Trận không chiến vô tiền khoáng hậu
Trong cuộc chiến ở thung lũng Bekaa năm 1982, Không quân Israel và Không quân Syria đã có một trận đối đầu nảy lửa, lớn nhất trong lịch sử các trận không chiến thời hiện đại khi 96 tiêm kích Do Thái cùng 1 đơn vị UAV đương đầu với 100 tiêm kích Syria được hỗ trợ bởi 19 tổ hợp tên lửa phòng không.
Israel có một cuộc đối đầu quân sự lịch sử dai dẳng với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là từ những năm 1960 cho tới những năm 1980. Đã có hàng loạt trận chiến quy mô nhỏ xảy ra với Ai Cập mà kết quả là Không quân Israel đã nhận được nhiều bài học đau đớn khi mất một lượng lớn máy bay chiến đâu do bị tên lửa phòng không bắn hạ.
Tuy nhiên Không quân Do Thái rút kinh nghiệm rất nhanh từ những bài học thất bai, và vào ngày 09/06/1982, họ đã tấn công 19 đơn vị tên lửa phòng không của Syria triển khai ở gần biên giới.
Tiêm kích Israel dàn đội hình.
Chỉ trong vòng 2 giờ đầu tiên của cuộc chiến, Không quân Israel đã phá hủy 17 tổ hợp tên lửa phòng không Syria mà không để mất một máy bay nào. Sau đó sự việc đã khiến một cuộc đối đầu bùng phát dữ dội.
Syria đã tung tới 100 tiêm kích MiG (chủ yếu là MiG-21) lên đối đầu với 96 chiến đấu cơ F-15, F-16 và F-4 của Israel sau khi các máy bay này tấn công các trận địa tên lửa phòng không.
Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C Hawkeye Israel lập tức phát hiện ra sự xuất kích ồ ạt của máy bay tiêm kích Syria và truyền tình báo trên không cho chiến đấu cơ quân nhà.
Các chiến đấu cơ của Israel hiện đại so với Syria đã bắn cả 2 loại tên lửa gồm Sidewinder tầm nhiệt và Sparrow điều khiển bằng radar, tiêu diệt 29 tiêm kích của Syria.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của Không quân Israel vẫn chưa được coi là hoàn thành. Họ vẫn còn 2 trận địa tên lửa phòng không nữa cần phải tiêu diệt. Do vậy, vào ngày 10/06, các chiến đấu cơ Israel lại xuất kích.
Một lần nữa, nhiều tiêm kích Syria cất cánh nghênh chiến, và với lối đánh sáng tạo, Không quân Israel lại một lần nữa đè bẹp đối phương và bắn hạ tổng cộng 35 máy bay của Syria trong khi họ không phải chịu bất cứ tổn thất nào.
Tiêm kích F-15 của Không quân Israel trong cuộc tập trận Red Flag 2004.
Nhờ đâu Israel khiến Syria chịu thất bại nặng nề?
Chiến thắng vang dội này có được là nhờ nhiều yếu tố. Thứ nhất, phi công Israel đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các trận không chiến cũng như được đào tạo huấn luyện hết sức kỹ càng.
Hơn nữa, họ còn có những "mắt thần" trên không E-2C biết địch, biết ta một cách chính xác để cung cấp "bức tranh toàn cảnh" cho tiêm kích quân nhà chọn mục tiêu, hướng tiếp cận hợp lý để công kích
Thứ hai, Syria "tự bắn vào chân mình". Không quân Syria dẫn bay cho phi công của mình từ một trạm chỉ huy mặt đất nhưng lại không thể liên lạc được với tiêm kích quân nhà do bị Israel gây nhiễu nặng. Tiêm kích Syria dù đông nhưng lại "như mù", lúng túng không thể triển khai thế trận đánh trả hữu hiệu.
Trong bài viết trên tờ Air Power, một nhà bình luận quân sự phương Tây theo dõi trận không chiến lịch sử này đã nói: "Tôi thấy một nhóm chiến đấu cơ Syria bay theo hình số 8. Họ bay lòng vòng và dường như trước đó không có ý đồ chiến thuật là sẽ định tác chiến như thế nào".
Trung tướng Leonard Perroots, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ thời điểm đó đã chỉ ra rằng chính sự lười nhác của các chỉ huy trận địa tên lửa phòng không Syria đã khiến họ phải chịu tổn thất nặng:
"Phòng không Syria sử dụng các tổ hợp tên lửa cơ động trong một đội hình cố định, họ đưa cá đài radar vào các thung lũng thay vì đưa lên đồi cao bởi vì họ không muốn đào đắp công sự".
Cuộc chiến quy mô giữa Israel và Syria còn tiếp diễn cho tới tận tháng 7/1982. Trong vòng hơn 1 tháng không chiến liên tục, Không quân Israel chỉ mất có 2 chiến đấu cơ, trong khi đó Không quân Syria phải trả một cái giá rất đắt khi chịu tổn thất tới ít nhất 87 chiếc tiêm kích hiện đại.
No comments:
Post a Comment