Những tuyên bố đầy khiêu khích của giới lãnh đạo Ukraine về mối đe dọa Nga, sẽ lấy lại bán đảo Crimea hay những hành động khiêu khích quân sự ở miền Đông, tập trận chung với NATO và mới đây nhất là vụ đụng độ giữa xuồng Hải quân Ukraine với tàu chiến thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) Nga tại sao lại diễn ra vào thời điểm cuối năm 2018.
Rõ ràng có nhiều điểm bất thường trong hành động của Kiev thời gian qua.
Phải chăng giới chức Ukraine đang muốn chuyển lửa ra ngoài, hướng sự chú ý của dư luận trong nước, thậm chí là hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 và 10-2019.
Dù chưa công khai, nhưng có nhiều sự liên quan giữa hành động khiêu khích Nga với các cuộc bầu cử sắp tới tại Ukraine.
Hải quân Ukraine công bố ảnh chụp màn hình cho thấy Don - tàu biên phòng của Nga - đã cố gắng ngăn một tàu kéo của Hải quân Ukraine trên đường từ cảng Odessa (Biển Đen) đi qua eo biển Kerch để tới cảng Mariupol ở biển Azov.
Những hoạt động quân sự dồn dập trong năm 2018
Năm 2018 có thể coi là năm có nhiều hoạt động quân sự đối với Ukraine. Không khó để nhận ra, trong năm 2018, đặc biệt là trong nửa cuối năm, hoạt động tấn công khiêu khích của Quân đội Ukraine, các tổ chức cực hữu nhằm vào Donetz và Lugansk ở miền Đông gia tăng đáng kể.
Điều này không chỉ được phía Nga cảnh báo, mà các hình ảnh giao tranh trên thực địa đã được công bố trên nhiều diễn đàn quân sự.
Đây có thể coi là điểm khác lạ so với tình hình chiến sự vốn đã lắng dịu suốt vài năm qua. Phải chăng Kiev đã đủ lực để quyết tâm giành lại miền Đông bằng quân sự? Đó có lẽ là câu hỏi khó với Kiev. Tuy nhiên, động thái quân sự tại miền Đông chắc chắn có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị tại Ukraine nhất là thời điểm trước khi bầu cử.
Năm 2018 cũng ghi nhận một hoạt động quân sự quy mô lớn khác của Ukraine nhằm vào Nga. Đó là cuộc tập trận chung quy mô lớn với NATO hồi tháng 10-2018. Theo nhiều nguồn tin, toàn bộ hệ thống phòng không-không quân Ukraine đã được yêu cầu tham gia tập trận.
Đối thủ giả lập của cuộc tập trận là ai nếu không phải là Nga, tương tự như các cuộc tập trận của NATO diễn ra tại Đông Âu trong suốt nhiều năm qua.
Đối đầu hải quân Nga-Ukraine: Máy bay Su-25, trực thăng Ka-52 xuất kích, tàu chiến nã đạn.
Ukraine đã theo đuổi việc gia nhập NATO và cuộc tập trận cũng là một hành động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và NATO của Kiev không chỉ về quân sự, mà cả về chính trị, khi tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền của Tổng thống Petro Poroshenko đang chạm đáy với hơn 7%.
Con số này thậm chí còn thua một số ứng cử viên độc lập trong cuộc chạy đua bầu của Quốc hôi và Tổng thống Ukraine sắp tới.
Và có lẽ, sự kiện va chạm giữa tàu hải quân Ukraine và tàu chiến FSB Nga cũng nằm trong chiến lược khiêu khích quân sự để kiểm soát chính trị của Kiev. Thông tin và hình ảnh của cuộc va chạm đã được công khai.
Rõ ràng, các xuồng cao tốc của Hải quân Ukraine đã phớt lờ cảnh báo của tàu chiến FSB khi vi phạm lãnh hải Nga trên biển Azov và cố gắng tiếp cận cây cầu vượt qua Vịnh Kerch. Không cần biết đúng sai, Kiev cũng chỉ cần có vậy để biến nó thành lợi thế chính trị có lợi cho đảng cầm quyền…
Kịch bản… tình trạng chiến tranh
Không khó để dự đoán, sau hành động khiêu khích để chờ đòn trả đũa từ phía Nga, Chính quyền Ukraine vừa công bố thông tin sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh và Quốc phòng trong tối 26-11 để xem xét khả năng ban bố tình trạng chiến tranh.
Đối với nhiều quốc gia khác, việc ban bố tình trạng chiến tranh là việc cực chẳng đã, nhưng với Kiev hiện tại thì đây lại là cứu cánh duy nhất.
Với tỷ lệ ủng hộ chỉ hơn 7%, kịch bản chính quyền của Tổng thống Petro Poroshenko sụp đổ và thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong năm 2019 là điều tất yếu. Điều này còn kéo theo việc các tổ chức cực hữu vốn đang làm mưa, làm gió tại Ukraine có thể bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu Ukraine ban bố tình trạng chiến tranh. Một khi tình trạng chiến tranh được ban bố, một điều chắc chắn có thể thấy là cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống Ukraine dự kiến diễn ra trong tháng 3 và 10-2019 có thể bị hủy bỏ.
Tổng thống Petro Poroshenko.
Điều này đồng nghĩa với việc ông Petro Poroshenko sẽ tiếp tục giữ cương vị Tổng thống, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine.
Ngoài ra, quyền lực của Tổng thống Ukraine cũng được mở rộng với quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, cũng như cấm hoạt động biểu tình, đồng hành hay trưng cầu dân; cầm hoạt động của đảng phái ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, quốc phòng; quyền trưng dụng tài sản phục vụ cho hoạt động quân sự…
Đối với chính quyền Kiev hiện tại, đó có lẽ là chiếc phao cứu sinh duy nhất để tránh khả năng rớt khỏi vũ đài quyền lực tại Ukraine.
Việc này giúp giải thích tại sao Kiev thời gian qua lại tăng cường các hoạt động quân sự tại miền Đông, cũng như khiêu khích nhằm vào Nga.
Nhiều khả năng đây là những bước đi liên hoàn để đẩy Ukraine vào cuộc xung đột với Nga và tạo cơ hội để Kiev có thể tránh được các cuộc bầu cử trong năm 2019 với việc tuyên bố tình trạng chiến tranh.
Cuộc phiêu lưu quân sự của Kiev để níu giữ quyền lực chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Và không ai khác, Nga sẽ tiếp tục là mục tiêu. Hành động của Kiev chắc chắn sẽ nhận được sự hậu thuận từ bên ngoài để đẩy bất ổn tới sát biên giới Nga.
Vậy, hãy chờ xem giới chức Ukraine liệu có thành công với con bài quân sự phiêu lưu đang thực hiện…
No comments:
Post a Comment