Nga và Ukraine đã rơi vào một trong những cuộc đụng độ căng thẳng nhất kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, khiến nhiều chính trị gia và chuyên gia nghĩ tới khả năng nổ ra xung đột công khai giữa hai quốc gia đối thủ này.
Ukraine và các đồng minh NATO – do Mỹ dẫn đầu – đã cáo buộc Nga chiếm giữ phi pháp Crimea và tiếp tay cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine trong cuộc chiến dai dẳng đã kéo dài từ năm 2014, khiến 10.000 người thiệt mạng.
Sự đối địch của hai phía đã dâng cao đáng kể sau khi phía Nga khai hỏa và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine hôm 25/11 khi chúng đi qua khu vực mà Moscow tuyên bố chủ quyền ở eo biển Kerch – nối giữa Biển Đen và Biển Azov.
Hôm thứ Ba (27/11), một ngày sau khi tuyên bố "có cơ sở nghiêm túc để tin rằng Nga đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cảnh báo về nguy cơ nổ ra "chiến tranh toàn diện với Nga".
Cũng trong ngày hôm đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã "bắt đầu kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân sự ở Quân khu miền Nam" (tổng hành dinh tại Rostov-on-Don, ngay phía đông bắc biển Azov).
Đã có những ghi nhận cho thấy nhiều xe tải quân sự vận chuyển hệ thống phòng thủ bờ biển 3K60 Bal của Nga di chuyển về phía Crimea.
Tiếp đó, trong ngày hôm qua (28/11), Nga thông báo sẽ tăng cường hệ thống phòng không tiên tiến S-400 tới Crimea.
Mặc dù khi trao đổi với tạp chí Newsweek (Mỹ), các nhà phân tích phương Tây cho rằng khó lòng xảy ra chiến tranh tổng lực giữa hai phía và Tổng thống Poroshenko đã cam kết sẽ "chuẩn bị quân đội sẵn sàng", cũng như "tăng cường biên giới" nhưng trong trường hợp xảy ra xung đột, Ukraine sẽ bị vượt trội về quân số và sức mạnh hỏa lực.
Binh lính Ukraine khai hỏa súng máy trong cuộc giao tranh với lực lượng ly khai ở Avdiivka, vùng Donetsk cuối tháng 3/2017. Ảnh: Getty
Sở dĩ như vậy vì theo Newsweek, sau khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, Ukraine đã có trong tay khoảng 5.000 vũ khí hạt nhân – lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Nga và Mỹ. Tuy nhiên, sau khi tách thành quốc gia độc lập, Ukraine thiếu hụt công nghệ để triển khai những vũ khí này, cũng như kinh phí để bảo dưỡng chúng.
Để duy trì hòa bình với Nga, Ukraine đã giao lại gần hết kho vũ khí hủy diệt và phá hủy số vũ khí còn lại để lấy kinh phí.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea. Do không có lực lượng răn đe hạt nhân và lực lượng phi hạt nhân lại khá khiêm tốn nên ngay cả khi có sự hỗ trợ của các cố vấn quân sự Mỹ, quân đội Ukraine không thể giành lại quyền kiểm soát Crimea và rơi vào cuộc chiến với ly khai miền đông.
Quân số
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, lực lượng vũ trang nước này có quân số 250.000 người, trong đó khoảng 204.000 quân thường trực. Trong khi đó, theo ước tính năm 2018, quân số của quân đội Nga là 1,9 triệu người, trong đó có 1.013.628 quân thường trực.
Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, mức chi tiêu quân sự của Nga vào năm 2017 là 66,3 tỷ USD, trong khi của Ukraine chỉ là 3,6 tỷ USD.
Xe tăng
Nga có lực lượng xe tăng lớn nhất trên thế giới, với 20.000 xe tăng. Năm ngoái, chính phủ Ukraine cho biết số lượng xe tăng Nga được triển khai ngầm để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở Ukraine đã lên tới 680 chiếc – chỉ riêng con số này cũng đã vượt trên số lượng xe tăng của Anh và Đức cộng lại.
Tuy nhiên, Moscow phủ nhận việc hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở Donbass.
Binh lính Ukraine đứng bên trong cánh cổng một căn cứ ở Perevalne, Crimea hồi tháng 3/2014. Bên ngoài là các các binh sĩ giấu mặt, vũ trang hạng nặng, được cho là người của Bộ chỉ huy quân đội Nga. Ảnh: Getty
Hải quân
Về hải quân, Ukraine đã mất đi nhiều tàu chiến khi Nga giành quyền kiểm soát Crimea, thêm 3 tàu nữa của họ đã bị bắt giữ trong vụ việc ngày 25/11 vừa qua.
Mặc dù tàu sân bay duy nhất của Nga đã bị hư hại trong tai nạn chìm ụ khô hồi tháng trước nhưng Hạm đội Biển Đen vẫn có tới hàng chục tàu chiến, và hải quân Nga dự kiến sẽ nhận thêm 26 tàu nữa vào cuối năm nay.
Trong bài viết trên tờ CNN hôm qua, nhà bình luận Michael Bociurkiw nhận định Ukraine "chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với Nga trên biển", và nếu tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ lên bờ biển Azov, lực lượng Nga sẽ gặp phải "rất ít sự phản kháng".
Máy bay
Theo Newsweek, Ukarine đã mất hàng chục máy bay sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, ngay cả khi vẫn còn trong tay Ukraine thì số máy bay này cũng dường như không thể hoạt động.
Trong bài viết đăng hồi tháng 4/2014 trên tờ War is Boring, nhà báo David Axe dẫn số liệu từ một bản khảo sát địa phương cho biết, "chỉ có 16 máy bay Su-27, 24 chiếc MiG-29, 35 chiếc Su-24 và 24 chiếc Su-25 của Ukraine bay được vào thời điểm một tháng trước khi Nga sáp nhập Crimea", và "chỉ 15% số máy bay của Không quân Ukraine sẵn sàng chiến đấu".
Bản đánh giá hồi tháng trước của nhà nghiên cứu Mykola Bieliesko thì cho biết, sau vụ tai nạn chết người của chiếc Su-27UB1M (do một phi công Ukraine và một phi công Mỹ điều khiển), lực lượng Không quân Ukraine chỉ còn 17 chiếc Su-27 và 21 chiếc MiG-29 – mẫu tiêm kích chiến thuật tầm ngắn hạng nhẹ tương tự F-16".
Ngoài ra, theo ông Bielieskov, Ukraine có thể "tập hợp 13 cường kích Su-25, 12 tiêm kích-bom Su-24, 46 máy bay huấn luyện L-39 – chúng có thể đảm nhiệm vai trò tấn công hạng nhẹ". Nước này còn có một số máy bay vận hải hạng nặng, máy bay trinh sát và trực thăng.
Trong khi đó, bản báo cáo sức mạnh quân sự Nga năm 2017 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng cho biết:
Nga có tới 141 máy bay ném bom, 420 máy bay tiêm kích, 345 cường kích, 215 máy bay tấn công, 32 máy bay trinh sát điện tử, 22 máy bay chỉ huy & cảnh báo sớm đường không, 6 máy bay chỉ huy và kiểm soát, 15 máy bay tiếp dầu, 122 máy bay vận tải hạng nặng và 198 máy bay huấn luyện.
Không quân nga sẽ còn tiếp nhận thêm nhiều máy bay được hiện đại hóa trong năm nay.
Một cuộc tập trận của Quân khu miền Nam Nga hồi tháng 8/2016. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Sức mạnh hỏa lực
Trong bài viết cho Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao hồi tháng 8 năm nay, nhà phân tích Denys Kiryukhin cho biết, lực lượng Ukraine đã suy giảm từ "780.000 lính, 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu và hơn 500 tàu chiến" thời hậu Xô Viết xuống còn "184.000 lính, gần 700 xe tăng, 170 máy bay chiến đấu và 22 tàu chiến" vào đầu năm 2013.
Song, Kiryukhin lưu ý rằng, "quá trình hiện đại hóa quân sự toàn diện, dự kiến hoàn tất vào năm 2020, vẫn đang được tiến hành", đồng thời nhấn mạnh rằng "đây sẽ là những chương trình cải cách thành công nhất kể từ khi Ukraine trở thành quốc gia độc lập".
Trong bài viết do tạp chí National Interest đăng tải hồi tháng 2, chuyên gia Mykola Bielieskov tranh luận rằng "quân đội Ukraine đang quay trở lại" sai một thời gian dài kể từ năm 2014.
Ông Bielieskov trích dẫn số liệu tăng trưởng trong mức chi tiêu quốc phòng của Ukraine, cùng với các chương trình phát triển tên lửa của nước này và nhấn mạnh Kiev có tới "71 chiến đấu cơ thế hệ 4 có khả năng hoạt động đầy đủ".
Cũng theo ông Bielieskov, quân đội Ukraine đã tiếp nhận tổng cộng 4.142 xe tăng và xe bọc thép trong năm 2014, 3.227 chiếc trong năm 2015 và 530 chiếc trong năm 2016. Theo vị chuyên gia, "Ukraine đã thỏa mãn nhu cầu về xe tăng và xe bọc thép".
Tuy nhiên, do Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên liên minh quân sự phương Tây không có nghĩa vụ phải thay Ukraine can dự vào vụ việc lần này. Theo Newsweek, họ sẽ có xu hướng để Kiev tự mình đối mặt với Moscow.
"Ngay cả khi NATO có can thiệp đi chăng nữa thì các chuyên gia cho rằng những thiếu sót về mặt tổ chức và chiến lược có thể sẽ khiến liên minh này chịu thiệt hại nghiêm trọng khi đối đầu với Nga" - tạp chí Mỹ kết luận.
No comments:
Post a Comment