Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 20/11/2018.
Chuyến thăm của Tổng thống Kovind diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ ngày càng sâu rộng, đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước liên tục có những bước phát triển tốt đẹp, được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng: Hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực: Đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.
Được biết, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tiềm lực khoa học kỹ thuật khá mạnh, mà lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang gặt hái được nhiều quả ngọt từ chiến lược "Hãy làm ra chúng ở Ấn Độ - Make in India" mà Thủ tướng Narendra Modi áp dụng.
Ấn Độ đã tự chế tạo được nhiều loại vũ khí hiện đại, không những phục vụ nhu cầu hiện đại hóa quân đội trong nước mà còn định hướng xuất khẩu.
Tiêm kích đa năng Su-30MKI mang phóng thử nghiệm tên lửa BrahMos.
BrahMos đã sẵn sàng để xuất khẩu, Việt Nam mua được không?
Với quan hệ đối tác chiến lược ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam hoàn toàn có thể đề nghị phía bạn Ấn Độ cung cấp một số loại vũ khí hiện đại nhằm tăng cường tiềm lực phòng thủ, bảo vệ chủ quyền trên đất liền, trên không và trên biển.
Một trong những loại vũ khí mà Ấn Độ có thể xuất khẩu cho Việt Nam chính là tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos, sản phẩm ra đời từ chương trình hợp tác giữa Nga và Ấn Độ.
Tại Triển lãm LIMA 2017, ông Alexander Maksichev - người phát ngôn của Công ty Liên doanh Brahmos Aerospace tiết lộ rằng hợp đồng xuất khẩu tên lửa BrahMos đầu tiên đã cận kề.
Tuy nhiên, ông không tiết lộ quốc gia nào sẽ là khách hàng tiềm năng và họ quan tâm tới phiên bản tên lửa nào - hạm đối hạm, tên lửa bờ hay tên lửa đất đối đất, nhưng nhấn mạnh, để thực hiện hợp đồng với một nước thứ 3 cần phải có sự nhất trí của chính phủ 2 nước Nga và Ấn Độ.
Mặc dù từ đó tới nay chưa có thông tin nào mới hơn về hợp đồng xuất khẩu tên lửa BrahMos đầu tiên, nhưng có thể thấy dòng tên lửa này đã sẵn sàng được bán cho khách hàng nước ngoài.
Với quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với cả Nga và Ấn Độ, một khi chúng ta đề nghị phía bạn cung cấp dòng tên lửa này thì dường như sẽ không có bất cứ trở ngại nào.
BrahMos - Phiên bản tên lửa bờ.
Tên lửa BrahMos: Sát thủ đáng sợ trên biển
Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu và cải tiến, đến nay tên lửa hành trình diệt hạm BrahMos do Công ty Liên doanh Brahmos Aerospace chế tạo đã trở nên hoàn thiện và sẽ là sát thủ đáng sợ trên biển nhờ tính năng tàng hình, có khả năng cơ động cao, bay nhanh, đột kích bất ngờ và uy lực mạnh.
Các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao dòng tên lửa siêu âm này. Ước tính, với tốc độ pha cuối lên tới Mach 2.8 (thuộc loại nhanh nhất thế giới) thì tàu chiến đối phương chỉ có dưới 20 giây để phản ứng trước sức tấn công của BrahMos, do vậy chúng có thể dễ dàng xuyên thủng các lớp phòng thủ với sức công phá hơn hẳn các dòng tên lửa khác.
Một trong những điểm vượt trội khác của BrahMos là chúng có nhiều phiên bản khác nhau, từ tên lửa bờ, không đối hạm cho tới hạm đối hạm, thậm chí là trang bị cho cả tàu ngầm tấn công, tạo thành một họ tên lửa với uy lực chiến đấu rất mạnh
Không những thế, Liên doanh Nga-Ấn còn biến BrahMos thành loại tên lửa hành trình đánh đất tầm xa hết sức tiên tiến. Theo một quan chức cấp cao Bộ quốc phòng Ấn Độ đã phát biểu sau cuộc thử nghiệm thành công phiên bản này tại Pokhran:
"Tên lửa BrahMos có những tính năng mới độc đáo sẽ đánh trúng vào mọi mục tiêu 'mà không cần biết kích thước của chúng', cho dù là mục tiêu nhỏ trong một dãy nhà lớn. Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay có được công nghệ tiên tiến này".
Tuy nhiên, với Việt Nam, dường như phiên bản tên lửa hành trình đánh đất BrahMos chưa thật sự cần thiết, nhưng rõ ràng nếu lực lượng tên lửa bờ, tàu mặt nước và không quân ta được trang bị các phiên bản tên lửa diệt hạm tiên tiến này sẽ giúp tăng cường đánh kể khả năng phòng thủ.
Tên lửa BrahMos phóng từ tiêm kích đa năng Su-30MKI. Ảnh mô phỏng.
Nếu được trang bị phiên bản BrahMos phóng từ trên không, các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam có thể sẽ là những mũi đột kích nhanh, bất ngờ và uy lực chi viện cho các lực lượng tác chiến trên biển.
Tất nhiên, để mang được loại tên lửa này, Su-30MK2 sẽ phải tiến hành nâng cấp như gia cố khung thân để tăng khả năng chịu tải đồng thời trang bị thêm một số khí tài mới nhằm mang phóng được chúng.
Còn nếu các đơn vị tên lửa bờ Việt Nam được trang bị BrahMos rõ ràng sẽ tạo thành những ô phòng thủ cơ động hết sức hữu hiệu. Ngoài ra, trong tương lai, khi triển khai các chương trình đóng tàu chiến mặt nước thế hệ mới, Hải quân Việt Nam hoàn toàn có thể coi BrahMos là một ứng viên sáng giá.
Theo Tạp chí Rossiyskaya Gazeta (Nga), để sở hữu 1 tổ hợp tên lửa bờ BrahMos với 4 xe bệ phóng tự hành cùng cơ số đạn 90 quả thì khách hàng có thể phải bỏ ra chừng 300 triệu USD. Đây là cái giá không hề rẻ, nhưng "xứng đồng tiền bát gạo", và Việt Nam có thể cân nhắc khi điều kiện kinh tế cho phép.
Ấn Độ giới thiệu tên lửa BrahMos
No comments:
Post a Comment