M729 hay SSC-8 (NATO) là tên lửa hành trình đất đối đất có chiều dài khoảng 6-8 m và đường kính 0,533 m.
Các thông tin tình báo của phương Tây thu được về các cuộc bắn thử cho thấy tầm bắn của SSC-8 dao động khá lớn trong các lần thử, tuy nhiên Trung tâm nghiên cứu quốc gia thuộc Không quân Hoa Kỳ (NASIC) năm 2017 kết luận tầm bắn tối đa của 9M729 vào khoảng 2.500 km.
Tên lửa này sử dụng một hệ thống dẫn đường GosNIPP được phát triển bởi nhà cung cấp cùng tên trực thuộc Bộ quốc phòng Nga.
Các bệ phóng di động theo thông tin tình báo là có đôi chút khác biệt nhưng cơ bản là "tương tự" với các xe phóng Iskander-M TEL (9P78-1) và hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF trong khi các nhà phân tích độc lập nghi ngờ 9M729 sử dụng xe phóng 9P701 TEL.
Vào tháng 2/2017, Mỹ đã nhận được tin tình báo rằng Bộ Quốc phòng Nga đã triển khai hai tiểu đoàn tên lửa 9M729.
Một tiểu đoàn tại trung tâm nghiên cứu thử nghiệm tên lửa Kapustin Yar, nằm ở phía tây nam nước Nga và tiểu đoàn thứ hai được cơ động từ Kapustin Yar vào tháng 12/2016 đến một vị trí không xác định trong lãnh thổ Nga để thử nghiệm. Ước tính mỗi tiểu đoàn bao gồm 4 bệ phóng, và mỗi bệ phóng có 6 ống phóng tên lửa.
Xe phóng 9P78-1 của hệ thống Iskander-M. Theo trang Lenta.ru thì với chiều dài của tên lửa 9M729 là 8,1m sẽ không phù hợp với 9P78-1, do vậy Nga sẽ phát triển xe phóng mới (9P701 TEL).
Các tranh cãi về việc chương trình tên lửa 9M729 vi phạm Hiệp ước INF
Ngay từ tháng 1/2014, Hoa Kỳ đã thông báo cho các đồng minh NATO về việc Nga đã vi phạm các quy định về tầm bắn và phương tiện phóng của Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF).
Trong một báo cáo tháng 7/2014, Hoa Kỳ đã nêu ra việc "Liên bang Nga vi phạm nghĩa vụ của mình theo hiệp ước INF về việc không sở hữu, sản xuất, thử nghiệm và tái trang bị các loại GLCM với tầm bắn từ 500 tới 5.500 km".
Vào thời điểm đó 9M729 còn chưa được NATO định danh và cũng chưa bị liệt kê chính thức là loại tên lửa vi phạm INF, tuy nhiên các nhà phân tích hiện tại thừa nhận 9M729 chính xác là loại tên lửa được đề cập trong các báo cáo của Hoa Kỳ.
Tiếp sau đó, vào 11/2016, Hoa Kỳ đã kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm thanh tra các vi phạm Hiệp ước INF của Nga. Các bên tham gia vào việc đàm phán thành lập ủy ban này bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Belarus, Kazakhstan và Ukraine.
Tuy nhiên phía Nga vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm rằng 9M729 không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của INF, và ủy ban kể trên cũng không được thành lập.
Trong báo cáo chính thức đầu tiên của Hoa Kỳ vào tháng 11/2017, Hoa Kỳ tiếp tục nhắc lại về việc phát triển và nghiên cứu tên lửa hành trình đất đối đất 9M729 của Nga.
Trong báo cáo nói rõ rằng: "Mặc dù quá trình nghiên cứu vẫn tuân thủ theo hướng dẫn của INF nhưng các cuộc thử nghiệm 9M729 (SSC-8 NATO) thì lại hoàn toàn vi phạm".
Kết luận này sau đó đã được xác nhận trong bản báo cáo Đánh giá vị thế hạt nhân của Mỹ năm 2018: "Hoa Kỳ đang bắt đầu nghiên cứu và xem xét về việc tuân thủ Hiệp ước INF đối với các nghiên cứu (của Nga) về hệ thống tên lửa đất đối đất tầm trung".
Tên lửa 9M728 được khai hỏa trong cuộc tập trận Vostok 2014.
Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, quan điểm thực sự của Nga và một cơ hội giải trừ quân bị trên phạm vi toàn cầu.
Vào ngày 19/10 năm 2018, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước INF do các vi phạm của phía Nga:
"Chúng tôi vẫn thực thi thỏa thuận và chúng tôi đã tôn trọng nó. Nhưng phía Nga, thật không may, đã không tôn trọng thỏa thuận này. Vì vậy, chúng tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận và chúng tôi quyết định sẽ rút khỏi nó''.
Về phía Nga, truyền thông Nga đã phân tích về Hiệp ước INF từ năm 2005 rằng bản thân Nga cũng đang xem xét rút khỏi INF do những bất lợi mà phía Nga gặp phải trong quá trình nghiên cứu và trang bị các loại vũ khí mới.
Vào tháng 6 năm 2013, Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Ivanov thông qua kênh tin tức nhà nước Rossiya-24 đưa ra bình luận có ngụ ý rằng Hiệp ước này mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ nhiều hơn đối với Nga, do Mỹ không phải đối mặt với các mối đe dọa tấn công tầm gần:
"Người Mỹ không cần thiết các loại vũ khí này, trước đây họ không cần tới nó và bây giờ vẫn vậy. Về mặt lý thuyết, người Mỹ chỉ có thể sử dụng các loại tên lửa này để tấn công Mexico và Canada, bởi vì tầm bắn hiệu quả của tên lửa không thể vươn tới châu Âu".
Đối với người Mỹ, mặc dù hiện tại họ đang ở vị thế tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF. Tuy nhiên trên thực tế họ vẫn cần thời gian để phát triển các hệ thống tương tự như 9M729.
Việc xem xét lại Hiệp ước INF là một thực tế tích cực cho tất cả các bên liên quan theo quan điểm cần có các cơ chế kiểm soát việc thực thi các Hiệp ước từ thời Chiến tranh Lạnh tương tự như INF (trước đây thường bị các cường quốc bỏ qua hoặc thiếu tôn trọng).
Quá trình mà Hoa Kỳ rút khỏi INF tương tự như Thỏa thuận Hạt nhân Iran sẽ nảy sinh hàng loạt các cuộc thảo luận giữa các cường quốc trên thế giới.
Đây có thể là một tín hiệu và là một cơ hội trong việc cộng đồng quốc tế tái thống nhất để đưa ra các Hiệp ước mới về giải trừ quân bị với những cơ chế ràng buộc chặt chẽ hơn.
Một Hiệp ước giải trừ quân bị có tính chất toàn cầu là yêu cầu tối cần thiết khi các hệ thống vũ khí không bị ràng buộc bởi các cơ chế cũ đang phát triển như vũ bão như một ví dụ điển hình là UAV tấn công.
Ván bài lật ngửa của Mỹ và Nga và mục tiêu tối hậu – Trung Quốc
Thông điệp của Tổng thống Trump đi cùng với các động thái phát triển tên lửa của Nga là rất rõ ràng. Thay vì chỉ có các cường quốc Chiến tranh Lạnh bị ràng buộc bởi các Hiệp ước đã lỗi thời, phần còn lại của thế giới (mà mục tiêu là sự trỗi dậy không thể kiểm soát được của Trung Quốc) cần phải đưa ra sự lựa chọn.
Một là trở lại kỷ nguyên chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang sẽ nóng bỏng và phức tạp hơn gấp nhiều lần do sự tham gia thay vì hai khối NATO và Warsaw trong quá khứ là nhiều quốc gia liên kết với nhau dưới cái ô của các cường quốc để tự bảo vệ mình.
Hai là tất cả các cường quốc cần lựa chọn một giải pháp hòa bình với một hiệp ước giải trừ quân bị sâu rộng được tất cả các bên tôn trọng và thực thi để thế giới bước sang một kỷ nguyên khác, hòa bình và ổn định hơn.
No comments:
Post a Comment