Cũng như nhiều lần xung đột giữa các "đối tác tin cậy" của NATO tại Đông Âu với Nga, tổ chức quân sự lớn nhất thế giới lại một lần nữa phản ứng lấy lệ sau vụ việc Hải quân Ukraine khiêu khích lực lượng tuần duyên Nga tại biển Azov. Điều này cũng tương tự như những gì đã diễn ra tại Gruzia năm 2008.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là kết quả của hành động khiêu khích hôm 26-11 chưa đáp ứng được mong đợi giới chức cầm quyền tại Kiev về việc NATO sẽ hành động.
Nhưng trên thực tế, Ukraine đã "cầu được ước thấy" một cách bất đắc dĩ, Nga đã ra đòn hết sức cứng rắn, cho tàu đâm húc quyết liệt, thậm chí đã nổ súng rồi bắt sống cả 3 tàu Hải quân của nước này, phản ứng chưa từng có của Moscow từ trước tới nay.
Các chuyên gia quân sự dự báo rằng, điểm nóng Ukraine nhiều khả năng sẽ còn tăng nhiệt trong thời gian tới khi thời điểm bầu cử Quốc hội và Tổng thống quốc gia Đông Âu này đang tới gần vào tháng 3 và 10-2019.
"Bạn bè hiểu nhau trong hoạn nạn"
Phản ứng của NATO trong sự kiện hải quân Ukraine va chạm với phía Nga tại biển Azov không có gì là đáng ngạc nhiên. Dù Ukraine đang nỗ lực muốn gia nhập NATO và được coi là đối tác tin cậy của khối quân sự hàng đầu thế giới này, nhưng chắc chắn không vì thế mà NATO sẵn sàng phiêu lưu quân sự với Nga.
Kịch bản một cuộc chiến không ai là người chiến thắng cuối cùng luôn là "lằn ranh đỏ" hiệu quả với những cái đầu nóng ở Mỹ và phương Tây.
Không quân Nga xuất kích bảo vệ cầu Kerch.
Trái ngược với những hành động tập trận phô trương thanh thế tiến hành cùng Quân đội Ukraine hồi tháng 10-2018, phản ứng của NATO sau vụ việc va chạm giữa Ukraine và Nga đơn giản… là bằng miệng hay đáng chú ý hơn sau đó là một chuyến bay trinh thám của NATO trên biển Đen.
Phản ứng trên của NATO không khác mấy với cuộc xung đột Gruzia năm 2008 và một lần nữa khẳng định NATO thực sự không sẵn sàng với khả năng xung đột với Nga chỉ vì những va chạm của…. "đối tác tin cậy".
Hiện chưa rõ phản ứng tiếp theo của NATO trong thời gian tới sau sự kiện va chạm giữa hải quân Ukraine và Nga tại biển Azov. Khi không thể đụng độ quân sự trực tiếp, nhưng những hành động tập trận áp sát lãnh thổ Nga vẫn có thể sẽ tiếp tục.
Kịch bản một cuộc tập trận chung giữa Ukraine và NATO áp sát lãnh thổ Nga, tương tự như các cuộc tập trận từng thực hiện tại các quốc gia Baltic rất có khả năng xảy ra. Điều này giống như đẩy "hòn than chiến tranh" tới sát lãnh thổ Nga, cũng như tiếp sức cho nỗ lực "chống lại mối đe dọa từ Nga" mà Kiev đang theo đuổi.
Tất nhiên, hành động tập trận trong bối cảnh Ukraine ban bố tình trạng thiết quân luật sẽ giúp ích rất nhiều về chính trị cho Chính quyền đương nhiệm của Ukraine vốn đang đứng trước nguy cơ thất bại nhãn tiền trong các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2019.
Các sĩ quan Không quân Mỹ đã tới Ukraine trong cuộc tập trận chung mang tên Clear Sky năm 2018.
Sự kiện trên cũng thêm một bài học cho các quốc gia đang muốn mượn oai NATO để đối phó với cái gọi là "mối đe dọa từ Nga". Các siêu cường sẽ không bao giờ lao vào trận đấu sứt đầu, mẻ trán chỉ vì những xung đột lợi ích của các quốc gia đối tác, đặc biệt khi đối thủ lại là Nga.
Ngọn lửa khiêu khích Nga tại Ukraine sẽ còn tiếp tục
Quay lại phản ứng của Kiev sau sự việc va chạm với Nga, sau đề xuất của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine về việc ban bố tình trạng chiến tranh toàn quốc 60 ngày, thì đề nghị này không nhận được sự đồng thuận của Rada (Quốc hội Ukraine).
Rõ ràng, các đảng phái chính trị của Ukraine đã nhìn rõ mục đích của chính quyền đương nhiệm đằng sau hàng loạt hành động quân sự nhằm vào Nga là để níu kéo quyền lực.
Sau 5 giờ thảo luận, Rada cuối cùng chỉ thông qua quy chế thiết quân luật cho 10/27 vùng của Ukraine: Vinnitsa, Lugansk, Nikolaev, Odessa, Sumy, Kharkiv, Chernihiv, Kherson và vùng nội thủy của Ukraina ven Biển Azov và Biển Đen trong 30 ngày; quy chế tình trạng chiến tranh chỉ được xem xét nếu xảy ra xung đột trên bộ với Nga.
Với việc không phải toàn bộ Ukraine bị thiết lập tình trạng chiến tranh, giới lập pháp Ukraine đang muốn tránh việc Kiev lợi dụng va chạm với Nga để gây ảnh hưởng tới 2 cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 3 và 10-2019 tới.
Xe tăng Ukraine tập trận.
Tuy nhiên, quyết định trên của Rada rõ ràng chưa làm thỏa mãn được chính quyền Ukraine đương nhiệm với tỷ lệ ủng hộ trước bầu cử qua khảo sát chỉ đạt hơn 7%. Chính vì thế, những hành động khiêu khích nhằm leo thang xung đột với Nga trong thời gian tới sẽ còn diễn ra để đẩy Ukraine vào tình trạng chiến tranh.
Đây là cơ hội duy nhất Tổng thống Petro Poroshenko và chính quyền đương nhiệm có thể giữ được quyền lực.
Sau hành động khiêu khích trên biển Azov, liệu miền Đông Ukraine có là điểm nóng tiếp theo? Trong năm 2018, đã ghi nhận việc tăng cường các hành động tấn công khiêu khích từ phía Quân đội Ukraine nhằm vào các tỉnh Donetsk và Lugansk.
Mới đây nhất, Quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm lại một làng trên khu vực tranh chấp thuộc tỉnh Donetsk dù địa điểm này trong khu vực giảm xung đột thuộc Thỏa thuận Minsk.
Khi ngày bầu cử Ukraine càng tới gần, những hành động khiêu khích nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục. Trong năm 2019, dù khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và Ukraine là rất thấp, nhưng điểm nóng Ukraine có thể sẽ tiếp tục âm ỉ để phục vụ lợi ích chính trị của một số cá nhân, tổ chức tại Ukraine…
Số vũ khí Nga thu được trên 3 tàu Hải quân Ukraine bị bắt sống - Pоссия 24
No comments:
Post a Comment