Chiến dịch do thám mang mật danh "Gien Đen"
Cách đây đúng 45 năm, một tiêm kích phản lực MiG-21 của Liên Xô do Đại úy phi công Gennady N. Eliseev điều khiển đã lao thẳng vào chiếc máy bay trinh sát RF-4C Phantom đang bay ở vận tốc siêu thanh, kịp thời ngăn chặn nó chạy trốn mang theo những dữ liệu tuyệt mật về không phận Liên Xô.
Người lái chiếc RF-4C Phantom là Thiếu tá phi công Iran Mohamed Shokouhnia nhưng ngồi phía ghế sau còn có thêm một cơ phó người Mỹ - Đại tá Không quân John Saunders.
Câu chuyện bình phong đằng sau phi vụ bí mật này được dàn dựng theo kịch bản: Phi công Mỹ đang hướng dẫn học viên Iran lái một loại máy bay mới và "vô tình" đi vào không phận Liên Xô.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm này đang tham gia vào một nhiệm vụ tình báo trong Chương trình Do Thám Trên Không mang mật danh "Project Dark Gene" (Dự án Gien Đen) được Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Không quân Đế chế Iran (IIAF) cùng phối hợp thực hiện từ những năm 1960 tới cuối những năm 1970.
Mục đích chính của chiến dịch này là tìm cách phát hiện và khai thác những kẽ hở trong hệ thống phòng không của Liên Xô triển khai dọc theo biên giới Liên Xô - Iran, kéo dài từ Caucasus tới Trung Á.
Từ sau cuộc đảo chính năm 1953 cho tới tận Cách mạng Hồi giáo 1979, Iran và Mỹ vẫn duy trì các quan hệ hết sức gần gũi. Dưới thời lãnh đạo của Mohammad Reza Shah, Iran từng là địa bàn để Mỹ bám trụ tại Trung Đông và là nguồn cung cấp dầu lửa đáng tin cậy cho Washington.
Đổi lại, Tehran nhận được các gói trợ giúp quân sự và kinh tế từ nước bạn bè bên kia Đại Tây Dương: Washington hào phóng cung cấp vũ khí, trang bị và phái các chuyên gia quân sự sang cố vấn cho đế chế Iran.
Máy bay trinh sát RF-4C Phantom II của KQ Mỹ. Ảnh: Sputnik
Theo nhà phân tích an ninh và quân sự Sebastien Roblin, năm 1971, Tehran đã tiếp nhận của Mỹ 24 máy bay trinh sát RF-4C Phantom cùng những thiết bị được hoán cải đặc biệt nhằm phục vụ mục đích nghe lén mạng lưới thông tin Liên Xô.
Trên chiếc mũi thon dài của nó, RF-4C được trang bị một số camera chụp ảnh trên không. Phi đội lái dòng máy bay này cũng có thể sử dụng camera với ống kính tiêu cự dài gắn ở hộp chứa bên ngoài. RF-4C có thể chụp ảnh cả ban ngày lẫn bay đêm, từ cả độ cao cực thấp tới độ cao cực xa.
Ngoài ra, máy bay còn được trang bị một máy scan hồng ngoại và một trạm thu phát radar cùng 4 tên lửa không đối không có điều khiển.Thông thường, chiếc RF-4C hai ghế ngồi thực hiện các phi vụ bay do thám 2 lần một tháng và luôn luôn có cả người Mỹ và người Iran cho mỗi chuyến bay.
"Tên lửa sống" MiG-21 tiêu diệt RF-4C Phantom
Ngày 28/11/1973, một lần nữa các hệ thống phòng không mặt đất Liên Xô phát hiện thấy một vụ xâm phạm biên giới. Đại úy Gennady Eliseev, 35 tuổi, Phó chỉ huy phi đội thuộc Trung đoàn Không quân Tiêm kích Số 982 nhận được mệnh lệnh xuất kích đánh chặn "máy bay lạ" từ Phi trường Vaziani, khi đó nằm ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Gruzia (Georgia).
Tiêm kích MiG-21 của Eliseev tiếp cận chiếc RF-4C Phantom khi nó đã rời không phận Liên Xô. Lúc đó, chiếc máy bay trinh sát Phantom đang bay ở vận tốc Mach 1,4 (khoảng 1.700 km/h).
Đại úy Eliseev quyết định khai hỏa. Anh phóng cả hai quả Vympel K-13, loại tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn hướng hồng ngoại vào chiếc RF-4C nhưng không hạ gục được nó.
Mặc dù MiG-21 được trang bị pháo 23 mm nhưng sau này nhiều giả thuyết cho rằng khi Eliseev nhấn nút thì đạn đã bị tắc.
Tiêm kích MiG-21. Ảnh: Sputnik
Tuy nhiên, Eliseev không thể để chiếc Phantom bỏ chạy dễ dàng như vậy. Nó đã làm gì trên không phận Liên Xô? Nó mang theo loại vũ khí, thiết bị gì trên khoang? Lựa chọn duy nhất lúc này cho phi công Eliseev là lao thẳng MiG-21 vào chiếc máy bay do thám đó.
Khi bị tiêm kích siêu thanh Liên Xô đâm vào, chiếc RF-4C lao xuống mất kiểm soát nhưng MiG-21 cũng bị phát nổ trên không, phi công hy sinh, còn phi đội lái Phantom đã kịp nhảy thoát ra ngoài, bỏ lại chiếc máy bay trinh sát bị phá hủy.
Sau khi tiếp đất, Shokouhnia và Saunders bị lực lượng biên phòng Liên Xô bắt giữ. Vài tuần sau sự việc, hai phi công này được trao trả lại Iran để đổi lấy thông tin về một vệ tinh Liên Xô rơi xuống lãnh thổ Iran trước đó.
Shokouhnia tiếp tục phục vụ trong không quân Iran, nhưng giống như số phận đã được định đoạt, phi công này đã bị một chiếc MiG của Iraq bắn hạ trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm 1982.
Còn Đại úy Gennady N. Eliseev sau này được truy tăng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
MiG-21 Liên Xô bay trình diễn theo đội hình
No comments:
Post a Comment