Nhà khoa học Michael Griffin, 69 tuổi, đã quay lại làm việc cho Lầu Năm Góc với hy vọng khôi phục phần nào ý tưởng về một hệ thống phòng thủ tên lửa không gian.
Cách đây hơn 3 thập kỷ, ông Griffin là nhân vật trung tâm của sáng kiến " chiến tranh giữa các vì sao" của quân đội Mỹ. Nhiệm vụ của nhà khoa học này là hiện thực hóa ý tưởng của Tổng thống Mỹ khi ấy, Ronald Reagan: Che chắn nước Mỹ khỏi tên lửa Liên Xô.
Dựa trên nguồn tài trợ quốc phòng mạnh mẽ từ quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đang tiến hành một cuộc đại tu quân đội lớn nhằm đối phó với mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Trong đó, Phó Tổng thống Mike Pence đang dẫn đầu nỗ lực tạo ra một Lực lượng Không gian mới.
Dù các nhà phê bình nói rằng sáng kiến trên có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang nhưng ông Pence lập luận không gian đã được quân sự hóa kể từ khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik lên quỹ đạo. Vì vậy, lực lượng vũ trang Mỹ phải nhanh chân để chiếm lợi thế trước Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua này.
Dự luật chính sách quốc phòng mới nhất được Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 8 yêu cầu Lầu Năm Góc lên kế hoạch phát hiện và bắn hạ tên lửa từ không gian cũng như tìm cách đánh chặn tên lửa ngay sau khi chúng được phóng. Quân đội Mỹ còn phát triển các loại laser công suất cao để tiêu diệt nhiều tên lửa đồng thời.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Griffin cho biết: "Đối với các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn, chúng tôi hy vọng có thể làm chệch hướng tên lửa. Đối với các cuộc tấn công quy mô lớn hơn, chúng tôi hy vọng sẽ làm xáo trộn kế hoạch của kẻ thù để họ không chắc chắn về khả năng thành công".
Những năm gần đây, các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ nhận được khoản tài trợ đáng kể - khoảng 12 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, phần lớn số tiền này được dùng để gia tăng số lượng hệ thống phòng không thay vì phát triển công nghệ mới.
Máy bay MiG-31 của Nga triển khai tên lửa siêu thanh mới Kinzhal trong một cuộc tập trận. Ảnh: AP
Sắp tới, ông Griffin sẽ giúp Lầu Năm Góc nghiên cứu tên lửa đánh chặn trong không gian có thể hạ gục tên lửa đạn đạo. Ông cũng ủng hộ việc đầu tư mạnh vào vũ khí laser.
Nhưng trước tiên, ông Griffin cho hay Mỹ phải thiết lập mạng lưới cảm biến giám sát vệ tinh trong không gian để phát hiện các mối đe dọa tên lửa trong thời gian thực tại mọi địa điểm trên thế giới.
Lầu Năm Góc hiện đặc biệt lo ngại về tên lửa dẫn đường chính xác siêu thanh đang được Trung Quốc phát triển. Chúng có thể khiến tàu và căn cứ quân sự của Mỹ gặp rủi ro nếu xảy ra xung đột ở châu Á.
Về chi phí, ông Griffin nói rằng các cụm cảm biến không gian sẽ ngốn khoảng vài tỉ USD. Trong khi đó, nếu Lầu Năm Góc có thể sản xuất vệ tinh riêng, dự án sẽ tốn gần 10 tỉ USD.
No comments:
Post a Comment