"Trong quá trình tham vấn với Israel, Nga đã đồng thuận để Israel thực hiện các vụ không kích nhằm vào những mục tiêu của Iran nằm trong lãnh thổ Syria. Chúng tôi hy vọng sự đồng thuận này sẽ vẫn được tiếp tục", Business Insider dẫn lời phát biểu trong buổi họp báo mới đây của ông Jeffrey.
Hồi đầu tháng 10, Nga đã chuyển giao các hệ thống phòng không S-300 cho Syria sau khi máy bay quân sự IL-20 của Nga gặp nạn, khiến 15 người thiệt mạng. Nga cáo buộc chính chiến đấu cơ F-16 của không quân Israel đã cố tình dùng IL-20 làm lá chắn trước đòn phản công của hệ thống phòng thủ Syria. Hậu quả, hệ thống tên lửa S-200 của Syria đã bắn nhầm IL-20 của Nga.
Ngoài Nga, Iran hiện được xem là một trong những đồng minh chủ chốt của Tổng thống Syria Bashar Assad. Tuy nhiên, Israel lại xem Iran là kẻ thù số 1 và thề tiêu diệt các lực lượng quân đội Iran hoạt động ở biên giới Syria.
"Israel có lợi ích sống còn trong việc ngăn chặn Iran phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa hoạt động bên trong lãnh thổ Syria bởi lực lượng này có thể được sử dụng để chống lại Israel. Chúng tôi hiểu được lợi ích sống còn của Israel và chúng tôi ủng hộ Israel", đại sứ Mỹ tại Syria nói thêm.
Cũng theo ông Jeffrey, vụ tai nạn của máy bay IL-20 đã nhấn mạnh tới mối nguy hiểm đối đầu giữa một số lực lượng cùng hoạt động trên lãnh thổ Syria.
"Nỗ lực hiện nay của chúng tôi là xoa dịu tình hình và sau đó đưa ra một giải pháp mang tính lâu dài", ông Jeffrey chia sẻ.
Theo ông Jeffrey, mục tiêu của Mỹ là tiến tới một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột ở Syria cũng như đảm bảo toàn bộ các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi lãnh thổ Syria trong đó có cả Nga.
"Thực tế, quân nhân Nga vẫn chưa rút khỏi Syria mà hiện đang chiến đấu song song cùng nhiều lực lượng quân sự khác như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Mỹ. Tất cả các lực lượng này đều đang hoạt động bên trong lãnh thổ Syria. Đây là một tình huống vô cùng nguy hiểm", ông Jeffrey nhận định.
Về phần mình, Iran khẳng định quân đội nước này sẽ ở lại Syria chừng nào Tổng thống Assad mong muốn. Giống như Nga, chính Tổng thống Assad đã mời quân đội Iran tới Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 2 chiến dịch quân sự ở phía bắc Syria từ năm 2016 nhằm tiêu diệt các tay súng người Kurd.
Ông Jeffrey cũng nhấn mạnh, Washington hiểu được mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Mỹ ủng hộ các tay súng người Kurd.
Do đó, Mỹ đã hạn chế cung cấp vũ khí cho các tay súng người Kurd hoạt động trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Tuy nhiên, việc hạn chế cung cấp vũ khí lại khiến SDF giảm đi đáng kể sức mạnh tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.
No comments:
Post a Comment