Căng thẳng dâng cao
Các sự việc đang diễn tiến rất nhanh trong khi thông tin chi tiết từ cả hai phía vẫn còn mơ hồ nhưng chúng ta có thể nhận thấy một điều rằng, căng thẳng vốn dĩ đã tích tụ tại biển Azov – vùng biển nông nằm giữa Ukraine và Nga – đang dâng cao.
Các báo cáo cho biết một tàu Nga đã đâm húc vào tàu kéo Yany Kapu của Ukraine, khiến nó hư hỏng nặng. Con tàu này nằm trong nhóm 3 tàu của Ukraine (trong đó có 2 tàu pháo Berdiansk và Nikopol) khi ấy đang di chuyển từ cảng Odessa ở Biển Đen tới thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.
Phía Ukraine còn cáo buộc các tàu Nga đã nã đạn vào 1 trong 2 tàu pháo của họ, khiến một số thủy thủ bị thương. Moscow tiếp tục điều động trực thăng tấn công theo sát một nhóm tàu nhỏ của Ukranie sau vụ việc.
Hải quân Ukraine công bố ảnh chụp màn hình cho thấy Don - tàu biên phòng của Nga - đã cố gắng ngăn một tàu kéo của Hải quân Ukraine trên đường từ cảng Odessa (Biển Đen) đi qua eo biển Kerch để tới cảng Mariupol ở biển Azov.
Trong khi đó, Nga cáo buộc các tàu Ukraine đã có những hành động hung hăng sau khi xâm phạm vào lãnh hải của Nga.
Không bao lâu sau khi xảy ra vụ việc, Nga đã phong tỏa lối vào biển Azov bằng cách bố trí một tàu chở hàng ở ngay lối vào dưới cây cầu dài gần 20km mà họ đã xây dựng gần đây bắc ngang qua eo biển Kerch.
Nhiều ý kiến cho rằng, cây cầu này một phần được Nga xây dựng với chủ định phòng bị cho những tình huống như thế này, để chặn tuyến đường dẫn tới các cảng miền đông Ukraine và xa hơn nữa nếu đi từ Biển Đen.
Hiện các trực thăng tấn công Ka-52 và cường kích Su-25 đang tuần tra eo biển Kerch như một phần của chiến dịch phong tỏa.
Máy bay Nga quần thảo tại khu vực cây cầu bắc ngang eo biển Kerch
Trong bài viết trên trang mạng Drive, hai nhà phân tích Tyler Rogoway và Joseph Trevithick cho biết, trong nhiều tháng qua, Ukraine đã cảnh báo rằng Nga sẽ chặn đường vào biển Azov đối với những tàu nào muốn di chuyển tới các cảng biển của Ukraine, nhằm làm suy yếu hơn nữa nền kinh tế của Kiev và áp đặt kiểm soát toàn diện đối với vùng biển này.
Một số ý kiến cho rằng hành động như trên sẽ mở đầu cho một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm chiếm giữ các thành phố cảng của Ukraine.
Nga được cho là đang gây trở ngại cho tuyến giao thông hàng hải dẫn tới các cảng Ukraine thông qua eo biển Kerch trong nhiều tháng qua và toàn bộ khu vực này đang được đặt trong mạng lưới tác chiến điện tử liên tục của Moscow, nhiều ghi nhận cho thấy các hoạt động gây nhiễu GPS diễn ra thường xuyên.
Bên cạnh đó, theo hai nhà phân tích, Nga cũng đang có các động thái củng cố lực lượng quân sự ở bờ đông biển Azov.
Một cuộc chiến tranh tổng lực sắp bùng nổ?
Theo Rogoway và Trevithick, hiện tại, các lực lượng quân sự từ cả hai phía đang đổ về khu vực này và một cuộc xung đột toàn diện có nguy cơ nổ ra cao hơn bao giờ hết.
Sau khi kêu gọi cuộc họp nội các khẩn cấp, Tổng thống Ukarine Poroshenko đã ra lệnh cho toàn bộ quân đội Ukraine sẵn sàng cho một cuộc xung đột tổng lực - tình huống mà ông đã cảnh báo trong nhiều tháng qua.
Khoảnh khắc tàu Nga va chạm với tàu Ukraine trên Biển Đen
Hai nhà phân tích Rogoway và Trevithick nhận định, điều có thể diễn ra tiếp theo là Nga tiến hành một chiến dịch tác chiến điện tử xung quanh biển Azov để hạn chế hoạt động của các các lực lượng Ukraine trong khu vực.
Ngoài ra, NATO có thể sẽ điều máy bay trinh sát tới khu vực này với tần suất cao hơn nhiều so với trước đây để phát hiện và ghi nhận các hoạt động tác chiến điện tử của Nga, cũng như thu thập các thông tin tình báo quan trọng về vị trí, động thái di chuyển lực lượng… để xác định xem ý định của Moscow là gì.
Rogoway và Trevithick cho rằng, tình trạng giằng co tại eo biển Kerch là điều không thể tránh khỏi nhưng điều này sẽ khiến tình hình leo thang quân sự tới mức nào thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mục đích của Nga.
Theo hai nhà phân tích, nếu như các lực lượng Nga chủ định lên kế hoạch sự việc lần này, chứ không phải ngẫu nhiên (mặc dù rất ít khả năng) thì họ đã có sẵn một kết quả trong đầu.
Nếu như đây là một động thái đe dọa nhằm tăng cường quyền kiểm soát của Nga đối với biển Azov thông qua việc thiết lập một đợt phong tỏa ngắn thì chúng ta sẽ thấy tình hình bớt leo thang không bao lâu sau vụ đụng độ ban đầu và sau màn phô diễn lực lượng của Nga.
Còn nếu đợt phong tỏa này được lên kế hoạch lâu dài thì đó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác, một vấn đề phức tạp hơn nhiều về địa chính trị và quân sự.
Tuy nhiên, dù thế nào thì nguy cơ bùng phát xung đột trong khu vực đã tăng cao. 24h tiếp theo sẽ là những thời khắc đầy nguy hiểm và chúng ta chỉ có thể hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ vào cuộc, tìm cách đi đến các thỏa thuận giảm leo thang.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của hai nhà phân tích Tyler Rogoway và Joseph Trevithick
No comments:
Post a Comment