Tinh hoa vũ khí Việt lần đầu ra nước ngoài và tỏa sáng
Trong những năm gần đây, lĩnh vực đóng mới tàu quân sự của công nghiệp quốc phòng Việt Nam (CNQP) đã có những bước tiến vượt bậc.
Các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã triển khai thành công nhiều dự án lớn, đóng thêm nhiều con tàu mới, hiện đại để trang bị cho Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trong số đó phải kể đến tàu tuần tra cao tốc TT-400 và tàu pháo cao tốc TT-400TP được coi là những sản phẩm thực sự "Made in Vietnam". Cả 2 mẫu tàu này không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn.
Gian hàng của CNQP Việt Nam tại Indo Defence 2018.
Và điều đó đã sắp thành sự thực khi lần đầu tiên ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam tham gia Indo Defence 2018 - triển lãm quân sự quy mô lớn bậc nhất khu vực, quy tụ nhiều tập đoàn chế tạo vũ khí hàng đầu thế giới và mẫu tàu tuần pháo cao tốc TT-400TP là một trong những ngôi sao sáng của vũ khí "Made in Vietnam".
Đây là những sản phẩm do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo hoặc nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài, đã được trang bị và kiểm nghiệm trong thực tế huấn luyện, phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt Nam, bám sát được những xu hướng phát triển mới nhất trên thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự.
Mô hình tàu pháo TT-400TP đã xuất hiện trang trọng bên cạnh những mẫu tàu khác của Việt Nam đem đi giới thiệu lần này.
Được biết, từ thiết kế sơ bộ mua từ nước ngoài, các nhà thiết kế Việt nam đã chi tiết hóa theo yêu cầu sử dụng trong nước để từ đó hoàn toàn làm chủ từ khâu thiết kế cho tới thi công đóng mới các TP-400, và coi đây là một trong những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Tàu pháo cao tốc TT-400TP Việt Nam (ngoài cùng bên phải) được giới thiệu tại IndoDefence 2018. Ảnh: QPVN.
Lợi thế nào TT-400TP đang có để tỏa sáng ở nước ngoài?
Để một sản phẩm vũ khí nói chung "hút khách", nó phải hội tụ rất nhiều yếu tố vượt trội. Và tàu pháo TT-400 Việt Nam đang có cả điều kiện cần và điều kiện đủ để lần đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài. Cụ thể:
Thứ nhất, có những đặc tính kỹ - chiến thuật vượt trội như tốc độ cao (32 hải lý/h), tầm hoạt động rộng (2.500 hải lý) và đặc biệt là chúng có thể hoạt động liên tục trên biển trong vòng 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5, đảm bảo hoạt động tuần tra dài ngày trên biển xa mà không cần phải tiếp tế.
So với mẫu tàu tuần tra Svetlyak tương tự do Nga thiết kế và đóng mới, tàu TT-400TP của "Made in Vietnam" vượt trội về tốc độ cũng như khả năng tuần tra dài ngày trên biển trong khi vũ khí, trang bị không hề thua kém.
Đặc biệt, qua thực tế sử dụng tại đơn vị đối với 3 tàu đầu tiên, các kỹ sư Việt Nam đã điều chỉnh một số chi tiết thuận tiện cho việc sử dụng, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên tàu, phù hợp với yêu cầu đặt ra của Quân chủng Hải quân khi hoạt động, thao tác trên biển. Nhờ vậy, các tàu TT-400 thuộc loạt sau đã được tối ưu hóa.
Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, các nhà thiết kế, đóng tàu Việt Nam sẵn sàng đáp ứng một cách tốt nhất theo yêu cầu của khách hàng (bao gồm cả khách hàng nước ngoài).
Thứ hai, giá phải chăng. Đứng trước các sản phẩm quân sự có đặc tính kỹ - chiến thuật tương tự nhau thì giá là một yếu tố then chốt có thể thu hút khách hàng đưa ra quyết định cuối cùng. Và TT-400TP Việt Nam đang có lợi thế ấy bởi chỉ riêng việc mua thiết kế sơ bộ từ nước ngoài đã giúp tiết kiệm được khoảng 10 triệu USD.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều vật liệu trong nước cũng giúp giảm giá thành sản phẩm, chưa kể Việt Nam còn có lợi thế về chi phí nhân công rẻ hơn đáng kể so với các quốc gia khác.
Tàu pháo TT-400TP do Việt Nam tự thiết kế và đóng mới.
Thứ ba, có thể đóng nhanh, nhiều một khi hợp đồng xuất khẩu được ký kết. Thật vậy, trong những năm gần đây các cơ sở đóng tàu quân sự của Việt Nam đã được đầu tư lớn, bắt kịp trình độ về công nghệ ở đẳng cấp khu vực và thế giới.
Đồng thời việc áp dụng ISO đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn về quản lý chất lượng theo thông lệ quốc tế vốn khá khắt khe đối với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu trong đó có các sản phẩm quân sự.
Hiện nay, Nhà máy đóng tàu Z173 đã hoàn toàn làm chủ công nghệ đóng tàu TT-400TP theo phương thức tổng đoạn, giúp đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chính xác tuyệt đối, sẵn sàng chờ đón những hợp đồng xuất khẩu đầu tiên.
Tất nhiên, để chinh phục được khách hàng, tiến tới đàm phán ký kết hợp đồng là cả một quá trình hết sức gian nan và không phải chỉ trong một sớm một chiều đã có thể thấy ngay kết quả.
Nhưng hy vọng rằng, với sự chủ động của ngành CNQP Việt Nam trong việc tích cực xúc tiến giới thiệu các sản phẩm vũ khí "Made in Vietnam" nói chung và mẫu tàu pháo cao tốc TT-400TP nói riêng, chúng ta sẽ sớm có tin vui và gặt hái được những quả ngọt sau bao nỗ lực, cố gắng.
Thật tự hào biết mấy một khi tàu chiến Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài!
Sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam tại triển lãm Indo Defence 2018
No comments:
Post a Comment